Phụ nữ dân tộc nói không với sinh con thứ ba

GD&TĐ - Chúng tôi đến Thạnh An (Cao Bằng) vào một ngày giữa hạ. Men theo con đường quanh co, uốn lượn ven sườn núi, chúng tôi được đồng chí Chủ tịch xã Vân Trình, Triệu Xuân Hải dẫn xuống Lũng Hảy - một trong những bản đi đầu về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của xã Vân Trình.

Mẹ con chị Triệu Thị Chầu đang ngồi bóc, tách ngô hạt để làm thức ăn trăn nuôi gia súc trong nhà.
Mẹ con chị Triệu Thị Chầu đang ngồi bóc, tách ngô hạt để làm thức ăn trăn nuôi gia súc trong nhà.

Công tác dân số KHHGĐ bao phủ toàn bản

Xuống bản Lũng Hảy, chúng tôi được các chị, các em người dân tộc Dao Đỏ tươi cười chào đón. Chị Hứa Thị Bình, cán bộ phụ trách y tế và dân số xã Vân Trình cho biết: Nhận thức của người dân ở Lũng Hảy về việc sinh đẻ có kế hoạch và sử dụng các biện pháp phòng tránh thai rất tốt. Nhiều người thể hiện rõ quan điểm về việc sinh đẻ. Họ cho rằng, việc đẻ ít con sẽ nuôi dạy tốt hơn, cuộc sống gia đình sẽ bớt vất vả hơn, con nào cũng là con đều nuôi dạy như nhau và không phân biệt gái trai.

Cùng nói về vấn đề dân số KHHGĐ, chị Triệu Thị Chầu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Lũng Hảy chia sẻ: Trong công tác Hội Phụ nữ xã, tôi thường xuyên tuyên truyền cho các chị em không sinh con thứ 3. Đồng thời phối hợp với cộng tác viên dân số của xã tổ chức các buổi nói chuyện về việc sinh con và KHHGĐ. Trong các buổi tuyên truyền chúng tôi phân tích cho các chị em hiểu được việc sinh con và nuôn con. Nói cho các chị em biết, con cái là của trời ban cho và con nào cũng là con…

Bên cạnh đó chúng tôi còn tuyên truyền cho các chị em biện pháp phòng tránh thai; Làm sao sinh con khỏe, nuôi dạy con khỏe, ngoan và mỗi gia đình chỉ 2 con là đủ. Nhờ công tác tuyên truyền rộng rãi về việc sinh đẻ có kế hoạch mà các gia đình trong thôn, xóm, xã không có gia đình nào sinh con thứ 3, mặc dù có nhiều gia đình sinh con một bề là gái.

Gái hay trai chỉ 2 là đủ

Chị Triệu Thị Chầu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Lũng Hảy, có 2 con gái nhưng luôn nghĩ, con cái là trời ban cho nên dù sinh được con trai hay con gái đều tốt như nhau. Thậm chí sinh con gái tôi phải thương chúng hơn.

Hơn nữa, tôi cũng may mắn được chồng và gia đình nhà chồng đều rất quý con, cháu. Chưa một ai trong gia đình gây áp lực cho tôi về việc sinh con trai để nối dõi tông đường và cũng không ép tôi phải sinh thêm con thứ 3.

Cùng cảnh sinh con một bề là gái, chị Triệu Thị Liễu, người dân tộc Dao Đỏ, sinh năm 1994 ở thôn Lũng Hảy cho biết: Tôi sinh được 2 con gái, cháu lớn được 4 tuổi, cháu nhỏ được 8 tháng. Tôi rất cũng rất may mắn được gia đình nhà chồng có tư tưởng tiến bộ, nhất là chồng tôi luôn quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia và động viên vợ. Có lần anh động viên tôi: "Con nào cũng quý, cũng yêu, cũng đều nuôi dạy như nhau. Mình cố gắng chăm lo cho con ăn học tốt, sau này các con có công việc ổn định không phải vất vả, chân lấm, tay bùn là vợ chồng mình mừng".

Nói về vấn đề này, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình cho biết: "Việc thực hiện chính sách Dân số KHHGĐ ở Cao Bằng nói chung và Thạch An nói riêng, cụ thể là thôn Lũng Hảy xã Vân Trình khác hẳn với Sa Pa (Lào Cai). Hầu như không có hộ nào sinh con thứ 3. Phải thừa nhận rằng, nhận thức về vấn đề dân số KHHGĐ nơi đây ngày càng cao và chấp hành rất nghiêm chỉnh các chính sách của nhà nước". 

Trước đây, việc nhận thức chưa thông, nhiều người còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nếu gia đình nào chưa có con trai, họ sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Nhưng nay, có công tác tuyên truyền vận động, người dân đã hiểu hơn về việc sinh con trai, con gái và việc sinh đẻ nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của gia đình nên nhiều người dân đã tự giác chỉ sinh từ 1 đến 2 con, không có gia đình nào sinh con thứ 3. Ông Triệu Xuân Hải – Chủ tịch xã Vân Trình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ