Bỏ điện thoại chơi với con những trò này, trẻ sẽ thành công dân ưu tú

Không thầy cô hay người có chuyên môn giáo dục, có phương pháp dạy dỗ nào tốt hơn việc bố mẹ dành thời gian chơi cùng con, bằng tình yêu thương cùng sự quan tâm, chăm sóc.

Đó là thông điệp mà bác sĩ Anh Nguyễn - người thường xuyên chia sẻ các kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ được các bố mẹ Việt quan tâm - muốn nhắn nhủ các bậc làm cha làm mẹ trong bài viết dưới đây:

Đa phần các lớp mẫu giáo thường nhận trẻ lúc 3 tuổi và nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới cũng đồng ý độ tuổi này là thời điểm nên đưa trẻ đến trường. Như chúng ta cũng biết giai đoạn trước 5 tuổi là giai đoạn rất quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ bao gồm nhận thức, tư duy, kỹ năng giao tiếp và xã hội…

Vậy đưa trẻ đến trường lúc 3 tuổi có là quá trễ không? Trong khi trẻ có thể mất 3 năm ở nhà có thể không hoặc ít học được kỹ năng hơn, đặc biệt khi cuộc sống hiện nay cha mẹ đều bận công việc không chăm sóc và dạy dỗ trẻ được, trẻ ở cùng ông bà nhiều hơn.

Liệu việc những trẻ đến trường sớm hơn và được dạy dỗ bởi những người có chuyên môn giáo dục hoặc có phương pháp giáo dục sẽ tốt hơn là ở nhà cùng cha mẹ hoặc ông bà không?

Tạo hóa đã chọn cha mẹ là người "thầy" đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ

Theo TS. Schore, ĐH California, Los Angeles, Mỹ, bán cầu não phải sẽ phát triển sớm hơn và đạt 85% trước 3 tuổi. Điều này có thể hiểu: Trẻ dưới 3 tuổi chủ yếu được điều khiển bằng não phải.

Bán cầu não phải đảm trách những chức năng liên quan đến sáng tạo, tưởng tượng và điều hòa cảm xúc - điều mà có thể xảy ra phần lớn thông qua vui chơi và tương tác chính với cha mẹ.

Hãy thử tưởng tượng xem: đứa trẻ chỉ vừa 1 tuổi sẽ cảm thấy khó khăn như thế nào khi đặt vào môi trường xa lạ (lớp học) và cũng có nhiều áp lực từ người lạ (thầy cô, bạn bè) với ít sự chuẩn bị cho sự đối phó này.

Nên nhớ rằng, độ tuổi này điều trẻ cần học là sự tương tác yêu thương, vui chơi qua lại và học cách điều khiển cảm xúc là quan trọng hơn tất cả. Do đó, sự hiện diện tương tác của cha mẹ trong giai đoạn trước 3 tuổi là ưu tiên và quan trọng để giúp trẻ chuẩn bị từ từ cho sự thích nghi tốt hơn từ môi trường nhỏ (nhà của mình) sang môi trường lớn hơn (lớp học, nhà văn hóa…).

Bỏ điện thoại xuống và dành thời gian chơi với con những trò này mỗi ngày, sẽ không ai làm tốt hơn bố mẹ! - Ảnh 1.

Hơn nữa, người ta cũng thấy rằng những hormone sinh học kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng tăng mạnh trong giai đoạn này. Ví dụ hormone oxytocin - hay còn thường được biết là hormone hạnh phúc đều tăng tiết đáng kể ở cả người bố và người mẹ trong suốt 2 năm đầu đời của trẻ. Và hormone này giúp họ khắng khít và tác động tích cực đến hoạt động học hỏi của não bộ của trẻ trong thời gian này.

Đó là lí do vì sao 3 tuổi được xem là thích hợp cho sự thích nghi của trẻ ở môi trường lớn hơn để học tập những kỹ năng mới (nhận thức, tư duy, giao tiếp…) – nơi mà có thể xem là 1 phần tác động không nhỏ của bán cầu não trái - vốn trễ hơn 1-2 năm. Cả hai bán cầu đều đạt hơn 90% khi trẻ bước qua 5 tuổi.

Liệu chuyên môn có thay thế được tình yêu cha mẹ?

Nhiều quan điểm cho rằng: thay vì trẻ ở nhà với cha mẹ bận bịu hoặc những người không có chuyên môn giáo dục, có nên cho trẻ đến trường sớm hơn (trước 3 tuổi) - nơi mà có những cô giáo sẽ dành thời gian tương tác vui chơi với trẻ theo phương pháp giáo dục bài bản thay cho cha mẹ các bé. Điều này có tốt hơn không?

Đến nay chưa có bằng chứng đủ mạnh để cho thấy trẻ nhỏ hơn 3 tuổi được chăm sóc bởi những người có chuyên môn giáo dục sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn là được chăm sóc bởi cha mẹ, thậm chí với trẻ có thời gian tương tác với cha mẹ thấp. Chỉ có thể thấy rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh bố mẹ có vai trò quan trọng cho trẻ dưới 3 tuổi.

Thực tế, nếu bạn nghĩ rằng phải dành 8 tiếng hoặc toàn thời gian để chơi, tương tác với trẻ mới tốt, thì điều đó là không đúng. Chỉ cần 1 khoảng thời gian nhất định, nhỏ cũng được, nhưng cần lặp lại và quan trọng hơn là bạn dành tình yêu cho những điều bạn làm.

Mẹ Teresa, người từng đạt giải Nobel Hòa Bình 1979, từng nói: "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại".

Trong chăm sóc con cái cũng vậy, không phải bạn phải dành toàn bộ quỹ thời gian bạn có hay cố tìm một ai đó tốt hơn để thay thế bạn, chính bạn có thể tự làm và làm rất tốt nó, dù ít, miễn là bạn đặt sự quan tâm và tình yêu to lớn vào nó.

Bỏ điện thoại xuống và dành thời gian chơi với con những trò này mỗi ngày, sẽ không thầy cô nào làm tốt hơn bố mẹ! - Ảnh 1.
Chỉ cần 1 khoảng thời gian nhất định, nhỏ cũng được, nhưng cần lặp lại và quan trọng hơn là bạn dành tình yêu cho những điều bạn làm (Ảnh minh họa). 

Đã đến lúc bạn cần đưa ra 2 quyết định quan trọng. 2 điều này sẽ quyết định con bạn như thế nào sau này.

- Dành thời gian chơi với con

- Đầu tư trò chơi, không cần đầu tư tiền bạc, chỉ cần đầu tư 5 điều dưới đây. Không cần 1 buổi chơi có hết cả 5, chỉ cần mỗi buổi có ít nhất 1 là đủ. Duy trì mỗi tháng có đủ 5 là được.

1. Trò chơi nên cho trẻ sử dụng đôi tay

Các trò chơi mà trẻ sử dụng đôi tay càng tích cực thì trẻ càng suy nghĩ tốt vì trẻ bắt não bộ làm việc nhiều hơn để điều khiển đôi tay ấy. Đó là các trò chơi "nhấn - kéo - thả " hoặc "cắt - xé - vẽ". Đây là 1 số trò chơi gợi ý:

- Cùng trẻ làm nhà thùng giấy cho bé chơi: Chọn 1 thùng giấy carton to, vẽ các đường để có cửa chui ra vào, cắt 2 ô vuông cho 2 cửa sổ. Trẻ có thể phụ bạn cắt các đường này hoặc các hình trang trí để dán vào ngôi nhà của bé.

- Cùng trẻ làm bánh chơi đồ hàng bằng cát hay đất sét: Mua những cái khuôn và 1 ít cát sạch/đất sét để trẻ nặn, cắt, làm bánh từ khuôn. Cho bánh lên xe để vận chuyển, xe có thể đi qua đường hẹp (vẽ 2 đường thẳng song song trên bề mặt làm cung đường hẹp), xe đi qua nước, xe đi qua đường dốc....

Bỏ điện thoại xuống và dành thời gian chơi với con những trò này mỗi ngày, sẽ không ai làm tốt hơn bố mẹ! - Ảnh 3.


Giữ cân bằng là điều luôn diễn ra hằng ngày từ tinh thần đến vật lý như việc giữ cân bằng trong cuộc sống, giữ cân bằng về công việc - gia đình, giữ cân bằng cơ thể khi đi qua khoảng hẹp. Khái niệm về cân bằng trẻ cần hiểu từ sớm, bắt đầu từ khái niệm vật lý. Khi hiểu về khái niệm này trẻ sẽ hiểu khái niệm phi vật lý.

2. Trò chơi cho bé khái niệm về cân bằng

Đây là 1 số trò chơi gợi ý:

- Làm sao con đi mà không đụng đường vẽ hẹp này?

- Nhảy lò cò.

- Đi đường dốc mà không làm đổ hạt đậu đựng trong dĩa nhựa như 1 trò chơi thử thách.

- 1 chiếc cân đòn gánh thăng bằng, điều gì xảy ra khi con cho 1 hạt đậu vào 1 bên?

- Chiếc ly nước đã đầy tràn, điều gì sẽ xảy ra khi con nhỏ thêm 1 giọt vào đó?

3. Trò chơi cho trẻ sử dụng óc phán đoán

Nghe trừu tượng hoặc quá toán học, nhưng thực tế có nhiều trò chơi đơn giản dạy trẻ óc phán đoán rất tốt. Đây là 1 số trò chơi gợi ý bạn có thể chơi cùng con:

- Chụp bóng từ bạn ném.

- Tự tung bóng lên cao và chụp banh khi rơi xuống.

- Chơi cờ vua.

- Đá bóng vào cầu môn hoặc ném bóng vào lỗ.

- 1 số thí nghiệm vui: cùng 1 quả trứng gà, khi luộc và khi còn sống, cái nào sẽ rơi xuống đáy thau nước khi bỏ cả 2 vào nước cùng lúc.

Bỏ điện thoại xuống và dành thời gian chơi với con những trò này mỗi ngày, sẽ không ai làm tốt hơn bố mẹ! - Ảnh 5.
Khi chơi hãy nói chuyện thường xuyên với trẻ, đó là cách để trẻ học thêm từ vựng và ngôn ngữ (Ảnh minh họa). 

4. Trò chơi cho trẻ học thêm từ vựng và ngôn ngữ

Khi bạn chơi 1 trò chơi với trẻ, hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu ngôn ngữ liên quan đến nó mà trẻ cần biết.

Ví dụ, trò ném bóng trên vạch trắng trên sân, đây là 1 số ngôn ngữ dùng trong trò chơi:

Vạch trắng là "vạch mức", nghĩa là vạch con phải ném trên nó thì mới tính điểm.

Vạch màu vàng dưới đất là vạch đứng ném, nghĩa là con phải đứng đây ném, không được bước lên hoặc xa hơn.

Trẻ sẽ học ngôn ngữ qua trải nghiệm chơi nhanh hơn khi ngồi học trên bàn. Hơn nữa, trẻ cũng quen với quy định và luật chơi - một kỹ luật cần thiết mà mọi người chơi phải tuân thủ. Cuộc sống cũng là 1 trò chơi với các luật chơi cần tuân thủ.

5. Trò chơi cho trẻ biết về không gian và cấu trúc

Khái niệm về không gian khá trừu tượng. Người có thể nhìn ra không gian khi họ biết đặt mình vào 1 vị trí nhìn đúng.

Một không gian có những chiều của nó. Chúng ta quen nhìn ở 1 góc, chỉ muốn nhìn ở chiều quen thuộc và ưa mắt, khi ai đó quay chiều khác đi, ta không quen nữa trở thành những người dễ bị dẫn đường của cảm xúc như lo sợ, lạc lối và hành động thiếu suy nghĩ.

Người biết suy nghĩ dễ dàng thoát ra không gian nhỏ bé của họ, nhìn 1 sự vật nhiều chiều hơn, đa góc hơn và tầm hiểu biết họ cũng rộng hơn.

Bỏ điện thoại xuống và dành thời gian chơi với con những trò này mỗi ngày, sẽ không ai làm tốt hơn bố mẹ! - Ảnh 6.
Một đứa trẻ biết chơi đúng sẽ trở thành 1 người biết suy nghĩ (Ảnh minh họa). 

Một số trò chơi làm tốt thông điệp này là:

- Trốn tìm rèn luyện không gian và suy đoán sự xuất hiện và biến mất.

- Xếp hình bằng giấy thủ công.

- Chơi bò trong đường hầm.

- Chơi với các hình khối, đếm mặt phẳng, đếm góc, đếm cạnh.

- Các khái niệm lớn nhỏ, bẻ cong của ống hút trong nước...

Chơi cùng trẻ bao lâu?

Nếu bạn là người bận rộn cũng đừng quá nản lòng. Chơi với trẻ không đòi hỏi bạn dành quá nhiều thời gian nhưng nếu bạn dành ít nhất 2 ngày cuối tuần, tầm 30-60 phút mỗi ngày để chơi cùng trẻ với các định hướng trên, đó là bạn đang đầu tư rất lớn cho con của bạn.

Một đứa trẻ biết chơi đúng sẽ trở thành 1 người biết suy nghĩ - đó sẽ là công dân ưu tú của tương lai. Đã đến lúc bạn cần bỏ xuống vài thứ như điện thoại, ipad... để suy nghĩ về cách "đầu tư" cho con trẻ.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ