Người cán bộ dân số hết lòng vì bà con dân bản

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực dân số, anh Nông Thanh Phong, Phó Giám độc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) luôn trăn trở làm sao giúp cho bà con dân tộc thiểu số nhận thức tốt về việc sinh đẻ có kế hoạch, đảm bảo cuộc sống gia đình âm no, hạnh phúc… 

Anh Nông Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Anh Nông Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Từ công tác truyền thông dân số truyền thống bằng diễn thuyết khiến nhiều bà con không hiểu, anh Phong đã chuyển thể các nội dung, chuyên đề truyền thông bằng cách sân khấu hóa. Qua những vở kịch, tiểu phẩm anh biên soan, dàn dựng đã thu hút được sự chú ý của nhiều bà con các dân tộc thiểu số. Họ đã hiểu, lắng nghe và làm theo những gì mà cán bộ dân số hướng dẫn, phổ biển.

Hết lòng vì công việc

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Cảnh Tiên, Trùng Khánh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh Phong đã có ý thức học tập vươn lên để sau này trở thành người cán bộ, đem tri thức về dựng xây quê hương, giúp đỡ bà con dân bản thoát khỏi đói nghèo và những hủ tục lạc hậu.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1988 – 1990, anh theo học lớp Trung cấp Y sĩ Đa khoa tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Tốt nghiệp, anh trở về tỉnh công tác tại mỏ Măng gan huyện Trà Lĩnh.

Đến tháng 4 năm 1998, được sự phân công của tổ chức, anh Phong về nhận công tác tại Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Trà Lĩnh. Từ những buổi đầu đầy khó khăn, thiếu thốn, anh Phong đã cùng với anh chị em của Trung tâm Dân số - KHHGĐ Trà Lĩnh đi bộ hàng chục cây số, mất cả ngày trời để xuống từng thôn bản tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con.

Để có kiến thức và kinh nghiệm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con tốt hơn, ngoài công việc hàng ngày, anh tự mình học tập, trau dồi kiến thức qua các lớp bồi dưỡng dân số của Huyện, Tỉnh, Trung ương.

Bằng sự cố gắng, nỗ lực hết mình cho công việc, anh Phong đã đạt được nhiều thành tích đáng được ghi nhận. Năm 2012, anh được cấp trên và đồng nghiệp tín nhiệm bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện Trà Lĩnh.

Nói về công việc của mình, anh Phong cho biết: “Hằng ngày thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bà con trong thôn bản, vì vậy tôi thường nghĩ, phải làm sao thật sự gần gũi, trò chuyện để tạo được thiện cảm, niềm tin với bà con trước, sau đó mới tiếp cận tuyên truyền, truyền thông dân số.

Một khi bà con đã cởi mở, trò chuyện với mình rồi thì việc nói như thế nào về công tác dân số chắc chắn bà con đều nghe và làm theo. Quả đúng là như thế, khi tôi đã được bà con tin yêu, mọi công tác truyền thông dân số tại địa phương đều thành công. Mỗt cuộc truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên hay về các biện pháp phòng tránh thai… bà con trong các thôn, bản đều đến nghe rất đông”.

Những vở kịch cuốn hút người xem

Trà Lĩnh là một huyện vùng cao biên giới, có 10 xã, thị trấn, trong đó có 8/10 xã thuộc vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn. Từ nhiều năm nay, công tác Dân số-KHHGĐ của huyện đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, trong giai đoạn năm 2011 - 2016, tỷ suất sinh giảm từ 14,3‰ xuống 14,1‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 6,4% xuống 5,8%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đều đạt từ 104-119% kế hoạch năm ... và quy mô gia đình nhỏ ít con (2 con) đã được đa số người dân đón nhận. Những con số trên có được từ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Nông Thanh Phong.

Từ thực tiễn công việc truyền thông về Dân số - KHHGĐ cho bà con dân tộc, sau nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ, anh Phong đã quyết định xây dựng nội dung truyền thông Dân số - KHHGĐ thành những tiểu phẩm kịch để đưa ra những thông điệp về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai, không sinh con thứ 3...

Anh Phong cho biết: Với các tỉnh miền xuôi, chỉ cần nói chuyện trực tiếp, Pano, áp phích... người dân có thể hiểu hết các vấn đề. Thế nhưng, với bà con dân tộc thiểu số sẽ có nhiều người không đọc được, không hiểu được hết những thông điệp mà nội dung tuyên truyền về dân số đưa đến. Chính vì vậy mà chúng tôi đã sáng tạo ra những vở kịch, những làn điệu theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc và dịch ra các thứ tiếng dân tộc để người dân hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước về Dân số - KHHGĐ.

Hơn nữa, qua mỗi vở kịch, chúng tôi đưa ra những thông điệp cho người dân hiểu và làm theo. Đó là những cái đơn giản nhất như là cơm ăn, nước uống, gần như là những lời nói, những sinh hoạt phù hợp với cuộc sống hàng ngày của họ. Bởi vì khi nói đến vấn đề tình dục, sức khỏe sinh sản, đây là những điều mà dân tộc Mông, Tày, nùng... cho là những điều rất tế nhị, họ không muốn nói trước đám đông. Vì vậy, chúng tôi đã tách ra thành từng nhóm nhỏ để tuyên truyền.

Phải thừa nhận rằng qua việc truyền thông bằng các tiểu phẩm sân khấu đã cuốn hút người dân hơn, họ hồ hởi tham gia hơn. Những vở kịch, hài kịch về công tác dân số của anh Phong đã trở thành mô hình điển hình cho các huyện trong tỉnh và cả những tỉnh bạn tham khảo, học tập.

Hiểu được những lợi ích mà anh Phong và các cán bộ truyền thông Dân số đã tuyên truyền, nhiều bà con đã học tập và làm theo. Điển hình, một số cặp vợ chồng là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn của huyện Trà Lĩnh đã tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, trường hợp chị La Thị Vân ở xóm Lũng Giang, xã Quốc Toản đã có 2 con, chị là người Mông đầu tiên của huyện Trà Lĩnh tự nguyện triệt sản. Còn chị Dương Thị Sái, 38 tuổi, dân tộc Mông ở xóm Lũng Dạc, xã Quang Hán, đã có 2 con cam kết không sinh thêm con và áp dụng biện pháp tránh thai lâu dài.

Thành tích

- Giành được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, của tỉnh;

- Giải nhất Hội thi Tiếng hát dân ca cụm miền Đông;

Đạt được Thành tích xuất sắc 15 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm 2015, Nông Thanh Phong được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ