Con dâu hết mực chiều chuộng, mẹ chồng vẫn không hài lòng

GD&TĐ - Người khác nhìn vào tôi, họ đều nghĩ cuộc sống của tôi yên bình và hạnh phúc. Không thể phủ nhận điều ấy vì đúng là tôi đang có một người chồng giỏi giang, những đứa con xinh ngoan và gia đình chồng thì hết mực yêu quý tôi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng chẳng ai sống thay tôi được, bởi thế họ không thể biết tôi đang phải chịu đựng điều gì.

Người xưa nói "khác máu tanh lòng", điều này dường như hoàn toàn đúng về mối quan hệ của tôi và mẹ chồng. Trong suy nghĩ của chồng tôi, mẹ anh chẳng có gì để chê. Tôi cũng không dám phàn nàn bà điều gì cả, nhiều lúc tôi còn nghĩ có khi mình không phải con đẻ nên không cảm nhận được hết những điều tốt đẹp ở bà. Nhưng cứ nhìn vào những hành động, cứ nghe những câu nói của bà thì tôi lại cho rằng, mình không thể yêu thương nổi mẹ chồng là điều hiển nhiên.

Một lần bà giao trách nhiệm cho tôi đi ăn tiệc cưới cùng bà. Tôi sắm hẳn một bộ váy mới, đơn giản nhưng khá trang nhã, tôi nghĩ rằng mình mặc đẹp là để bà tự hào vì có cô con dâu sáng sủa, cũng là để trân trọng những vị khách đến dự tiệc cưới hôm ấy. Nhưng nhìn vào bộ váy của tôi, mẹ chồng lườm cháy xém: "Hôm nay cưới con gái của bạn tôi chứ có phải cưới chị đâu". 

Lời nhận xét của mẹ chồng thực sự khiến tôi "nghẹn họng", không biết đáp lại bà ra sao. Tôi lẳng lặng dắt xe máy ra ngoài, nổ máy rồi mời bà trèo lên. Đi được nửa đường, bất thình lình, bà nhảy khỏi xe làm tay lái tôi chao đảo. Tôi cố gắng bình tĩnh, dắt xe vào vỉa hè rồi nhờ một chú xe ôm trông giúp. Mẹ chồng tôi lúc ấy xanh mặt, đứng chơ vơ giữ phố đông nhộn nhạo. Tôi nhào ra để đưa vào nơi an toàn. Tưởng bà khen tôi, ai ngờ bà mắng tôi xa xả: "Đi với chả đứng! Chị làm tôi say rồi đây này".

Trên đời tôi chưa từng thấy ai say xe máy cả, người khác đèo bà thì không sao, nhưng hễ ngồi sau xe tôi thì lần nào bà cũng kêu ca như thế. Tôi giải thích: "Con đi rất chậm và cẩn thận mà". Bà một mực khẳng định: "Chị đi ẩu lắm, tôi thà đi xe ôm còn hơn".

Bà bảo tôi đi một mình đến đám cưới, bà bắt xe ôm theo sau. Tôi bực mình phóng thật nhanh vì đằng nào cũng mang tiếng "tay lái ẩu". Đến đám cưới, tôi đứng đợi bà bên ngoài, bao nhiêu người quen nhận ra, họ ríu rít đến hỏi tôi: "Ơ, sao cháu đứng một mình ngoài này, mẹ Thoa đâu?". Tôi cười như mếu, không biết giải thích thế nào cho tình huống trớ trêu ấy.

Trong lúc dự tiệc cưới, mẹ chồng tôi làm ra vẻ như chưa từng có chuyện gì trước đó. Trong mắt những người xung quanh, bà vẫn là một người mẹ chồng tốt bụng, chu đáo đến mức gắp cả thức ăn đặt vào bát con dâu. Tiệc cưới kết thúc, tôi đưa mẹ chồng ra thang máy, đợi mãi thang máy mới mở cửa thì bà bất ngờ quyết định: "Tìm thang bộ mà đi, lúc nãy chị lái ẩu, tôi chưa hết váng đầu, giờ đi thang máy nữa chắc tôi ngất". Thấy lý do của bà quá vô lý nhưng tôi vẫn phải chiều theo. Bà đi giày bệt, tôi đi giày cao gót, cuốc bộ gần hai chục cái cầu thang thực sự không khác gì cực hình tra tấn tôi.

Nhiều đêm tôi trăn trở về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa mình và bà, tôi nghĩ đủ cách để chiều chuộng mẹ chồng, tôi nghĩ chỉ có tình cảm chân thành mới khiến bà xúc động. Nhưng bao nhiêu công sức của tôi đều đổ sông đổ bể khi một lần bà ăn miếng bánh tôi tôi biếu rồi nhận xét: "Khiếp! Bánh gì mà như cơm thiu". 

Dù mẹ chồng nói gì tôi cũng không "gục ngã", nghĩ rằng bà thích ăn trái cây hơn bánh kẹo, tôi đã đi kiếm và mua được về những trái xoài nhập, mã đẹp, to và bóng. Gọt xoài xong, tôi cẩn thận đặt lên đĩa rồi mời mẹ chồng. Bà lấy dĩa xiên một miếng, đưa lên miệng rồi nhăn mặt: "Xoài nhập gì mà sần sật như khoai lang sống, sợ quá!".

Tôi quyết định bỏ cuộc, không mua sắm gì, không biếu bà thứ gì nữa trừ những dịp quan trọng. Một lần đi làm về sớm, tôi chưa kịp bước vào nhà thì nghe giọng mẹ chồng than vãn với khách đến chơi: "Bà sướng thế, được con dâu chăm sóc đến tận răng, chả bù cho tôi, nó vô tâm lắm, thấy mẹ chồng mà cứ dửng dưng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.