Có nên nói với con về nghèo đói?

GD&TĐ - Đối với trẻ, nghèo đói được coi là một vấn đề khó hiểu... Song, mặc dù các vấn đề xung quanh nạn đói và tình trạng vô gia cư rất phức tạp, điều quan trọng là cha mẹ thảo luận với trẻ về chủ đề này thế nào.

Trẻ cần hiểu rằng, nhiều người không có khả năng để mua thực phẩm.
Trẻ cần hiểu rằng, nhiều người không có khả năng để mua thực phẩm.

Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn

Theo bà Amy Morin - nhà trị liệu tâm lý, tác giả sách bán chạy nhất quốc tế, nếu phụ huynh không phải lo lắng về việc mua đồ ăn, hoặc có một nơi ấm áp cho con ở, việc trò chuyện về nghèo đói có thể khá khó khăn. Song, nếu không có lời giải thích cụ thể, trẻ sẽ không hiểu vì sao một số bạn cùng lứa được ăn trưa miễn phí ở trường. Trẻ cũng sẽ không biết tại sao có người vô gia cư xin tiền. Khi đó, con có thể suy nghĩ không chính xác về người nghèo.

Bà Amy Morin cho biết, trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn có thể phải chịu hậu quả lâu dài. Trước hết, nghèo đói ảnh hưởng đến các gia đình trong vấn đề về giáo dục. Trẻ em nghèo thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc học. Đồng thời, các em ít có khả năng học cao hơn.

Ngoài ra, nghèo đói có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và tình cảm của trẻ. Trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó có nhiều khả năng biểu hiện các vấn đề về hành vi hơn. Đồng thời, trẻ có xu hướng gặp các vấn đề sức khỏe thể chất.

Những trẻ có điều kiện khó khăn cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần. Sự căng thẳng liên quan đến nghèo đói làm tăng nguy cơ mắc một số rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy, nghèo đói là mối đe dọa lớn nhất đối với hạnh phúc của trẻ em.

“Có các cuộc trò chuyện về nghèo đói có thể là cơ hội để giáo dục con. Đó cũng là thời điểm để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn ở trẻ đối với người khác. Khi hiểu thêm một chút về lý do tại sao một số người sống khác biệt, trẻ có thể đồng cảm hơn với những người trải qua cảnh nghèo khó”, bà Amy Morin chia sẻ.

Cha mẹ nên dẫn dắt tự nhiên khi nói với con về chủ đề nghèo đói.

Cha mẹ nên dẫn dắt tự nhiên khi nói với con về chủ đề nghèo đói.

Tìm kiếm cơ hội đưa ra chủ đề

Thay vì nhắc về chủ đề nghèo đói, phụ huynh được khuyến khích tìm cơ hội để dẫn dắt một cách tự nhiên. Sau đó, cha mẹ có thể nói về vấn đề cụ thể hơn. Bà Morin dẫn chứng, khi có ngày hội bán đồ ăn ở trường, cha mẹ hãy nói chuyện với con về lý do quyên góp thực phẩm. Hoặc, khi tặng quà trẻ vào dịp lễ, cha mẹ hãy giải thích rằng, một số gia đình có thể không đủ tiền để mua quà.

Phụ huynh cũng có thể chuẩn bị tinh thần để trả lời những câu hỏi “hóc búa” từ trẻ. Bởi, tại thời điểm nào đó, con sẽ nhận thấy rằng, bạn cùng trang lứa hoặc những người trong cộng đồng đang sống ở hoàn cảnh nghèo đói. Khi đó, cha mẹ hãy sẵn sàng trả lời một số câu hỏi như: Tại sao Anna mặc cùng một chiếc váy đến trường mỗi ngày?; Tại sao người đàn ông đó không đi giày?;...

Khi con đặt câu hỏi, đó là dấu hiệu cho thấy, trẻ đã sẵn sàng biết thêm thông tin. Bà Morin nhấn mạnh, điều quan trọng là cung cấp cho con những câu trả lời phù hợp với lứa tuổi.

Nếu con đang ở cấp tiểu học, trẻ sẽ không hiểu về tiền bạc hay kinh tế. Trong độ tuổi từ 5 đến 8, trẻ đã sẵn sàng nghe những lời giải thích đơn giản. Do đó, phụ huynh có thể thử nói rằng: “Một số người không thể kiếm đủ tiền để mua thức ăn hoặc nhà để ở”.

Trong khi đó, ở tuổi thiếu niên, trẻ có thể hiểu về nguyên nhân cơ bản khiến nghèo đói tồn tại. Khi đó, cha mẹ hãy nói về các yếu tố dẫn đến nghèo đói, như: Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo; Thiếu việc làm với mức lương tương xứng; Thiếu sự giáo dục; Chi phí chăm sóc sức khỏe và chăm sóc trẻ em cao. Bên cạnh đó, lạm dụng chất gây nghiện và bệnh tâm thần, khuyết tật hay tình trạng nghèo đói nhiều thế hệ cũng có thể là nguyên nhân.

“Ngoài việc nói về nguyên nhân của nghèo đói, hãy thảo luận về những ảnh hưởng của tình trạng đó. Đưa ra lời giải thích đơn giản về các dịch vụ của chính phủ và nguồn lực được cung cấp để giúp đỡ mọi người”, bà Morin chia sẻ.

Chú ý đến thông điệp

Những việc cha mẹ làm sẽ gửi tới trẻ thông điệp về người đang sống trong cảnh nghèo đói. Ví dụ, khi đi ngang qua một người bán bánh mì, nếu cha mẹ không liếc họ, trẻ có thể cho rằng, người lao động ở “dưới tầm” mình.

Điều quan trọng khác là cha mẹ không nên nói rằng, con hãy làm việc chăm chỉ để không rơi vào nghèo đói. Bởi, nếu nói như vậy, trẻ có thể kết luận rằng, những người nghèo thường lười biếng.

Theo bà Amy Morin, quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện có thể không dạy con nhiều về cách giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, việc trẻ tham gia trực tiếp vào giúp đỡ những người nghèo có thể giúp con hiểu rõ hơn về cách bản thân hỗ trợ người xung quanh.

Việc thảo luận về nghèo đói có thể khiến trẻ lo lắng. Con có thể lo rằng, gia đình sẽ hết thức ăn hoặc trở thành người vô gia cư vào một ngày nào đó. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần nói về các biện pháp bảo vệ trẻ. Phụ huynh có thể nói với con rằng, người thân luôn sẵn sàng giúp đỡ khi gia đình ta khó khăn. Hoặc, chính phủ luôn có các chương trình hỗ trợ người nghèo.

Tất nhiên, là một người trưởng thành, phụ huynh sẽ biết rằng, ngay cả những biện pháp bảo vệ tốt nhất cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể phải đối mặt với khó khăn.

“Điều tốt nhất bạn có thể làm cho con là đảm bảo với chúng rằng, cha mẹ luôn ở bên để yêu thương và bảo vệ trẻ. Hãy nhắc con rằng, bất kể hoàn cảnh đưa gia đình đến đâu, cha mẹ sẽ tìm ra cách để chịu đựng và vượt qua”, bà Morin chia sẻ.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ