Gia đình trẻ bị thách thức bởi cuộc sống bình thường mới

GD&TĐ - Khi xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhiều gia đình trẻ đứng trước những thách thức. Họ vừa phải đi làm để đảm bảo cuộc sống, phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phải chăm sóc con cái…

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của các gia đình, trong đó có gia đình trẻ. Ảnh minh họa
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của các gia đình, trong đó có gia đình trẻ. Ảnh minh họa

66,9% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều gia đình trẻ đã bị tác động không nhỏ đến cuộc sống, việc làm, tinh thần và hạnh phúc gia đình.

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cho rằng, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đem lại cho nhiều gia đình những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Theo đó, các thành viên được ở bên nhau nhiều hơn. Cha mẹ, anh chị em được gần nhau, cùng chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng, vui chơi, học tập, giải trí. Đặc biệt có nhiều bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương, mối quan hệ trong gia đình bền chặt…

Nhưng thời gian giãn cách cũng phát sinh những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh để lại những hệ lụy. Đó là việc làm, thu nhập hộ gia đình giảm sút, ảnh hưởng kinh tế…

“Đại dịch diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều tác động được dự báo sẽ kéo dài và nhiều thay đổi trong đời sống xã hội ngay cả khi hết dịch” – ông Quý nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, hầu hết các hộ gia đình đang phục hồi thu nhập, nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm. Đặc biệt là đối với những người có thu nhập vừa và thấp. Trong số này phải kể đến ảnh hưởng của các gia đình trẻ.

“Những kết quả này cho thấy, dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, nhưng nước ta còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau. Vì thế, mức độ bất bình đẳng có thể lớn hơn” - ông Quý nói.

Nhiều địa phương kêu gọi giảm tiền thuê nhà cho những người lao động dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ cho thuê không thể giảm tiền thuê như vậy trong một thời gian kéo dài quá nhiều tháng. 

Bạo lực gia đình có xu hướng tăng

Đánh giá tác động lớn trên các khía cạnh phi kinh tế của đời sống hộ gia đình, báo cáo cho thấy, sức khỏe tinh thần trở thành một vấn đề nhức nhối đang nổi lên. Có tới 66,4% hộ gia đình trong khảo sát cho biết tinh thần lo lắng về tác động của dịch bệnh. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần rất đa dạng, từ việc cảm thấy thỉnh thoảng lo lắng trong ngày đến trở nên khó chịu hoặc cáu kỉnh và cảm thấy chán nản.

Giãn cách xã hội cũng khiến tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Điều này cũng gây khó khăn khi tiếp cận dịch vụ xã hội.

Ở nước ta, kể từ khi dịch bùng phát, một số nghiên cứu về tác động của dịch bệnh đến bạo lực gia đình đã được thực hiện. Theo đó, phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân chính của bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình.

Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, thời gian giãn cách xã hội do dịch, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ.

Ngoài ra, gia đình nói chung, trong đó có gia đình trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn khác. Đó là những vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần hoạt động luyện tập thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ hạn chế. Tình trạng bất bình đẳng giới, tình trạng gia đình mẹ đơn thân, khó khăn trong đại dịch Covid-19, bạo lực gia đình, tình trạng công nhân mắc nợ xấu, tín dụng đen, nghèo khó…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ