Trẻ ăn vạ nơi công cộng, xử lý thế nào?

GD&TĐ - Có nhiều cách để trẻ thể hiện đang ăn vạ như mè nheo, khóc lóc, giãy giụa, thậm chí la hét, ném đồ đạc… Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết “trị” con thế nào, nhất là khi chúng ăn vạ ở nơi công cộng.

Cơn ăn vạ thường sẽ tự chấm dứt. Ảnh minh họa.
Cơn ăn vạ thường sẽ tự chấm dứt. Ảnh minh họa.

Ăn vạ là… bình thường

Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ ăn vạ chẳng có gì là hay ho, nhất là ở những nơi công cộng, khi nhà có khách hoặc chỗ đông người. Thế nhưng, theo các chuyên gia, trẻ nhỏ ăn vạ, nhất là trẻ lên ba thì đó là chuyện hết sức bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi chia sẻ: “Khi thấy trẻ ăn vạ, đừng vội kết luận đó là đứa trẻ hư. Khi trẻ đã bắt đầu biết nhận thức, nếu con có biểu hiện này, cha mẹ nên mừng hơn là lo.

Não bộ, các cơ quan phát triển giúp trẻ bắt đầu hình thành những ý muốn độc lập và sự linh hoạt của chân tay có thể giúp trẻ tự thực hiện được điều đó. Bởi vậy, có những việc mà cha mẹ muốn giúp đỡ nhưng chúng lại không cần, có những thứ người lớn chỉ bảo nhưng chúng lại liên tục nói “không!” và dùng mọi cách để chống đối.

Vì vậy, ăn vạ là một biểu hiện bình thường của quá trình phát triển mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Do đó, hãy mừng khi con bạn bắt đầu biết và muốn thể hiện cái tôi của mình”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết thêm, nói là mừng nhưng cha mẹ cũng đừng bỏ qua hay để mặc con khi ăn vạ. Cần khéo léo xử lý các tình huống mà con đòi hỏi. Nếu bạn cáu gắt, dùng đòn roi để cưỡng chế, con bạn sau này sẽ có những hành động tương tự và có khả năng trở thành những người ưa bạo lực, hay đánh nhau.

Nhưng, nếu bạn phớt lờ hoàn toàn khi con ăn vạ, con cũng sẽ có những tổn thương nhất định về mặt tâm lý. Trẻ cho rằng cha mẹ không yêu thương chúng, không biết mình sai ở đâu nên những lần sau vẫn tiếp tục ăn vạ để được quan tâm hay chú ý.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ dễ nhượng bộ khi con ăn vạ ở nơi công cộng. Không ít trường hợp trẻ đòi hỏi bằng cách lăn đùng ra đất, giãy giụa, khóc lóc, gào thét, nhất định không chịu nghe lời người lớn. Tâm lý nhiều phụ huynh thấy ngại ngùng với những người xung quanh, hay xấu hổ khi bị nhìn vào, sợ phê bình không những cả con mà cả mẹ nên đã dễ dàng thỏa hiệp.

Lúc này, trẻ nhận thấy được “vũ khí” lợi hại để được đáp ứng yêu cầu là ăn vạ ở chốn đông người và sẽ sử dụng “chiêu” này thường xuyên hơn. Vì vậy, cha mẹ cần có “kế hoạch” để trị thói ăn vạ nơi công cộng của con.

Lên kế hoạch “trị” con

Nhiều người cho rằng, khi con ăn vạ thì cứ mặc kệ, sau vài lần con sẽ tự hết. Nhưng lại có ý kiến kêu nếu làm vậy con sẽ ngày càng lỳ. Còn có người thì biểu khi con ăn vạ, một trong hai bố mẹ đóng vai ác, giả vờ cầm roi cầm vọt dọa đánh, người còn lại sẽ dỗ để lần sau con sợ mà hết.

Có thể ở nhà, cha mẹ đã làm tốt việc xử lí các cơn ăn vạ của trẻ nhưng khi ra ngoài đường, đi siêu thị,… vì sợ người ngoài nhìn vào, tâm lý ngại ngùng, xấu hổ mà người lớn đã dỗ bé bằng việc mua đồ chơi hay bánh kẹo cho “xong chuyện”. Bé sẽ nhận ra thói quen này và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài.

Hơn nữa, khi con quấy khóc, bản thân cha mẹ cũng bực bội, la hét và khó chịu. Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo và có xu hướng trở thành người hay cáu gắt, bạo lực. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con “ăn vạ”.

Cô Trần Phương Nhi, chuyên gia tâm lý Nhi khoa khuyên rằng: Cha mẹ cần chuẩn bị kỹ trước khi đến nơi công cộng. Ví dụ, trước khi đi siêu thị, hãy nói với con rằng đến đó để mua thức ăn, chứ không phải là mua đồ chơi hay bất cứ thứ gì khác.

Có thể nhắc lại với con nhiều lần để khẳng định rằng, con không được đòi mua những thứ con muốn. Trong trường hợp con vẫn đòi hỏi, ăn vạ để được đáp ứng, thậm chí có những phản ứng gay gắt và cư xử càng khó ưa hơn. Đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho việc này.

Đặc biệt, trẻ có thể lăn ra đất mà kêu gào, la hét, hãy bình tĩnh để con thể hiện cơn giận của mình ra ngoài, sau đó, người lớn hãy ngồi xuống và nói chuyện với con. Cách tốt nhất là đưa con ra khỏi khu vực đó, ở chỗ yên tĩnh hơn để con có thể bình tĩnh trở lại rồi phân tích cho con hiểu hành vi của mình là không đúng.

Dù cho bé có ăn vạ dai dẳng như thế nào, bố mẹ nhất định không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của bé. Chỉ cần bạn nhượng bộ một lần, bé sẽ nghĩ rằng khi ăn vạ, bé sẽ có mọi thứ bé muốn. Nếu bé nổi cáu tới mức đánh mọi người, ném đồ đạc lung tung, hay không ngừng la hét thì hãy dứt khoát dừng lại cuộc đi chơi hay mua sắm, cho trẻ quay về nhà.

Lúc này, con phần nào nhận ra hành động ăn vạ của mình sẽ bị “tước” đi việc được ra ngoài chơi. Về nhà, cha mẹ sẽ tiếp tục nói chuyện với con về việc này, không nên phớt lờ đi bỏ mặc trẻ, con sẽ có cảm giác bỏ rơi hoặc chưa hiểu ra mình cần làm gì mới là đúng.

Để “trị” con ăn vạ nơi công cộng, cha mẹ luôn chủ động lên kế hoạch ứng phó với các tình huống. Thêm nữa, không cần quá quan tâm khi nhiều người lạ nhìn vào bởi chính bạn mới là người trong cuộc để hiểu được câu chuyện giữa con và mình, nên chỉ có cha mẹ mới là người trực tiếp giải quyết được việc này. Nếu chỉ bận tâm sợ bị chê bai, phê phán mà nhượng bộ thì người lớn đã vô tình khiến con trở lên xấu đi khi ăn vạ thường xuyên, dẫn đến hình thành tích cách, thói quen không tốt sau này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.