Khổ như… thanh niên độc thân ngày Tết

GD&TĐ - Vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, ngay cả các thanh niên chưa kết hôn cũng được mừng tuổi bằng hồng bao lì xì.

Văn hóa Trung Quốc quan niệm: thành gia là chuyện nên thực hiện sớm.
Văn hóa Trung Quốc quan niệm: thành gia là chuyện nên thực hiện sớm.

Tuy nhiên, với phần lớn họ, đây không phải kỳ nghỉ đầy mong đợi. Nhiều người còn ngại về quê đến nỗi, xung phong ở lại công ty làm thêm dịp Tết.

240 triệu người độc thân

FA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh, Forever Alone (độc thân suốt kiếp). Nó là tên gọi của chủ nghĩa độc thân ở phương Tây. Người theo đuổi chủ nghĩa này nguyện vĩnh viễn không lập gia đình. Văn hóa phương Đông mượn từ viết tắt này, nhưng dùng gọi chung cho tất cả những ai chưa kết hôn.

Cuối tháng 12/2020, Trung Quốc báo cáo số liệu thống kê hôn nhân trong khoảng 2013 - 2019. Theo đó, các cuộc kết hôn đã giảm từ 23,86 triệu vào năm 2013 xuống còn 13,99 triệu vào năm 2019. Con số suy giảm có tỷ lệ cao đến 41,4%.

Suốt cả năm 2019, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân cũng chỉ có 9,27 triệu cặp đăng ký kết hôn (thấp nhất trong vòng 10 năm). Ngược lại, số lượng người độc thân tăng vọt, cao đến mức “đáng báo động”. Theo báo cáo quý cuối năm 2020, nó chạm mức 240 triệu người. Hiện tại, Trung Quốc là đất nước có số người độc thân cao nhất thế giới. 

Trong số 240 triệu người độc thân Trung Quốc, 77 triệu người có hộ khẩu riêng (một mình một nhà). Ước tính sang năm 2021, số khẩu một người của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, lên đến 92 triệu hộ.

“Bao giờ mới chịu cưới?”

Giới trẻ Trung Quốc lại muốn lập nghiệp trước, kết hôn thì… từ từ tính.
Giới trẻ Trung Quốc lại muốn lập nghiệp trước, kết hôn thì… từ từ tính.

Văn hóa lối sống Trung Hoa coi trọng thành gia hơn lập nghiệp. Giới trẻ được và bị cha mẹ yêu cầu lấy vợ, lấy chồng trước tiên. Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên. Các thanh niên FA có nghĩa vụ về nhà cha mẹ đón xuân, chúc tết. “Đã về quê ăn tết là cầm chắc bị hỏi có bạn gái chưa? Rồi thì đã kiếm được chừng nào tiền, tiết kiệm được bao nhiêu?”, Zhao Yongheng (25 tuổi) cho biết. 

“Tôi cũng vậy thôi, bị hỏi từ chuyện yêu đương, dự định kết hôn đến công việc, mức lương…” - Xu Weifan (27 tuổi) than thở - “Những truy vấn này khiến tôi và đám bạn FA áp lực lắm. Ở đất nước tôi, thanh niên chưa kết hôn đều không tránh khỏi bị “quan tâm quá mức” suốt kỳ nghỉ tết”.

“Nếu như ở phương Tây, giới trẻ rời nhà tự lập là độc lập hoàn toàn thì ở phương Đông, có tự lập đến mấy cũng không thể tự do tuyệt đối”, Zhao nói thêm. 

Theo báo cáo khảo sát từ trang web hẹn hò lớn nhất Trung Quốc, Zhenai.com: 85% thanh niên độc thân tuổi từ 25 - 30 bị cha mẹ thúc ép sớm kết hôn.

“Những năm còn độc thân, tôi sợ nhất là về quê ăn tết” - Pan (29 tuổi) bày tỏ sự thông cảm: “Giờ thì không sao hết, vì tôi lấy vợ rồi”. 

So với nam FA, nữ FA còn khổ hơn. Từ 25 tuổi trở ra mà vẫn chưa lấy chồng, họ bị gọi là “gái ế”. “Có năm, tôi sợ tết đến mức không dám về nhà luôn” - Emily Liu (32 tuổi) thừa nhận - “Cha mẹ tôi không chỉ ca cẩm, “bạn bè mày đã có con lớn cả rồi”; mà còn huy động các cô, dì, chú, bác xúm vào khuyên bảo, răn dạy tôi nữa”.

Vào năm 2019, trước dịp Tết Nguyên đán, một số công ty ở Trung Quốc đưa ra chính sách khuyến khích nhân viên nữ đang “ế” tích cực “săn chồng”. Đó là cho phép nghỉ tết dài hơn 8 ngày, gấp đôi tiền thưởng cuối năm nếu kết hôn trước tết…

Đối phó cực đoan

FA Trung Quốc cực kỳ sợ Tết vì bị giục lấy vợ, lấy chồng.
FA Trung Quốc cực kỳ sợ Tết vì bị giục lấy vợ, lấy chồng.

Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đã lo ngại sẽ rơi vào tình trạng dân số già. Mặc dù đã chấm dứt chính sách 1 con, tỷ lệ sinh ở đất nước này vẫn liên tục giảm. Theo báo cáo vào cuối năm 2020, tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ gần 1,7 - khá thấp so với tỷ suất sinh trung bình của thế giới (2,5). 

Thực tế số các cuộc kết hôn liên tục giảm và người độc thân gia tăng mang tới nhiều lo ngại mới. So với việc gấp gáp kết hôn, giới trẻ Trung Quốc ngày nay chú trọng lập nghiệp hơn. Họ nỗ lực tự lập, không dựa dẫm vào cha mẹ. Có điều, sự cố gắng này chưa thay đổi được quan điểm mong muốn con cái sớm thành gia của các bậc phụ huynh. 

Phát ngán vì bị người thân giục giã kết hôn, một số thanh niên “ê sắc” Trung Quốc xin cơ quan, công ty cho phép ở lại làm thông tết. “Ông chủ của tôi từ chối” - Dong (36 tuổi) kể lại - “Ông ta nói, chuyện cấp bách nhất đối với tôi bây giờ là làm sao kiếm được chồng. Ông ta cũng trạc tuổi cha mẹ tôi, nên tuyên bố thấu hiểu nỗi lo của họ hơn ai hết”.

Cực chẳng đã, nhiều thanh niên “ế” thuê bạn trai, bạn gái giả, đối phó với cha mẹ. Vào năm 2015, Trung Quốc còn xuất hiện vụ bắt cóc tréo ngoe nhất thế giới. Một nam cử nhân tuổi 32, độc thân, tên Liu ở tỉnh Liêu Ninh đã “thủ” sẵn dây trói, rình rập tại một góc vắng trên đường.

Sau một hồi chờ, anh ta thấy cô gái trẻ (24 tuổi) đi ngang. Cử nhân này bước ra, giả vờ hỏi đường rồi bất thần lôi cô vào rừng, trói chân trói tay. Anh ta đòi nạn nhân… kết hôn với mình, vì cần có một người vợ để đáp ứng mong mỏi của cha mẹ trước cái tết sắp đến.

Nữ nạn nhân nọ được một phen kinh hồn bạt vía, cứ tưởng sắp bị cưỡng bức. Lợi dụng lúc kẻ bắt cóc bận rộn chân tay, cô bấm điện thoại di động gọi vào số của bạn trai. Thế nhưng suốt cả 2 tiếng rưỡi trước khi cảnh sát ập đến, kẻ bắt cóc chỉ trình bày hoàn cảnh và cố gắng thuyết phục cô đồng ý lấy mình. 

“Tôi nói với cô ấy, mình vừa mới mua được một căn hộ và có đủ điều kiện tài chính để kết hôn” - Liu tường trình tại đồn cảnh sát - “Tôi chỉ muốn cô ấy chấp nhận làm vợ của tôi mà thôi, vì tôi chán phải nghe cha mẹ cằn nhằn mỗi khi tết đến lắm rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ