Dạy con "mọi nghề nghiệp chân chính đều tạo ra giá trị"

GD&TĐ - Theo chuyên gia, hãy dạy con rằng, mọi nghề nghiệp chân chính đều tạo ra giá trị. Mỗi người có những lựa chọn khác nhau về nghề mà chúng ta phải tôn trọng điều đó.

Một trong những cách dạy trẻ tôn trọng cha mẹ, chính là thấu hiểu, chia sẻ công việc, nghề nghiệp mà cha mẹ đang làm. Ảnh minh họa.
Một trong những cách dạy trẻ tôn trọng cha mẹ, chính là thấu hiểu, chia sẻ công việc, nghề nghiệp mà cha mẹ đang làm. Ảnh minh họa.

Công việc của cha mẹ chính là để tạo ra của cải nuôi lớn con cái.

Ước mơ “ông nọ, bà kia”

Ở một số trẻ, khi đã có nhận thức, chúng bắt đầu biết phân biệt giàu – nghèo, nghề nghiệp nào đem lại thu nhập cao hay sự tự hào…

Cô giáo Nguyễn Thị Liên, giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều học sinh biết chọn nghề để nuôi dưỡng ước mơ. Thế nhưng, ngày nay, phần lớn trẻ chọn nghề do người lớn “nhồi nhét” rằng phải làm ông nọ, bà kia chứ không được làm nghề này hay ngành khác. Từ đó, trẻ hình thành thói quen phân biệt và thiếu tôn trọng nghề nghiệp đối với người lớn, ngay cả chính người thân của mình.

Cô Liên cũng cho biết thêm, trong một buổi tổng kết cuối năm dành cho học sinh mẫu giáo, các con đứng lên nói về nghề nghiệp mình muốn làm sau này. Có nhiều trẻ vô tư nói rằng, thích sau này được bán bánh mỳ chỉ đơn giản là vì con thích ăn. Hay có những trẻ nói muốn sau này làm nghề bán gạch, sửa xe giống với cha mẹ mình.

“Tôi tôn trọng tất cả những ước mơ về nghề nghiệp của các con. Vẫn biết rằng sở thích có thể thay đổi nhưng điều đó có nghĩa các em đang tôn trọng mọi nghề nghiệp trong cuộc sống, và tôn trọng cả cha mẹ mình với sự tự hào rất lớn”, cô Liên nói.

Cô Liên cho rằng, người lớn đừng vội khó chịu khi con cứ khăng khăng chọn một nghề gì đó không đúng kỳ vọng của cha mẹ. Chính điều này đã vô tình khiến con có sự phân biệt, thiếu tôn trọng mọi người. Bởi thái độ đó khiến con hiểu rằng, những nghề mà con chọn không đem lại vinh quang, niềm vui cho người khác.

Vì thế, cha mẹ nên dạy con đối xử công bằng, không chê bai, không phân biệt chủng tộc, giới tính, giàu nghèo, đẳng cấp xã hội... Bản thân bố mẹ cũng nên đối xử công bằng với con, không lạm quyền, không áp đặt thái quá. Có như vậy, trẻ mới biết cách tôn trọng cha mẹ mình.

Cô Liên cũng cho biết thêm, khi con còn nhỏ, cần dạy con rằng nghề nghiệp chân chính nào trong cuộc sống cũng đều tạo ra những giá trị và mỗi người có những lựa chọn khác nhau mà chúng ta phải tôn trọng điều đó.

Tất nhiên, bố mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ có tương lai tốt đẹp, có công việc ổn định và thu nhập cao. Thế nhưng, muốn con sống hạnh phúc, cần giúp con biết tôn trọng mọi người, thấu hiểu công việc mà cha mẹ đang làm để có những lựa chọn, quyết định phù hợp.

Ngượng khi nói về nghề của bố mẹ!

Theo Chuyên gia Lê Thị Mỹ Huyền, tác giả hàng loạt sách Hạt giống tâm hồn cho trẻ nhỏ nêu quan điểm, cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu những suy nghĩ và mong muốn của trẻ. Đừng bao giờ bắt con phải lựa chọn nghề này, nghề kia hay đi theo hướng này hướng khác, mà hãy để con tự quyết định.

Vì chính bản thân người lớn cũng chẳng muốn ai áp đặt mình. Chỉ khi đó, con mới có sự tôn trọng cho chính cha mẹ và mọi nghề nghiệp chân chính trong cuộc sống.

Chuyên gia Lê Thị Mỹ Huyền cũng cho biết thêm, có rất nhiều đứa trẻ tỏ ra giấu giếm, ngại ngùng khi được hỏi về nghề nghiệp của bố mẹ mình. Chúng cho rằng đó là những nghề không cao quý, không đáng được ca ngợi. Điều này vô cùng nguy hại. Bởi, lâu dần trẻ sẽ thiếu tôn trọng sức lao động của cha mẹ, cảm thấy tự ti khi nói về người thân và có thái độ không tích cực, hợp tác, xa lánh mọi người. Thậm chí là sinh ra cáu gắt, khó chịu khi nói đến vấn đề này.

Một phần quan trọng của quá trình giáo dục trẻ em là dạy chúng biết tôn trọng người khác. Có rất nhiều cách để giảng dạy cho trẻ biết cách tôn trọng mọi người. Cũng giống như các nghi thức xã hội, các tác phong cư xử, đặc biệt là thói quen thể hiện sự tôn trọng người lớn.

Để làm được điều đó, cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, kể cho con nghe những về những ngành nghề trong cuộc sống. Những người làm công việc đó đã tạo ra giá trị như thế nào, đem lại lợi ích gì cho con người, môi trường, đất nước,…

Cũng theo bà Huyền, điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần nhớ là trẻ em luôn nắm bắt và lĩnh hội được những gì chúng nghe và chứng kiến, dù cho người lớn không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc. Trẻ em luôn bắt chước. Chúng luôn mô phỏng và học rất nhanh trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, hãy luôn cẩn trọng trong cách cư xử cũng như lời ăn tiếng nói trước mặt bọn trẻ.

Muốn vậy, ngay cả với người giúp việc trong gia đình, cha mẹ cũng cần thể hiện sự tôn trọng sức lao động của họ. Cần dạy trẻ chào hỏi và lễ phép với người giúp việc. Đây là hành vi ứng xử cơ bản nhất của con người và càng được coi trọng hơn trong văn hóa đời sống thường ngày. Ngoài lời chào, thái độ và cách chào cũng cần được dạy trẻ một cách đầy đủ thể hiện sự lễ phép.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết cảm ơn sự giúp đỡ của người khác. Khi nhận được sự giúp đỡ từ người giúp việc, hãy dạy trẻ biết nói lời cảm ơn và có thái độ lịch sự. Nếu không được dạy bảo, trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực rằng có tiền hay quyền lực sẽ sai khiến được người khác.

Trong cuộc sống thường ngày, dù cha mẹ làm nghề gì, hãy kể cho con nghe về mỗi câu chuyện vui buồn mà công việc đó đem lại. Trẻ không chỉ hiểu được vất vả của người lớn, biết sống tiết kiệm, chia sẻ, thấu hiểu mà thậm chí còn lấy đó làm động lực để học tập tốt hơn.

Còn nếu cha mẹ muốn con cái theo nghề nghiệp của gia đình. Cũng đừng ép buộc con và chỉ ca ngợi công việc đó mà coi thường ngành nghề khác do con chọn. Hãy phân tích để giúp con hiểu điều gì là phù hợp, và dù có những công việc lao động chân tay cũng đừng chê bai, chỉ cần là nghề chân chính, hãy tôn trọng. Tất cả đều phải bỏ công sức ra để mang lại những giá trị riêng cho cuộc sống, cho gia đình. Vì thế, dạy con tôn trọng cha mẹ cũng chính là để con tôn trọng sức lao động, nghề nghiệp mà bố mẹ đang làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ