Dấu hiệu cuộc hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ

GD&TĐ - Cuộc sống hôn nhân không thể tránh khỏi những va chạm, sai lầm khiến hôn nhân của bạn bên bờ vực thẳm. Hãy nhanh chóng tìm cách cải thiện và níu giữ hôn nhân trước khi nó có những dấu hiệu nguy hiểm dưới đây.

Dấu hiệu cuộc hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ

Hành vi phạm tội

Việc phát hiện ra người bạn đời của bạn có tiền án tiền sự mà không để cho nhau biết là điều quá nguy hiểm. Bạn cần đặt câu hỏi liệu bạn có hiểu rõ đối tác của mình như những gì bạn đã nghĩ hay không.

Thật khó để tha thứ cho việc nói dối trong quan hệ hôn nhân và đây là lời nói dối nghiêm trọng để che đậy một vấn đề nghiêm trọng.

Hôn nhân cần sự an toàn và một khi không có, làm sao gọi là ngôi nhà hạnh phúc? Làm sao có thể tồn tại bền lâu?

Phê bình liên tục

Không có khả năng thỏa hiệp là mối nguy hại cho hôn nhân (hình minh họa).

Không có khả năng thỏa hiệp là mối nguy hại cho hôn nhân (hình minh họa).

Vợ/chồng mà đặt nhau vào tình thế luôn phải chịu những “cơn mưa phê bình, chỉ trích” thì chính là lực đẩy làm cho hôn nhân đến nhanh bờ vực thẳm. Bởi vì theo khoa học, lời chỉ trích, phàn nàn, phê bình sẽ làm cho con người ta cảm thấy tự ti, buồn chán, phiền não.

Trong thâm tâm, bạn muốn phê bình bạn đời và mong người ấy sửa chữa nhưng nếu cứ liên tục phê bình và phê bình giống như họp cơ quan “phê bình rồi, phê bình nữa, biết rồi vẫn phê…” thì có nghĩa, bạn đang đe dọa tinh thần của bạn đời. Phê bình liên tục được ví như “cái chết từ từ” giết chết bạn đời và giết chết hôn nhân.

Một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Health Psychology cho thấy, chất lượng hôn nhân liên quan trực tiếp đến lời phê bình.

Cặp đôi hạnh phúc là cặp đôi ít có phê bình nhất hoặc phê bình dưới hình thức hài. Nghĩa là họ dùng hình thức pha trò để phê bình, làm cho đối phương cảm thấy vui vẻ trong khi nhận lời phê bình (kiểu như “anh giống trong bộ phim hài quá, để quần áo như trải hoa trên sàn. Em không thấy bừa bộn mấy đâu, chỉ thấy mỏi lưng sau khi dọn anh yêu ơi”. Chứ không phải nhận lời phê bình xong mà cảm thấy như muốn chết quách đi cho xong (ví dụ “anh sống như một kẻ lang thang ngoài phố. Vứt quần áo bừa bộn như đống rác ngoài kia thế này. Tôi thấy đời bất hạnh khi sống với con người lượm thượm như anh”).

Nghiện ngập mà không tích cực điều trị

Cực kỳ khó khăn khi ở trong một mối quan hệ với một người không tìm cách điều trị - hoặc từ chối điều trị chứng nghiện của họ. Chứng nghiện ngập có thể góp phần dẫn đến mất việc, do đó ảnh hưởng đến tài chính, hoặc là căn nguyên của hầu hết các cuộc tranh cãi trong đối phương. Làm gương xấu cho con, không giữ được vai trò đúng trong gia đình.

Nghiện ngập, đặc biệt là nghiện ma túy là điều hầu như không dẫn đến kết quả tốt cho con cái. Nếu người trong cuộc không chủ động chữa trị thì gần như 100 phần trăm dẫn đến hôn nhân không có kết quả tốt đẹp.

Ngoại tình

Không chung thủy là nguyên nhân phổ biến làm tan vỡ hôn nhân. Việc chung thủy hay không có thể phụ thuộc vào hoàn cảnh nhiều yếu tố phức tạp khác. Say nắng có thể cảm thông ở một chừng mực nào đó nhưng ngoại tình thì khó cữu vãn, đặc biệt ở phía phụ nữ.

Ngoại tình thường dẫn đến ly hôn hoặc ly thân, tuy nhiên vẫn có trường hợp hai người tiếp tục chung sống với nhau vì nhiều lý do. Một số cuộc hôn nhân có thể tồn tại sự do vợ/chồng không chung thủy tuy nhiên ảnh hưởng đến con cái là điều hiển nhiên.

Con cái không thể có niềm tin tuyệt đối vào bố/mẹ khi chúng biết sự thật, trong nhiều trường hợp chúng sẽ có thể bị suy sụp đến mức mất niềm tin vào cuộc sống.

Vấn đề tài chính

Có thể vợ/chồng của bạn đã mang một khoản nợ đáng kể trước khi kết hôn và không trả trước được. Sau kết hôn, cả hai phải vật lộn để liên tục vượt quá. Hoặc có thể hai người đã gặp phải những trở ngại đáng kể về tài chính, chẳng hạn như việc kinh doanh thua lỗ hoặc chi phí chăm sóc sức khỏe không mong muốn.

Bất kể là nguyên nhân nào, những lo lắng về tài chính có thể tạo ra xung đột nghiêm trọng trong hôn nhân. Và nhiều trường hợp, vấn đề nợ nần là vấn đề mà hai người không thể tiếp tục chung sống. Họ quá mệt mỏi và quá sức chịu đựng.

Không có khả năng thỏa hiệp

Thỏa hiệp là điều cần thiết để có một mối quan hệ lành mạnh. Nếu cuộc hôn nhân của bạn hoàn toàn chỉ là một phía và đối phương của bạn không cố gắng dung hòa thì bạn đang ở trong một mối quan hệ bên bờ vực thẳm tan vỡ.

“Cái tôi” quá lớn đến mức không ai chịu nhường ai thì hôn nhân chỉ tồn tại theo hình thức. Việc không có sự thỏa hiệp, không có sự đồng tình trong một gia đình sẽ không khác với cuộc sống khi còn độc thân.

Không chịu xin lỗi

Mắc lỗi là bình thường. Ai cũng có lỗi. Quan trọng là mức độ lỗi lầm đến đâu và cách ứng xử khi mắc lỗi. Nếu người mắc lỗi mà không bao giờ xin lỗi, không chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình hoặc không cố gắng hiểu những gì đối phương đang cảm thấy đau lòng và khó chịu thì hôn nhân ấy khó có thể kéo dài. Đối phương có thể cảm thấy như luôn đặt nhiều hơn vào mối quan hệ không cân bằng và nhu cầu về sự quan tâm không bao giờ được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ