Học cách khen con đúng lúc

GD&TĐ - Lời khen luôn là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, lời khen và sự ghi nhận của người lớn cho những nỗ lực của mình luôn có giá trị hơn mọi thứ phần thưởng. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết khen - chê đúng cách để nuôi dưỡng sự tự tin và sự phát triển nhân cách của trẻ.

Học cách khen con đúng lúc

Khi cha mẹ tiết kiệm lời khen

Trong cách dạy con tại nhiều gia đình hiện nay, những câu nói thường xuyên mà các cha mẹ hay nói là “Con hư lắm, không biết nhường em gì cả” hay “Con lớn thế rồi mà chả biết gì”… hay những câu nói có hàm ý chê trách tương tự thì không kể hết.

Với quan niệm “thương cho roi cho vọt...” nên không ít ông bố bà mẹ cho rằng cứ phải thật khắt khe, chê bai thì con mới cố gắng, đạt được những thành tích tốt. Họ không nhìn vào điểm tốt để động viên con phát huy mà chỉ “săm soi” vào điểm yếu của con để bắt bẻ, chê bai với suy nghĩ như vậy điểm yếu của con sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, nếu chê bai trẻ quá nhiều sẽ làm trẻ đánh mất dần sự tự tin ở bản thân, không còn muốn cố gắng.

Con trẻ chịu rất nhiều tác động từ lời nói và hành động của cha mẹ. Để mang lại giá trị cho những lời nói của mình, người lớn cũng rất cần “lựa lời mà nói” để tránh làm tổn thương trẻ . Một câu nói kiểu như, “con hãy cố gắng lên, mẹ tin con sẽ làm bài tốt” sẽ có giá trị và ý nghĩa hơn rất nhiều so với câu nói kiểu như “con mà không làm bài tốt thì đừng có bóng banh gì nữa đấy”, hay “con mà làm bài không tốt thì đừng có trách mẹ”…

Nuôi dưỡng đức tính tốt đẹp

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam, tác giả cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” chia sẻ, để nuôi dưỡng và phát huy những tính cách tốt đẹp, cha mẹ cần phải biết khen con khi con hoàn thành một công việc nào đó.

Tuy nhiên, việc khen ngợi không nên tập trung vào kết quả và thành tích, mà cần tập trung vào quá trình con nỗ lực, những khó khăn con đã vượt qua để đạt được kết quả như vậy. Điều này một mặt sẽ giúp con có được sự tự tin, tính kiên trì, bền bỉ, mặt khác sẽ tạo cho các con tâm lý sẵn sàng đối mặt với thử thách, với những nhiệm vụ mới, và hạn chế việc trẻ chỉ làm những việc chắc chắn thành công”.

Nhiều cha mẹ hay mắc bệnh tiết kiệm lời khen với chính con cái của mình. Chúng ta chỉ dành lời khen cho con khi con có được những thành công lớn, những kết quả cao. Nhưng thực tế, nếu bạn khen con từ những điều nhỏ nhất trẻ sẽ hình thành và có những nhận thức tốt hơn.

Theo TS Lê Nguyên Phương, cảm xúc của con người cực kì quan trọng. Khi còn miệt mài bên bài toán khó, bạn hãy động viên, khen ngợi rằng “Con có ý chí lắm! Làm tốt lắm!”. Những lời khen ngợi chân thành, đúng chỗ như vậy sẽ khiến con nhỏ cảm thấy mình thực sự được bố mẹ quan tâm, đồng thời con cũng trân trọng sự nỗ lực hết mình của chính bản thân mình.

Khen ngợi cũng như một hạt giống tùy từng cách gieo khác nhau mà cho kết quả khác nhau. Ở mỗi một lứa tuổi, chúng ta cần có những cách khen ngợi khác nhau sao cho phù hợp, vì vậy khen ngợi cũng là một nghệ thuật và cha mẹ chính là nghệ nhân nhào nặn chiếc bánh ngọt “lời khen” ấy ra sao để phù hợp với lứa tuổi và “khẩu vị” của từng trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ