Không thể chậm trễ

GD&TĐ - Kinh tế phát triển, mức sinh ổn định giúp đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh nhóm được tiếp cận với dịch vụ cơ bản thường xuyên thì cũng có người lại thờ ơ hoặc chưa có điều kiện tiếp cận khiến cho sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa được quan tâm thích đáng.

  Không thể chậm trễ

Thờ ơ với sức khỏe

Không đến trạm y tế theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ tuy không phổ biến nhưng vẫn xảy ra ở một số vùng khó khăn, xa xôi ở nước ta. Đây là lý do khiến tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao. Ước tính tỷ lệ tử vong mẹ trong quá trình mang thai, vượt cạn ở nước ta vẫn ở mức 65 ca/100.000 ca sinh sống. Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ. Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ sơ sinh không có cơ hội sống do mắc dị tật bẩm sinh mà không được phát hiện, can thiệp trước đó.

Cho đến nay, dù chưa có nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh nhưng ước tính tỷ lệ trẻ mắc bệnh trên ở nước ta khoảng 1,5 - 2% số trẻ sinh ra. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm có từ 22.000 - 30.000 trẻ mắc bệnh từ trong bụng mẹ. Trong số bệnh bẩm sinh, phổ biến nhất là các bệnh Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật khác.

Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh ở Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gien, rối loạn chuyển hóa...); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước...); Mẹ uống thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ hoặc mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai…

An toàn cho mẹ và thai nhi

Trong số những biện pháp giúp kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu rủi ro ở mẹ và bé là thực hiện khám thai định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa và sàng lọc trước sinh. Việc làm đơn giản trên có thể phát hiện chính xác đến 90% tình trạng sức khỏe của thai nhi cũng như nguy cơ tiềm ẩn với mẹ. Sau khi sinh, trẻ được sàng lọc bệnh bẩm sinh thêm một lần nữa nhờ việc lấy mẫu máu gót chân trẻ (48 giờ sau sinh), nhằm phát hiện các bệnh suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh..

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, những năm trước đây, các thai phụ chỉ được thăm khám bằng các biện pháp đơn giản thì gần đây, nhờ sự tiến bộ của y học, nhất là từ khi triển khai đề án tầm soát phát hiện một số bệnh, tật bẩm sinh thông qua sàng lọc sơ sinh và trước sinh. Nhờ phương pháp này, các bác sĩ sẽ tư vấn với cha mẹ và đưa ra can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất dị tật từ trong bụng mẹ và giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, để mọi phụ nữ, trẻ em được tiếp cận với dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe, hiện ngành y tế đang triển khai đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên phạm vi toàn quốc. Như vậy, ngoài việc theo dõi thai định kỳ tại các cơ sở y tế, thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc tại Hà Nội, Thừa Thiên -Huế, Nghệ An, TPHCM và Cần Thơ để kiểm tra tình trạng sức khỏe con mình ngay từ khi còn trong bụng mẹ nếu nghi ngờ có sự bất thường.

Ngày 26/12 hàng năm được chọn là Ngày Dân số Việt Nam. Năm nay, ngành y tế chọn chủ đề thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu mà ngành y tế đặt ra trong việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ