Bất bình đẳng trong suy nghĩ của con trẻ

GD&TĐ - Qua việc thử nghiệm để trẻ em tham gia các trò chơi với những con rối, khi chơi hai bên được phân chia điểm không công bằng, các nhà nghiên cứu phát hiện cách nhìn nhận về bất bình đẳng ở mỗi trẻ là khác nhau.

Một số trẻ thờ ơ với sự bất bình đẳng. Ảnh minh hoạ
Một số trẻ thờ ơ với sự bất bình đẳng. Ảnh minh hoạ

Bất bình đẳng gia tăng

Đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới. Mặt khác, số người nghèo cùng cực đang ngày một tăng. Lần đầu tiên sau vài thập kỷ, thế giới ghi nhận nhiều người rơi vào nghèo đói như hiện tại. Ngân hàng Thế giới ước tính, có ít nhất 119 triệu người mất chỗ ở, không được tiếp cận với nước sạch, thực phẩm do hậu quả của đại dịch. Mặt khác, những người giàu được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán cùng giá nhà tăng, cũng như an ninh công việc cao hơn.

Khoảng cách giàu nghèo này là sự bất bình đẳng về kinh tế - nơi một số ít cá nhân sở hữu phần lớn tài sản. Nghiên cứu đã tiết lộ nhiều về việc bất bình đẳng kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý con người như thế nào. Ví dụ, mọi người có mức độ quan tâm khác nhau đến việc phân phối của cải không đồng đều. Khả năng chịu bất bình đẳng của mọi người thường phụ thuộc vào mức độ họ tin rằng, hệ thống kinh tế sẽ công bằng như thế nào. Nếu ai đó tin rằng, người khác xứng đáng với những gì đã kiếm được, họ cho rằng, sự bất bình đẳng là điều dễ chấp nhận hơn.

Các nhà tâm lý học xã hội cũng đã chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng về kinh tế ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với người khác. Cụ thể, khi mọi thứ càng bất bình đẳng, chúng ta càng ít hào phóng hơn. Điều quan trọng là, những người nghĩ rằng bất bình đẳng là hiển nhiên thường có xu hướng ít chia sẻ hơn với người khác.

Tất cả các nghiên cứu này cho đến nay đã đặt câu hỏi rằng, sự bất bình đẳng kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý người lớn như thế nào? Đồng thời, tác động tới trẻ em ra sao? Trẻ em trải nghiệm thế giới khác người lớn. Chúng không xem tin tức và tranh luận về luật thuế trong các bữa ăn tối. Mặc dù vậy, theo bà Kelly Kirkland - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, Đại học Melbourne (Australia), điều quan trọng là chúng ta cần biết trẻ em nghĩ gì về bất bình đẳng kinh tế. Khi trưởng thành, ở một mức độ nào đó, mọi người được định hình bởi những trải nghiệm thời thơ ấu. Những trải nghiệm đó bao gồm nơi lớn lên, cha mẹ nghĩ gì về họ và bạn bè họ là ai.

“Các đồng nghiệp và tôi đã thực hiện một số nghiên cứu để hiểu cách trẻ em trải qua sự bất bình đẳng về kinh tế. Đồng thời hiểu về ảnh hưởng của tình trạng đó đến cách chúng đối xử với người khác”, bà Kirkland cho biết.

Tuy nhiên, việc hỏi một đứa trẻ xem chúng nghĩ gì về nền kinh tế là điều không khả thi. Để vượt qua trở ngại này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một thử nghiệm vui nhộn, thân thiện với trẻ em. Trong đó, trẻ em tham gia một số trò chơi với sáu con rối. Qua các trò chơi này, trẻ em và những con rối đều nhận được điểm số. Song, thực tế, các nhà nghiên cứu đã kiểm soát số điểm đó.

Nhiều trẻ sẵn sàng chia sẻ với người khác. Ảnh minh hoạ
Nhiều trẻ sẵn sàng chia sẻ với người khác. Ảnh minh hoạ 

Trẻ em luôn có cùng số điểm (14) và vị trí xếp hạng. Điều duy nhất thay đổi là sự bất bình đẳng giữa những con rối. Cụ thể, một số con rối nhận được nhiều điểm. Trong khi đó, những con rối còn lại có rất ít điểm hoặc tất cả có số điểm như nhau. Sau đó, trẻ em có 14 hình dán để đổi lấy 14 điểm.

“Quan trọng là, điểm số mà trẻ em và con rối nhận được rõ ràng là phù hợp với kỹ năng hoặc nỗ lực chúng đã bỏ ra. Bởi, số điểm đó không xứng đáng. Chúng tôi đã thực hiện điều này có chủ đích. Cách phân bổ của cải trong cuộc sống thực không chỉ là về việc ai đã làm việc chăm chỉ nhất hay ai là người có kỹ năng tốt nhất. Chúng tôi muốn mô phỏng sự phân chia giàu có thực tế. Nhờ đó, xem cách trẻ em giải thích đã ảnh hưởng đến hành vi của chúng như thế nào”, nhà nghiên cứu Kirkland cho biết.

Sau đó, các nhà nghiên cứu cho bọn trẻ thêm điểm để chia sẻ với những con rối. Các nhà khoa học mong muốn sẽ giải đáp được câu hỏi: “Liệu trẻ có cố gắng và điều chỉnh kết quả bằng cách cho người nghèo nhiều hơn không?”. Kết quả cho thấy, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trẻ em từ bốn đến sáu tuổi dường như không quan tâm đến bình đẳng. Chúng cho mỗi người một điểm, ngay cả khi một số nghèo còn số khác giàu. Những đứa trẻ này không quan tâm nhiều đến sự bất bình đẳng trong môi trường. Thay vào đó, chúng tập trung vào kết quả của bản thân. Mặt khác, những đứa trẻ từ bảy đến chín tuổi rất chú ý đến cách phân chia tài sản cho các con rối. Sau đó, trẻ chia sẻ nhiều điểm hơn cho những con rối tội nghiệp để cố gắng thay đổi kết quả bất công.

Nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi, liệu trẻ có nghĩ mình đã phân chia số điểm công bằng không. Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên trước những câu trả lời của trẻ. Bởi, việc trải qua sự bất bình đẳng không ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ về mức độ công bằng trong hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, những đứa trẻ có cách giải thích khác nhau. Một số nghĩ rằng, điểm số được chia dựa trên thành tích. Trong khi những trẻ khác cho rằng, điều đó hoàn toàn không công bằng. Số trẻ còn lại hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề đó.

Đáng chú ý, những đứa trẻ nhận định tình huống không công bằng đã sẵn sàng chia điểm số cho người “nghèo”. Bà Kirkland nhận định, điều này cho thấy cách giải thích của trẻ em về bất bình đẳng, chứ không phải bản thân bất bình đẳng, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự quan tâm và chăm sóc của trẻ đối với người nghèo.

“Hiện, hàng trăm triệu người sống nhờ số tiền chưa đến 1,90 USD mỗi ngày. Hầu hết những người này ở vị trí đó đơn giản vì họ sinh ra trong một đất nước có nền giáo dục, cơ hội và mức sống thấp. Thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa thế giới này. Đã đến lúc chúng ta hiểu họ nghĩ gì về điều đó. Bởi, những gì trẻ nghĩ sẽ quyết định những gì chúng sẽ làm để giúp đỡ xã hội trong những năm tới”, nhà nghiên cứu Kirkland chia sẻ.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.