Ngày mẹ ra đi

GD&TĐ - Cách đây 5 năm, mẹ tôi đã được điều trị khỏi căn bệnh ung thư vú. Gia đình tôi mở tiệc ăn mừng sự kiện đó. Nhưng thật không may, chỉ vài tháng sau mẹ tôi lại cảm thấy không khỏe.

Ngày mẹ ra đi

Những ngày đen tối lại tìm đến, kéo tôi xuống con dốc dài vô tận.

Mẹ tôi phải nhập viện 2 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Bác sĩ nói rằng căn bệnh đang diễn biến xấu và ngày càng phức tạp. Cuối cùng, họ quyết định phẫu thuật là cách duy nhất để giành giật lại một tia hy vọng, nhưng điều này đi kèm với rủi ro. Họ nói rằng có nhiều khả năng mẹ tôi sẽ chết trong quá trình phẫu thuật hơn là sống sót, vì vậy chúng tôi phải nói lời tạm biệt trong trường hợp xấu nhất xảy ra. 

Nhưng rồi mẹ tôi cũng vượt qua được cuộc phẫu thuật. Tim tôi như ngừng đập khi cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra, bác sĩ tiến đến gần tôi, thông báo rằng mẹ tôi ổn, mọi thứ đã diễn ra đúng kế hoạch. Thậm chí, bác sĩ rất lạc quan về tình trạng của mẹ tôi. 

Ông nói rằng căn bệnh này có thể điều trị được nhưng sẽ là một khoảng thời gian khó khăn cho mẹ tôi. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, bác sĩ đặt một tay lên vai tôi, động viên: “Cậu đừng lo, mẹ cậu đã vượt qua nó trước đây, vì vậy chúng tôi biết rằng bà ấy sẽ lại vượt qua một lần nữa...”.

Tôi đã vui mừng xiết bao khi nghe được những lời nói ấy, nhưng chỉ 3 ngày sau, mẹ tôi qua đời. Tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần, cảm giác như mình không thể sống được nếu thiếu mẹ.

Với tôi, mẹ là người thân tuyệt vời nhất. Bà đã yêu thương tôi và em gái tôi rất nhiều. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng mình là một người đàn ông đã 36 tuổi. Tôi còn có vợ và 2 con nhỏ. Vì thế, tôi không thể để nỗi đau nhấn chìm những điều tốt đẹp còn lại đang ở bên mình. 

Nhưng mẹ tôi, người tôi luôn coi là bạn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần và sự an toàn của tôi, đã ra đi mãi mãi. Tôi không thể chấp nhận được thực tế rằng mình sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ nữa. 

Có những hôm tôi phải tìm đến rượu để có thể quên cảm giác buồn bã, đau khổ trong chốc lát. Nhưng khi tỉnh rượu, tôi lại thấy cô đơn và không biết đến khi nào cảm giác này mới qua đi. Dù tôi còn có em gái để chia sẻ, nhưng đó vẫn là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi.

Thực ra, tôi không muốn mình trở thành gánh nặng của em gái vì tôi biết rằng bản thân em cũng đang đau khổ. Không một ngày nào trôi qua mà tôi không khóc. 

Có lúc tôi thấy mình thật tệ, tôi nghĩ đáng lẽ mình nên cư xử theo một cách khác hoặc cố gắng thu xếp cảm xúc của mình để không làm ảnh hưởng đến những người đang yêu thương mình. 

Tôi khó chịu và bế tắc vì không biết nỗi đau này sẽ kéo dài bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm. Nỗi đau sẽ không biến mất ngay cả khi tôi cố gắng lảng tránh hay bỏ qua nó. Càng cố gắng làm như vậy, tôi càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn về lâu dài. Cuối cùng, tôi quyết định mình phải chủ động đối mặt với nỗi đau. Cách chữa trị duy nhất cho sự đau buồn chính là đau buồn. 

May mắn cho tôi, khoảng thời gian đó, người vợ tuyệt vời của tôi vẫn kiên nhẫn ở bên tôi, lặng lẽ quan sát và chịu đựng. Có những ngày tôi trở nên giận dữ và chán nản vô cớ, sau đó tôi phải xin lỗi vợ vì tất cả những lời nói và hành động của mình. 

Cô ấy không giận, chỉ nhẹ nhàng ôm tôi, vỗ về: “Em biết anh đang cảm thấy khó khăn lắm. Em sẽ ở đây, chịu đựng cùng anh. Cảm giác đau buồn về sự ra đi của một người thân yêu gần như không thể đoán trước được, bởi nó giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc. Em cũng từng trải qua điều đó khi bố em mất. Anh cứ khóc bất cứ lúc nào anh muốn. Điều em tự hào về anh không phải vì anh là người đàn ông thành đạt hay giỏi giang, mà vì anh luôn thành thật với cảm xúc của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...