Trẻ cậy cha, già cậy con

GD&TĐ - Việt Nam hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, trong đó, người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26% và với tốc độ già hóa như hiện nay, thì Việt Nam chỉ mất 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. 

Trẻ cậy cha, già cậy con

Khi dân số phần lớn là người già đòi hỏi việc chăm sóc, dinh dưỡng khác nhóm tuổi còn lại.

Khủng hoảng… tuổi già

Khi tuổi tác càng cao, người già càng trở nên “khó chiều”, sự suy yếu không chỉ về sức khỏe mà cả về tâm lý. Sự khủng hoảng tâm lý ở người lớn tuổi diễn ra từ sau khi nghỉ hưu, phần lớn có suy nghĩ mình không còn giá trị, hay bị lãng quên, không còn được người khác tôn trọng.

Họ cảm thấy như mình bị mất đi tất cả như: Công việc, mối quan hệ, quyền lực… Trong khi mọi người xung quanh vẫn bận rộn với công việc thì người già “quanh quẩn với bốn bức tường”, những mối quan hệ giao tiếp trước kia bị giảm đi.

Ngoài việc cơ thể lão hóa, tinh thần của người lớn tuổi cũng sẽ sa sút theo. Vì thế, người già dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý, thường thấy cô đơn, hoài cổ, lo lắng bi quan... Đối với người cao tuổi các chức năng vận động, tiêu hóa và tinh thần cũng suy giảm và thoái hóa như mắt nhìn kém, tai nghe kém, mũi ngửi kém, lưỡi không nhạy cảm ảnh hưởng đến ăn ngon miệng.

Bên cạnh đó, những bệnh lý khác hay gặp phải như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, thoái hóa xương… ít nhiều đều liên quan đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của người lớn tuổi.

Trẻ cậy cha, già cậy con, câu nói của người xưa hàm ý việc quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất quan trọng. Để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, hạn chế bệnh tật là điều mong muốn không chỉ của người cao tuổi, mà còn là mong muốn của cả gia đình và xã hội. Muốn quan tâm chăm sóc tốt, mỗi người trong gia đình cần biết rõ những thay đổi về mặt tâm sinh lý của người bố/mẹ, người ông/bà của mình.

Hiểu người già để chăm sóc

Già đồng nghĩa với việc cơ thể lão hóa nên nhu cầu về ăn uống, vận động, ngủ nghỉ cũng thay đổi. Với người cao tuổi, cần giảm khẩu phần ăn so với thời trẻ, trước hết là ăn giảm chất đường bột. Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi.

Theo khuyến nghị với người cao tuổi nhu cầu về năng lượng là từ 1.700 - 1.900 kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 68%, các chất béo cung cấp 18% và các chất đạm cung cấp 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ ăn để giữ cân nặng ổn định, để chỉ số BMI từ 18,5 - 22,9.

Bữa ăn của người cao tuổi cũng khác trước. Cần chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo không khí vui vẻ thoải mái. Khi ăn cần nhai chậm, nhai kỹ thức ăn, nên ăn các thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng… Không ăn quá no nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.

Ba loại thực phẩm cần giảm ở người cao tuổi là giảm ăn thịt, giảm chất béo và giảm muối. Theo đó, người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như: Cá, tôm, cua (100g tép chứa 910 mg canxi, 100g cua chứa 5.040 mg canxi).

Các protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ vì chúng có nhiều chất xơ giúp thải lượng cholesterol. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: Nội tạng động vật, óc. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa).

Ngoài giảm cơm, người cao tuổi cần chú ý giảm thịt, giảm mỡ, giảm đường. Thịt tính bình quân không vượt quá 1,5 kg đầu người trong một tháng, mỡ/dầu dưới 600 gam, đường dưới 500 gam. Ngoài ra, ăn hạn chế các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối. Hạn chế những đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như: Cà phê, chè đặc. Hạn chế ăn mặn, lượng muối ăn dưới 150gam/người/tháng, vì ăn muối nhiều có liên quan đến bệnh tăng huyết áp.

Rau tươi và quả chín là thực phẩm cần thiết trong chế độ dinh dưỡng người cao tuổi. Ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.

Nước vô cùng quan trọng cho hoạt động của cơ thể. Phần lớn người cao tuổi thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Đây là quan niệm sai lầm bởi nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Vì vậy vẫn nên duy trì việc uống từ 1,5 - 2 lít nước/một ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen...

Người cao tuổi nên sinh họat điều độ, ăn, ngủ đúng giờ. Để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý bằng việc tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Đi bộ là cách vận động tốt nhất, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).