Rủ rỉ dạy con tiêu tiền mừng tuổi

Sau Tết, cha mẹ cần dạy con ứng xử sao cho đúng với tiền mừng tuổi, tránh tình trạng lợi bất cập hại…

Phong tục mừng tuổi đầu năm mới
Phong tục mừng tuổi đầu năm mới

Trên trang web của trường THPT Dân lập  Lương Thế Vinh, Hà Nội trước kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ năm 2014, PGS – nhà giáo Văn Như Cương – Hiệu trưởng nhà trường đã viết một bức thư dặn dò và gửi gắm tình cảm của mình tới các học trò thân yêu.

Đặc biệt, người thầy của biết bao thế hệ học trò cũng viết một điều nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa, đó là lời đề nghị mỗi học sinh đừng nên sử dụng số tiền mừng tuổi một cách hoang phí, mà hãy dành để làm những việc thật tốt đẹp.

Thông điệp của nhà giáo Văn Như Cương gửi tới các em học sinh đã khiến nhiều ông bố bà mẹ bắt đầu nghĩ tới việc phải dạy con em mình ứng xử với tiền mừng tuổi sao cho đúng cách và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, có không ít những đứa trẻ cứ khư khư giữ tiền mừng tuổi vì chúng cho rằng đó là số tiền do chúng kiếm được dịp Tết. Vì vậy, chúng tự do tiêu phung phí.

Anh Nguyễn Hoàng An, quận Đống Đa năm nay vui mừng vì đã thành công trong việc giáo dục con quản lý tiền mừng tuổi bằng cách anh chị cho các cháu dùng tiền mừng tuổi vào hiệu sách mua đồ dùng học tập, sách, truyện. Số còn lại anh chị lập thành 2 cuốn sổ tiết kiệm dành cho các cháu sau này. Anh Hoàng cho biết, các bậc cha mẹ đừng để con cái tự ý tiêu pha bừa bãi rồi mới đưa chúng vào kỷ luật. Đó là quy trình ngược.

Chị Nguyễn Huyền Phương, quận Hoàn Kiếm Hà Nội đang "đau đầu” vì cô con gái 12  tuổi dứt khoát không đưa số tiền mừng tuổi 4,5 triệu đồng gửi mẹ. Năm ngoái, con gái chị đã biết tự ý dùng số tiền mừng tuổi mua đồ chơi phung phí, rồi rủ bạn bè tới công viên chơi trò chơi, khi bị mẹ mắng cháu cãi lại rằng đó là tiền của con, con có quyền được tiêu.

Năm nay, ông bà ngoại  góp ý với chị Phương nên quản lý số tiền giúp con gái, không để con gái tự do như vậy được. Nhưng chị Phương thấy thật khó thuyết phục con gái. Về tình huống này, các chuyên gia tâm lý cho rằng, rất cần sự định hướng của các bậc phụ huynh từ khi con cái mình còn nhỏ, đừng quan niệm, lớn lên các cháu mới hiểu.

Ngay từ khi trẻ 2 - 3 tuổi bố mẹ cần giải thích đơn giản, dễ hiểu cho con. Khi con vào tiểu học, cha mẹ cũng có thể định hướng trẻ dùng tiền lì xì để phục vụ cho nhu cầu bản thân, mua sách vở hay đồ dùng học tập mà mình đang cần.

Đôi khi, bố mẹ nên cho bé được lựa chọn và có quyền nhất định nếu cảm thấy nhu cầu của bé là chính đáng. Bên cạnh đó, đặc biệt khuyến khích con sử dụng tiền vào các việc làm từ thiện do nhà trường hoặc khu phố phát động.

Theo Đại Đoàn Kết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ