Choáng váng vì niềm vui bất thường của chồng

GD&TĐ - Anh đang say giấc nồng thì chị lay gọi: “Chồng ơi! Sáng nay đưa Quýt đi học hộ em với”. Anh nhắm tịt mắt, gắt gỏng: “Em quá đáng thế! Em có biết hôm qua anh thức cả đêm xem bóng đá không?,,,".

Choáng váng vì niềm vui bất thường của chồng

"Tại sao lại gọi anh dậy sớm thế? Mọi hôm em vẫn đưa Quýt đi học mà”. Chị giải thích: “Hôm nay cơ quan em họp, em không thể đến muộn được, anh chỉ cần đưa con đến trường buổi sáng thôi, chiều em đón con về”.

Anh luôn xấu tính khi có ai đó làm phiền giấc ngủ, nghe chị giải thích, anh càng cáu: “Nhưng anh buồn ngủ lắm”. Thấy anh quá quắt, chị nói giọng dỗi: “Thôi được rồi! Anh cứ ngủ cho đã vào, em đi họp muộn cũng được, không phiền đến anh nữa”. Sợ rằng cuộc “chiến tranh lạnh” một tháng chuẩn bị tái diễn, anh vùng dậy, cười xòa: “Khì khì! Thôi để anh đưa Quýt đi học, em cứ yên tâm đến cơ quan cho được việc nhé”.

Quýt ngồi phía sau ôm chặt lấy bố, anh chậm rãi phóng, miệng lầm bầm: “Cứ tỏ vẻ quan trọng, cơ quan ngày nào chả họp, bỏ một buổi thì có chết ai đâu cơ chứ”. Đồng ý đưa con đi học nhưng anh vẫn bức xúc vì bị chị phá giấc ngủ ngon.

Chị ngồi họp ở cơ quan, lén cầm điện thoại dưới gầm bàn, nhắn tin cho anh: “Anh phải đưa con vào tận cửa lớp, giao con tận tay cho cô giáo rồi mới được về đấy nhé”. Anh hùng hục nhắn lại: “Biết roài”. Chị vẫn chưa yên tâm: “Anh chịu khó một tí nhé, chiều em lại đi đón con, anh không phải đón nữa”.

Không thấy anh nói gì nữa, chị càng sốt ruột. Suốt ngày làm việc hôm ấy, chị cứ nhấp nhổm, mong tan làm sớm để đi đón con rồi về nhà xem thái độ của anh ra sao. 

Đứng trước cửa lớp, cô giáo hồ hởi thông báo: “Bố cháu đón cháu rồi, mẹ cháu cứ yên tâm về nhà đi nhé”. Không còn cách nào khác, chị phi thật nhanh về, nhưng không thấy 2 bố con đâu, chị sốt sắng bấm số anh nhưng anh không chịu nghe máy.

Gần 7 giờ tối mới thấy 2 bố con về, chị hỏi dồn: “2 bố con anh đi đâu thế? Tại sao em gọi mà anh không nghe máy? Làm em mất công phi đến trường đón con rồi lo lắng không yên”. Anh giải thích: “Điện thoại anh yếu pin nên anh chả nghe nữa, mới cả con đi với anh chứ có đi với mẹ mìn đâu mà em cứ sốt sình sịch lên thế?”.

Không chấp nhận được lý do của anh, chị chống tay lên hông, hỏi cho ra nhẽ: “Bình thường anh không thích đưa đón con đi học cơ mà, tại sao hôm nay…”. Anh bất ngờ chuyển chủ đề: “Tối nay nhà mình ăn gì ấy Quýt nhỉ?”. 

Sáng hôm sau, chị rùng mình bật dậy, cuống cuồng tìm dép dưới gầm giường, anh ngoảnh sang: “Em cứ thong thả, nếu muốn em có thể ngủ thêm chút nữa rồi hẵng dậy đi làm, từ nay đưa đón con đến trường sẽ là việc của anh”. Chị vô cùng ngạc nhiên: “Anh bị làm sao vậy? Có phải hôm qua ra đường anh bị vật gì rơi trúng đầu không hả?”. 

Anh chau mày: “Em buồn cười nhỉ? Anh rất bình thường. Chẳng qua anh thấy em hay kêu ca, tị nạnh với anh, bây giờ anh bù đắp cho em, đáng lẽ em phải thấy vui chứ?”. Chị gật đầu: “Tốt thôi! Anh cứ đưa đón con nhé, em càng rảnh chứ sao”. Chị nói thế nhưng trong lòng lại nghĩ: “Để xem anh chăm chỉ được bao lâu, giỏi lắm được dăm bảy bữa là cùng”.

Nhận định của chị sai hoàn toàn, anh đã đưa đón Quýt đi học được gần 2 tháng mà không hề phàn nàn hay tị nạnh với chị mỗi sáng. Ngược lại, anh còn tỏ ra hào hứng với công việc tưởng như vô cùng nhàm chán ấy. Chị thắc mắc thì anh chỉ giải thích đơn giản: “Đưa đón con đi học đã thành thói quen, đèo con đằng sau, nghe nó ríu rít kể chuyện vui phết em ạ. Em đừng cướp mất niềm vui của anh nhé”.

Anh càng cố tỏ ra bình thường, chị càng thấy “bất thường”, tối đó chị hỏi Quýt: “Con à, con thích bố hay mẹ đưa con đi học?” Quýt ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời: “Bố ạ!”. Chị không hài lòng tí nào: “Ơ, tại sao? Trước đây toàn mẹ đưa đón con mà”. Quýt phụng phịu: “Nhưng mẹ không cho con và bạn Thỏ đi ăn kem”. Chị ngạc nhiên: “Thế ngày nào bố cũng cho con và bạn Thỏ đi ăn kem à?”. Quýt hồn nhiên: “Bố cho cả mẹ bạn Thỏ đi ăn kem nữa ạ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ