Cùng con vượt qua tuổi dậy thì

GD&TĐ - Lứa tuổi dậy thì dở dở ương ương của con trẻ khiến không ít ông bố, bà mẹ bực mình. Nói chúng không nghe, cứ như “nước đổ lá khoai”, chỉ giỏi cãi, gọi thì chúng cứ lờ tịt như không nghe thấy, ham chơi. Vậy cách nào để bố mẹ có thể cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì thành công?  

Cùng con vượt qua tuổi dậy thì

Ngàn lẻ một chuyện tuổi dậy thì

Lần nào cũng vậy, khi sang nhà cậu em ở ngõ Thổ Quan (Hà Nội) chơi vợ chồng anh Tuấn cũng thấy họ ca cẩm chuyện đứa cháu gái đang học lớp 9. Cả nhà nội có hơn chục đứa cháu nhưng chỉ mỗi bé Lan Anh là gái nên bà nội và các bác ai cũng cưng chiều. Ai cũng khen con bé ngoan, chăm học nhưng bố mẹ cháu thì không ngớt lời kêu ca. Nào là sao con hay đến nhà bạn chơi thế. Năm học cuối cấp rồi mà chẳng chịu học hành, suốt ngày chỉ nghĩ viển vông. Thấy em trai suốt ngày đưa đón con gái đi học, kèm như kèm kem, anh Hưng hỏi em trai thì nhận được một câu trả lời: “Bác cứ có con gái tuổi này đi thì bác sẽ biết”. Thì ra, sợ con đến tuổi dậy thì, dễ bị chúng bạn hư lôi kéo, hoặc làm điều dại dột nên vợ chồng người em đã cắt cử nhau đưa đón con đi học. Tự đặt lịch kiểm soát con chặt chẽ. Việc làm này khiến con bé phản ứng.

Trong khi đó, vợ chồng chị Thêm có con trai tuổi 15 nhiều lần tức phát điên lên mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, tự hạ hỏa cơn tức vì biết con đang tuổi dở dở ương ương. Suốt ngày con ôm máy tính chơi game. Cô giáo liệt kê con trong danh sách học sinh học lực kém, cần học phụ đạo nhưng nói thế nào con cũng không chịu đi học, kể cả việc chị Thư đã nói khéo với con đây là lớp học thêm, không phải lớp dành cho học sinh dốt. Tuần nào cũng vài ba lần chị Thư nhận được tin nhắn điện tử của giáo viên chủ nhiệm là con lười học bài, không chịu làm bài tập ở nhà. Đánh thì không đánh được vì nó cao gần 1m80, chửi thì cũng không được mà chỉ góp ý, động viên thì con chẳng nghe.

Với chị Yến thì con gái chị tuổi dậy thì lại rất hoang mang, lo sợ. Con bé ngoài giờ học trên lớp, chẳng chịu đi đâu chơi cùng bố mẹ. Suốt ngày lầm lì, ủ rũ trong phòng. Trước đây, con vô tư, hồn nhiên, đáng yêu bao nhiều thì giờ đây vợ chồng chị Yến chỉ thấy bộ mặt con u sầu, chẳng cười đùa. Tìm hiểu mãi, thì ra do con xem nhiều phim Hàn Quốc, thấy diễn viên mắc bệnh ung thư rồi chết, nên khi con có “kinh nguyệt”, cứ nghĩ mình bị ung thư máu.

Cha mẹ phải là điểm tựa tinh thần cho con

Để con cái vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con trong việc chăm sóc và dạy dỗ, phải làm bạn cùng con, lắng nghe con nói và giải thích cho con những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì để con vượt qua dễ dàng. Biểu hiện rõ nét khi con dậy thì đó là thay đổi về cơ thể và giọng nói ồm ồm. Chúng sẽ lầm lì, nhạy cảm, dễ nổi loạn và liều lĩnh, dễ suy sụp, bốc đồng, bướng bỉnh, coi trọng bề ngoài, thích ăn diện, ngắm vuốt, thậm chí yêu sớm, nghiện game. Tuổi này rất dễ bị dụ dỗ, làm điều dại dột, thích vượt tầm kiểm soát của bố mẹ; nếu không được trang bị kiến thức giới sẽ dễ lệch lạc giới tính.

Nghiên cứu xã hội học năm 2016 về trẻ vị thành niên cho thấy, 100% trẻ em đều phải trải qua tuổi dậy thì rất khó khăn và căng thẳng. 95% trong số đó luôn tự đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân và đau khổ vì không tìm ra câu trả lời. Có tới 62% trẻ tuổi dậy thì bị các chứng về rối loạn tâm lý.

Cha mẹ cần thật sự quan tâm khi nhận thấy con có những rối loạn tuổi dậy thì như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, co giật cơ, nôn, trầm cảm, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dị ứng; trạng thái khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, sợ bị cô lập, không chịu đến trường, hay gây chuyện, hiếu động, hung bạo hoặc lặng lẽ, ít nói. Triệu chứng đáng ngại nhất lại là những biểu hiện trì trệ, thiếu năng động.

Điều quan trọng là cần giáo dục giới tính cho con. Để con đến tuổi dậy thì thấy sự thay đổi của cơ thể mình là hợp qui luật phát triển, là chuyện bình thường ai cũng phải vượt qua. Kiến thức có thể tìm đọc qua sách, báo. Những cuốn sách dành cho tuổi dậy thì của bé trai, bé gái, cha mẹ nên mua về tặng cho con cái của mình, coi như cẩm nang.

Điều mà cha mẹ lo lắng về con tuổi dậy thì là có thực nhưng điều quan trọng là phải tỉnh táo để cùng con vượt qua khủng hoảng đầu đời này.

Cha mẹ phải gần gũi, lắng nghe ý kiến của con và thấu hiểu, không vội áp đặt cứng nhắc mà cần tôn trọng con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.