Con "quên" nói lời cảm ơn vì lỗi của cha mẹ

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ, vì yêu thương bao bọc con quá mức mà quên rằng, điều đó sẽ khiến đứa trẻ quên đi bài học về lòng biết ơn chính cha mẹ mình.

Trẻ được uốn nắn đúng cách cũng sẽ luôn có sự thấu hiểu, sống tình cảm và biết ơn bố mẹ hơn mỗi ngày. Ảnh minh họa.
Trẻ được uốn nắn đúng cách cũng sẽ luôn có sự thấu hiểu, sống tình cảm và biết ơn bố mẹ hơn mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Hậu quả từ yêu thương không đúng cách

Có một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn. Đến vòng cuối cùng, đích thân Giám đốc phỏng vấn. Giám đốc hỏi: “Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”. “Không bao giờ”, chàng trai trả lời.

Giám đốc bèn hỏi tiếp: “Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”. Chàng trai trẻ nói: “Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác. Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.

Ông Giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại. Ông Giám đốc hỏi: “Vậy trước đây có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”. “Chưa bao giờ”, chàng trai trẻ trả lời. “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi”….

Đây là câu chuyện không hiếm gặp ngày nay. Trong cuộc sống, cha mẹ nào cũng mong muốn mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nhiều người lại vô tình nhầm lẫn giữa tình yêu thương và sự nuông chiều. Điều này dẫn đến hậu quả tai hại là nhiều đứa trẻ dễ hình thành tính cách vô ơn, thích đòi hỏi và không thấu hiểu cho bố mẹ của mình.

Con người không bao giờ thỏa mãn. Khi đang khát, bạn sẽ thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn nếu ai đó mang cho bạn một cốc nước. Tuy nhiên, một khi đã có cốc nước, bạn lại muốn có nước lạnh, rồi lại muốn một bình nước thay vì một cốc… Nhưng thử ngẫm lại xem, cảm giác sung sướng khi có được một cốc nước lúc đang khát khô có phải hơn nhiều cảm giác thỏa mãn khi được đưa thêm cốc nước lạnh hay không.

Các bậc làm cha mẹ luôn than phiền về sự vô tâm, lười biếng, ích kỷ của con cái mà quên đi rằng đó chính là hậu quả của cách giáo dục. Yêu chiều con cái theo cảm tính sẽ khiến con quên đi việc cần phải biết ơn chính cha mẹ đang ngày đêm vất vả vì mình. Từ đó, trẻ coi đây là trách nhiệm của bố mẹ và là điều hiển nhiên phải thế. Và khi không được đáp ứng nhu cầu, nhiều đứa trẻ sẽ phản ứng, tỏ thái độ và bức bối.

Ở Việt Nam, nhiều đứa trẻ được chiều chuộng vô điều kiện. Ngay cả việc cho ăn mà phải cả nhà phục vụ. Ông bật tivi, bà di điện thoại, mẹ chạy vòng quanh đút từng thìa cơm. Nuốt được miếng cơm mà cả nhà reo lên vỗ tay ầm ĩ…

Giới hạn giữa “tình yêu thương” và “sự nuông chiều”

Hiện, đa phần các gia đình đều sinh ít con. Đó là một trong những lý do khiến cha mẹ càng chăm chút, đầu tư và hết mực chiều chuộng trẻ. Sự chiều chuộng này chung quy cũng bắt nguồn từ tâm lý thương con và việc cố gắng đáp ứng những nhu cầu của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ quá được nuông chiều, đòi gì có đó, cha mẹ đã vô tình khiến trẻ hình thành tâm lý vô ơn, ích kỷ, không tôn trọng người khác vì mình đang ở vị trí độc tôn.

Ngoài việc nuông chiều thái quá, nhiều gia đình lại mắc phải một sai lầm khác là hay lo sợ và luôn cố gắng bao bọc con trong mọi chuyện. Không ít ông bố, bà mẹ sẵn sàng làm tất cả thay con, hoặc “chỉ cần con tập trung học thôi là tốt rồi”. Có nghĩa, việc học của trẻ cũng như là đang học cho bố mẹ, làm vì người lớn chứ không phải cho chính bản thân chúng.

Điều này khiến trẻ dần dần trở nên lười biếng, quen được người khác phục vụ và xem đó là chuyện hiển nhiên. Bên cạnh đó, một hậu quả cũng nghiêm trọng không kém đó là khi được bao bọc trong mọi hoàn cảnh, trẻ dễ đánh mất đi nhiều cơ hội học hỏi những kỹ năng sống. Thậm chí mất đi đam mê, định hướng của bản thân trong tương lai.

Khi bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài và không còn sự chăm chút, bảo bọc từ cha mẹ, những đứa trẻ này thường chật vật để có thể tồn tại trong xã hội. Trong khi đây là nơi mọi thứ thường bị đào thải rất nhanh nếu con người không có sự cố gắng, ý chí cầu tiến kết hợp với sự tự tin và những kỹ năng cần thiết.

Theo chuyên gia, để uốn nắn trẻ thành một con người tự tin, có trách nhiệm và biết trước biết sau, cha mẹ phải là người thực sự tỉnh táo để phân biệt rạch ròi giới hạn giữa “tình yêu thương” và “sự nuông chiều”.

Có thể, nhiều người sẽ phản ứng với quan điểm này. Bởi gia đình thì không cần phải rạch ròi, nhất là tình cảm thì đâu cần giới hạn. Nhưng, thương con cũng cần đúng cách, nếu không chỉ gây hại cho trẻ. Không có lòng biết ơn, thấu hiểu, trẻ sẽ trở thành người vô ơn, vô trách nhiệm.

Vì vậy, trước khi đáp ứng nhu cầu nào đó của con, cha mẹ nên cân nhắc xem điều đó có hợp lý hay không và sẵn sàng từ chối cũng như phân tích cho con hiểu lý do tại sao lại nói “không”. Người lớn cũng hãy bày tỏ tình yêu thương với con, luôn quan tâm, dành nhiều thời gian để chơi đùa, trò chuyện và tâm sự cởi mở với con. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm khắc đúng mức khi cần thiết.

Ngoài ra, cha mẹ cũng đừng quên tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm những thứ mới mẻ, rèn luyện cách ứng xử, giải quyết vấn đề trong mọi tình huống để con có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống. Bố cũng chẳng nên ngần ngại việc cho con đối mặt với thử thách. Điều cần làm là hãy ở bên cạnh định hướng và cho con những lời khuyên khi cần thiết chứ không phải làm thay toàn bộ mọi chuyện.

Đôi khi tập làm quen với thất bại cũng là cách rèn luyện cho trẻ trưởng thành, có trách nhiệm và thêm nhiều đam mê tự tin thực hiện những ước mơ của mình trong tương lai. Quan trọng hơn, trẻ được uốn nắn đúng cách cũng sẽ luôn có sự thấu hiểu, sống tình cảm và biết ơn bố mẹ hơn mỗi ngày. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.