Rộ “mốt” nhà giàu mang con xuất ngoại tiêm vắc-xin

Sau một số vụ trẻ tử vong khi tiêm vắcxin và việc khan hiếm vắc-xin của Pháp, Bỉ; thời gian gần đây, không ít gia đình đưa con ra nước ngoài tiêm cho an toàn. Để tranh thủ, các bà mẹ còn kết hợp tiêm phòng cho con và đi du lịch. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là trào lưu của giới nhà giàu.

Rộ “mốt” nhà giàu mang con xuất ngoại tiêm vắc-xin

Lập topic rủ nhau xuất ngoại

Tìm hiểu về trào lưu này, người tôi tìm đến là chị Nguyễn Thu Hằng (32 tuổi, trú tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Chị Hằng là người lập một topic để liên hệ với các phụ huynh đã và đang có nhu cầu đưa con ra nước ngoài tiêm vắc-xin.

Trò chuyện với PV, chị Hằng than thở: “Vợ chồng tôi mặc dù có công ty riêng, tiền nong rủng rỉnh nhưng lấy nhau gần mười năm mới có một mụn con. Con gái tôi được gần một tuổi, trái gió trở trời hay ốm lắm.

Gần đây đài báo nói nhiều về chuyện trẻ em sau khi tiêm vắc-xin có bé phải cấp cứu, bé thì tử vong nên vợ chồng tôi vẫn chưa dám cho con đi tiêm ở các bệnh viện trong nước”. Được biết, chị Hằng có một người bạn cùng học đại học đang sinh sống ở Singapore.

Rộ “mốt” nhà giàu mang con xuất ngoại tiêm vắc-xin - Ảnh 1

Một bà bẹ trẻ chia sẻ hình ảnh cho con xuất ngoại tiêm vắc xin.

Cách đây mấy tháng, khi về Việt Nam, người bạn này cho biết, bên Singapore điều kiện y tế hiện đại, vắc-xin không khi nào thiếu nên bảo chị đưa con gái sang đó tiêm phòng. Lần tìm ở một số trung tâm, chị Hằng được biết, riêng tiền đi lại và ăn ở, họ ra giá tới hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu kết hợp được nhiều người cùng đi thì giá sẽ thấp (7 triệu đồng trong thời gian 3 ngày 2 đêm và 9 triệu đồng cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm). Ngoài ra, tiền đi lại, chi phí thăm khám tại các bệnh viện lớn ở Singapore khoảng 10 triệu đồng.

Riêng phí tiêm phòng thì với mũi “6 trong 1” từ 2 - 3 triệu đồng tại các bệnh viện như Mount Elizaberth, KK Hospital, Raffles. Trước những thông tin đó, chị Hằng đã lập ra một topic để các bà mẹ có thể lên kế hoạch cùng đi từ đó bớt những chi phí phát sinh ngoài ý muốn.

Chị Hằng hồ hởi kể: “Mới chia sẻ ý tưởng xuất ngoại tiêm phòng lên topic được hai hôm, tôi nhận được đăng ký của khoảng 200 bà mẹ. Việc này giống như tổ chức đi du lịch nên ai cũng háo hức. Riêng tôi cũng đã mời được chị bạn đang là bác sỹ ở một bệnh viện có tiếng tại Hà Nội mang con đi cùng”.

Thấy tôi ngỡ ngàng về con số hơn 200 người vào topic đăng ký đi Singapore tiêm phòng cho con, chị Hằng chia sẻ: “Vì trên đó mình cũng đã công bố là đi nước ngoài tiêm phòng kết hợp với du lịch nên những ai có khả năng kinh tế mới đăng ký vào nhóm. 

Bên cạnh đó, việc thăm khám ở bệnh viện nào, chi phí cụ thể từng khoản ra sao, mình đã có người quen bên đó bố trí sẵn. Chính vì thế, mọi người cảm thấy yên tâm”.

Nở rộ các “tour tiêm chủng”

Để làm rõ về trách nhiệm với người bệnh sau tiêm của các trung tâm giới thiệu khám chữa bệnh ở nước ngoài, PV đã tìm hiểu thông tin từ một văn phòng tự giới thiệu là đại diện tại Việt Nam của 4 bệnh viện lớn ở Singapore.

Liên hệ qua điện thoại, một nhân viên của văn phòng này cho biết, số lượng đăng ký cho trẻ xuất ngoại đi tiêm vắc-xin tăng mạnh. Theo đó, hai tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, văn phòng này nhận khoảng 10 lịch hẹn tư vấn. Có ngày, văn phòng nhận 17 cuộc gọi đặt lịch tư vấn đưa trẻ đi tiêm vắc-xin dịch vụ tại Singapore.

PV tiếp tục kết nối với một trung tâm chuyên tổ chức “tour tiêm chủng” tại Singapore có địa chỉ ở phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, nhân viên bảo vệ dẫn PV lên tầng hai của căn nhà 4 tầng - nơi đặt trụ sở trung tâm.

Trong căn phòng rộng khoảng 40m2 được chia làm hai khu, bao gồm khu thăm khám ban đầu cho trẻ và khu làm thủ tục xuất ngoại. Khi PV đến, đã có 3-4 bà mẹ ăn mặc sành điệu đang ngồi chăm chú đọc mấy tờ giấy cam kết và biên lai nộp tiền.

Vừa gặp tôi, cô lễ tân áo dài đon đả: “Bên em có nhiều gói “tour tiêm chủng” trọn gói tại Singapore cho các mẹ tham khảo. Vợ chồng ông chủ bên em đã sống và làm việc ở Singapore hơn 10 năm nên mọi vấn đề đi lại, chỗ ăn, ở, bệnh viện họ đều bố trí sẵn. Bản thân em đã giúp đỡ một số người bạn đưa con sang bên đó tiêm, dịch vụ ổn lắm”.

Khi tôi hỏi về thủ tục, cô lễ tân cho biết: “Nếu khách hàng đồng ý với thỏa thuận của trung tâm, chúng em sẽ tư vấn trước tại Việt Nam. Khi sang nước ngoài sẽ có phiên dịch. 

Chúng em cũng sẽ dịch hồ sơ của các bé sang tiếng Anh. Đồng thời, làm việc và đặt lịch trước với bệnh viện. Khi sang, gia đình các bé sẽ được nghỉ ngơi và tiêm luôn sau đó chứ không phải ăn đợi nằm chờ”.

Sau đó cô này đưa ra danh sách bao gồm các bệnh viện ở Singapore như: Mount Elizabeth Hospital, SBCC Baby and Children Clinic, SGH Baby and Child Clinic...

Khi tôi đề cập đến việc, sau khi tiêm, các cháu có thể bị biến chứng thì giải quyết thế nào, cô lễ tân cho hay, cô chỉ có nhiệm vụ tư vấn. Còn mọi vấn đề sẽ có trong bản cam kết nếu gia đình đồng ý đóng tiền để đi “tour tiêm chủng”.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay, du lịch kết hợp với chữa bệnh đang là một trào lưu ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi có ý định đưa trẻ sang nước ngoài tiêm phòng, người dân nên cân nhắc kỹ.

Bởi các vắc-xin, công thức, lịch tiêm, đường tiêm trước khi được phép sử dụng tại nước nào đều được đánh giá trên thể trạng của người nước đó. 

Lịch tiêm của nước ngoài đối với trẻ nhỏ có khi hợp với người nước ngoài nhưng chưa hẳn hợp hoàn toàn với người Việt Nam. Hơn nữa, việc đưa trẻ nhỏ di chuyển đường dài còn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm của trẻ.

Tiêm chủng ở Việt Nam và nước ngoài không khác nhau

Một bác sỹ đang công tác tại viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, thực tế, quy trình tiêm chủng ở trong nước và nước ngoài không khác nhau nhiều. Không phải chỉ tiêm chủng trong nước mới có những tai biến hoặc phản ứng sau tiêm, còn tiêm chủng ở nước ngoài thì không.

Các nước trên thế giới cũng có những trường hợp trẻ bị phản ứng sau tiêm chủng. Đơn cử như trong năm 2013 và 2014, Ấn Độ, Buhtan, Srilanca, Trung Quốc và Nhật Bản cũng thông báo các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đối với các vắc-xin 5 trong 1, viêm gan B... 

Ngày 12/11, Cục Quản lý Dược (bộ Y tế) thông tin, Văn phòng đại diện công ty GlaxoSmithKline Pte.Ltd tại Việt Nam sẽ cung ứng khoảng 49.000 liều vắc-xin “6 trong 1” cho thị trường nước ta trong năm 2016.

Trào lưu từ tâm lý sính ngoại

Trả lời PV báo ĐS&PL, PGS. TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Theo dự báo, vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 không chỉ khan hiếm trong năm 2015 mà cả 2016 cũng vậy. 

Nguyên nhân xuất phát từ nhà cung cấp và ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc nhiều gia đình Việt Nam đưa con sang nước ngoài tiêm vắc-xin cũng giống như câu chuyện người Việt sang nước ngoài chữa bệnh. 

Điều này là dễ hiểu, bởi người Việt lâu nay có tâm lý sính ngoại. Tuy nhiên, việc xuất ngoại tiêm vắc-xin chỉ xuất hiện ở một số gia đình có điều kiện kinh tế. 

Tôi khẳng định 1,5 triệu trẻ em tại Việt Nam vẫn được đảm bảo phòng ngừa các bệnh lây nhiễm nguy hiểm bằng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ