“Phao cứu sinh” giúp trẻ tránh nguy hiểm: Nhận diện nguy cơ từ kỹ năng sống

GD&TĐ - Trẻ em được coi là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay, những nguy hiểm luôn rình rập trẻ, như nạn bắt cóc, tai nạn giao thông...

Dạy trẻ kỹ năng đi thang máy tại Trường Mầm non Họa Mi (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dạy trẻ kỹ năng đi thang máy tại Trường Mầm non Họa Mi (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Do đó, việc chú trọng dạy trẻ những nguyên tắc an toàn cơ bản trong cuộc sống để phòng tránh nguy hiểm là điều vô cùng cần thiết.

Bên cạnh các kỹ năng tránh nguy hiểm thường gặp, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ bảo vệ bản thân khỏi kẻ bạo hành, quấy rối bằng một số kỹ năng.

Hiểm họa rình rập mọi nơi

Xã hội ngày càng phát triển, tỷ lệ thương tích ngoài ý muốn ở trẻ em ngày càng tăng. Điều đó có thể đe dọa đến sự an toàn cũng như tính mạng của trẻ. Trong bối cảnh đó, làm thế nào nâng cao ý thức phòng tránh và bảo vệ bản thân của trẻ là vấn đề cần thiết hơn bao giờ hết.

Có thể nói, không ít ông bố, bà mẹ luôn ước ao vòng tay mình đủ lớn để bao bọc cho con khi trẻ cần. Song, thật khó để có thể theo sát, giúp các con tránh khỏi những nguy hiểm rình rập. Bởi, thực tế, nguy hiểm có thể ập đến với trẻ bất cứ khi nào và khiến cha mẹ “trở tay không kịp”.

Không ít phụ huynh hoang mang khi đọc những thông tin về những vụ trẻ tử vong do bị diều cuốn, ngạt trong xe ô tô… Những tai nạn như vậy được coi là bài học lớn để các phụ huynh có thể dạy con những kỹ năng cần thiết, giúp trẻ biết bảo vệ mình trước hiểm nguy.

Với bản tính hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Dù ở môi trường nào, trẻ cũng có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: Bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…

Cuối tháng 2/2020, bà N.T.K (ở H.Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại là bé T.T.T. (4 tuổi). Khi nước sôi, bà K đi vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của bé T. Bé bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người.

Bé T được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi bù dịch, giảm đau cho bé, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bé T được phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, xử lý vết thương tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau khi lành bệnh, bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, sẹo co rút ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng sống sau này.

Mới đây, ngày 5/2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận trường hợp trẻ bị đồng xu chẹn ngay thực quản gần cổ họng. Bệnh nhi là bé trai 5 tuổi bị hóc dị vật là cục pin cúc áo đường kính 2 cm. Hơn 5 giờ mắc kẹt, cục pin tiết hoá chất mạnh gây bỏng chít hẹp thực quản, xì dò doạ thủng xuất huyết...

Theo UNICEF, trẻ em có nguy cơ cao bị các vật sắc nhọn cắt, đâm vào người. Do đó, người chăm sóc trẻ cần chú ý để các vật dụng sắc nhọn trên cao, hoặc có giá treo ngoài tầm với của trẻ. Đồng thời, không để trẻ chơi với các vật sắc, nhọn.

Ngoài ra, trẻ rất dễ bị ngạt và tắc đường thở khi nuốt hoặc nhét các vật vào miệng mũi. Cha mẹ được khuyến cáo cho trẻ ăn thực phẩm đã được nghiền nhuyễn, hoặc không lẫn xương hay hạt. Để ngoài tầm với của trẻ các vật dễ nuốt như cúc áo, đồng xu, kim băng, hạt trái cây… Khi ăn cơm, bột, không để trẻ ngả đầu về phía sau. Không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa và dạy trẻ không chơi trò dùng chăn, gối, nilon chụp lên đầu.

Trong khi đó, để phòng tránh ngộ độc, cha mẹ được khuyến cáo để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hoá chất như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, bình xịt muỗi… Hướng dẫn trẻ ăn, uống sạch, không ăn thực phẩm lạ. Không sử dụng các vật chứa hoá chất để đựng đồ ăn, thức uống.

Ngoài ra, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ không trêu các con vật như chó, mèo, không phá tổ ong... Dạy trẻ không chơi gần bụi rậm đề phòng rắn cắn. Khi ra ngoài buổi tối nên có đèn hoặc khua gậy nếu đi qua bụi rậm.

Trong khi đó, để tránh điện giật, cha mẹ cần để ổ điện lên cao, ngoài tầm với của trẻ. Dùng ổ cắm điện có nắp đậy hoặc lấy băng dính dán những ổ cắm điện ít dùng đến. Không dùng dây điện không có phích để cắm trực tiếp vào ổ điện. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đề phòng bị hở.

Phụ huynh cần dạy trẻ không chơi gần máy thủy điện nhỏ, trạm điện, biến thế điện, cũng như tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống. Trẻ không nên trèo cột điện, thả diều gần đường dây điện.

Ngoài ra, trẻ em, đặc biệt từ 2 - 5 tuổi dễ bị bỏng vì tính hiếu động, tò mò và do sự bất cẩn của người chăm sóc. Bỏng nặng có thể để lại di chứng như sẹo, co kéo cơ, gây tàn phế suốt đời hoặc tử vong. Vì vậy UNICEF khuyến cáo, cha mẹ cần làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn. Để xa tầm với của trẻ thức ăn, đồ uống mới nấu như nồi canh, nồi cám, nước sôi, phích nước nóng, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn... Hướng dẫn trẻ không nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, bật lửa, xăng dầu.

Ảnh chụp X-quang của một bé gái nuốt đồng xu.

Ảnh chụp X-quang của một bé gái nuốt đồng xu.

Chú trọng kỹ năng

Bên cạnh các tai nạn trong gia đình, đuối nước cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ. Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi cho trẻ đi tắm biển, ao, hồ, sông, người lớn cần lưu ý luôn mặc áo phao/phao. Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước. Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15m. Ngoài ra, cha mẹ không nên để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì có thể khiến trẻ nhiễm lạnh. Không nên tắm vào thời điểm từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.

“Nên thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với. Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng, gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển… Trẻ không được tắm nếu mắc bệnh: Viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, viêm tai giữa, viêm thận, các bệnh tim mạch...”, chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ lên bờ nếu con cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối có dấu hiệu bị trướng bụng… Trẻ cần tránh xa các dòng chảy siết và luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn, trẻ nên giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.

Theo các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), phụ huynh không nên để trẻ ở nhà một mình. Ngay cả khi có người lớn ở nhà, cha mẹ cũng nên thường xuyên để mắt tới trẻ. Bởi, tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. ngoài việc mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, cần để xa tầm tay trẻ những vật dụng nhỏ, dễ ngậm vào miệng.

Đặc biệt, người lớn nên dạy trẻ kỹ năng phòng tránh tai nạn. Cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, khuyến cáo trên sản phẩm. Không cho trẻ chơi đồ chơi nhỏ, dễ tháo lắp, hay các loại đồ chơi dễ vỡ… để tránh trẻ ngậm, nuốt gây hóc. Kiên nhẫn hướng dẫn trẻ nhận biết hành vi nào là nguy hiểm cần tránh, nơi nào có thể gây hại cho trẻ trong nhà và không nên đến (bếp, nước sôi, thức ăn nóng vừa nấu chín…).

Trẻ cần nắm bắt các kỹ năng để bảo vệ bản thân.

Trẻ cần nắm bắt các kỹ năng để bảo vệ bản thân.

Không im lặng khi bị bạo hành

Bên cạnh các tai nạn thường gặp, trẻ có nguy cơ bị bạo hành, bắt cóc… Vụ việc bé V.A (8 tuổi, ngụ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) bị “dì ghẻ” bạo hành tử vong là một trong những sự kiện đau lòng nhất thời gian cuối năm 2021. Vụ việc khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đau xót. Bên cạnh việc chỉ trích “dì ghẻ” và bố ruột của bé V.A, các phụ huynh cũng suy nghĩ nhiều hơn đến việc cần dạy con thêm những kỹ năng sống.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cha mẹ cần dạy con biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm. Trong trường hợp con bị đe dọa, cha mẹ cần khẳng định rằng, mạng sống của trẻ là quan trọng. Con nên suy nghĩ và tìm cách kêu cứu hiệu quả, an toàn.

“Dù hỏa hoạn, xâm hại hay bạo hành, kiểu gì cũng có lối thoát nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ. Các cha mẹ nên tổ chức những buổi diễn tập tình huống nguy hiểm tại nhà vào buổi tối để các con chuẩn bị trước tinh thần. Khi chẳng may rơi vào nguy hiểm, các con sẽ không quá hoảng loạn. Hãy dạy con vẽ các ký hiệu kêu cứu. Với các bạn lớn, viết ra được là con có thể tuồn giấy cho người khác báo động. Với các bạn bé, bố mẹ tìm hiểu cách vẽ 1 số hình báo động để các bạn tập vẽ theo. Khi cần, các con có thể vẽ được để kêu cứu”, TS Hương gợi ý.

Ngoài ra, trẻ cần thuộc số điện thọai của người thân hoặc số khẩn cấp. Bên cạnh 111, trẻ có thể nhớ thêm số 113, 115. Nếu không có điện thọai, trẻ có thể nhờ người khác gọi.

“Khi đang trong vòng nguy hiểm mà tỏ ra bướng bỉnh, các con sẽ có nhiều nguy cơ gấp bội. Vì thế, cha mẹ cần dạy con nghe lời kẻ đang đe dọa mạng sống nếu trẻ chưa thoát ra được. Đừng căng thẳng, sự trợ giúp sẽ đến rất nhanh. Nếu kêu cứu không được, đừng nản mà tiếp tục tìm cách kêu gọi trợ giúp. Không đi theo sự dụ dỗ, không nhịn nhục chịu đựng khi bị bạo hành, xâm hại, báo tin ngay khi có thể... là những gì chúng ta phải dạy các con ngay”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.