Sắm vai ác để “trả đũa” em dâu

GD&TĐ - Nghĩ mình là chị, mình có trách nhiệm nhắc nhở em dâu, mấy ngày đầu tôi nói nhỏ với Uyên: “Em chịu khó chuyện trò với mẹ, người già thích được quan tâm, nhớ mua cho bà cái này cái khác, cốt ở tấm lòng mình”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế mà cô ấy gắt gỏng: “Em biết rồi, chị không cần dạy bảo. Đấy là điều tối thiểu mà một cô con dâu phải làm”. Biết tính Uyên nóng nảy, từ đấy tôi rút kinh nghiệm, không mở miệng nói những điều tương tự nữa.

Ngày nào mẹ chồng cũng khoe em dâu mới mua cho cái nọ, sắm cho cái kia, giọng điệu đầy tự hào. Khác với tôi, Uyên về làm dâu khi đã nhiều tuổi nên lúc cô ấy đã giắt lưng kha khá tiền. Mẹ chồng tôi có vẻ tự hào rồi đem so bì với tôi – một nhân viên quèn, lương chẳng đáng là bao.

Uyên không phải người biết điều, thậm chí còn hay lên mặt với tôi. Cô ta luôn tự hào mình là cô gái thành phố, gia đình thế nọ thế kia. Cô ta còn thao thao bất tuyệt kể với hàng xóm: “Cháu học hành cũng chẳng đến nỗi, lại có bố mẹ quan hệ rộng, lúc ra trường được nhiềungười giúp thành ra công việc cứ nhẹ bẫng chẳng vất vả như ai”.

Cô ta cũng vênh mặt khi kể rằng mình đã đi khắp đất nước, điều đó làm tôi chạnh lòng khi ít được đi đâu, vì lý do kinh tế và vướng bận con nhỏ.

Uyên còn hùa theo mẹ chồng, chê lương tôi èo uột, vắt mũi chẳng đủ đút miệng, chuyện đến tai khiến tôi ấm ức trào nước mắt, nuôi hận trong lòng. 

Một lần Uyên tìm cách đứng gần để chọc tức tôi: “Em đến phục chị! Em không thể làm được cái việc nhàm chán như chị, mà lương thì thấp. Sao chị không thử kiếm việc gì khá hơn? Có gì khó khăn thì cứ nói với em một câu, em không giúp được thì sẽ nhờ bố mẹ em”. Tôi nghe mà tức lộn ruột, nhưng cố gắng kiềm chế để không rơi vào cái lưới Uyên đã giăng sẵn.

Ngày tôi có bầu, Uyên chẳng lấy gì làm vui vẻ nhưng vẫn ngọt nhạt lại gần chúc mừng: “Lần này mà được thằng đít nhôm thì tốt”. Tôi mạnh mẽ đáp lại : “Con nào cũng yêu hết thím ạ, ối người mơ còn chả được kìa”.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy Uyên bối rối, cô ta cuống lên thanh minh: “Tại anh Phước nhà em hút thuốc nhiều quá, lười tập thể dục nên mới thế đấy”.

Tôi càng được đà “kháy” tiếp: “Anh Đức nhà chị cũng thế, đàn ông đều như nhau cả thôi”. Cứ thế hòn bấc ném đi hòn chì ném lại. Uyên dài giọng chê những nhà chẳng biết lên kế hoạch cho cuộc sống, chỉ biết ăn với đẻ, nghèo còn cứ thích đẻ rõ lắm rồi lại than khổ. Tôi chẳng thèm nói nữa vì biết thừa cô ta đang tức ngùn ngụt.

Bụng chửa vượt mặt nhưng tôi vẫn bị mẹ chồng sai khiến đủ việc. Ban ngày đi làm, buổi tối nghỉ ngơi được tí bà lại giục trộn bột làm bánh ăn cho… vui miệng, tôi phải xắn tay lên làm không khác gì tôi tớ trong nhà, Uyên thì nằm ườn, thảnh thơi khiến tôi bức xúc vô cùng.

Đến lúc nhà có cỗ, tất cả xúm lại, Uyên cũng ra vẻ xông xáo, thò tay vào nhặt rau góp vui, lúc này tôi mới làm ra vẻ khôi hài: “Thím Uyên học hành nhiều quá nên bếp núc không rành đâu, cứ để đấy chúng tôi làm cho”.

Từ đấy, hễ Uyên thò tay vào việc gì là tôi ra vẻ hốt hoảng: “Trời! Thím không được làm thế. Đừng rán vàng quá bố mẹ đổ đi hết đấy. Sao thím lại vo gạo kiểu này, ai lại gọt cà rốt thế bao giờ, thím phải rửa luôn bát đĩa, nồi niêu bẩn khi vừa nấu xong chứ...”.

Sự nhắc nhở liên tục của tôi khiến chị em họ phải chú ý đến Uyên, ai cũng chẹp miệng lắc đầu: “Công nhận thím Uyên vụng quá”.

Tôi gắng giữ “phong độ”, cố tình nói trước mặt nhiều người khiến Uyên phải sượng mặt. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi thấy thỏa mãn vô cùng với màn “trả đũa” ấy, nhưng rồi tôi lại tự vấn mình, chẳng nhẽ tôi cứ phải sắm vai kẻ ác suốt phần đời còn lại? Cuối cùng tôi cũng chẳng thu được gì. Sống như thế quá mệt mỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ