“Học kỳ III” của con

GD&TĐ - Vì rất nhiều lý do và mong muốn khác nhau, các bậc phụ huynh vẫn đang hỏi han, tham khảo để tìm kiếm cho con mình một chương trình hè thật phù hợp và bổ ích. Xem ra, “học kỳ III” còn khiến các phụ huynh “mệt não” hơn cả chương trình chính khóa.

“Học kỳ III” của con

Con muốn được nghỉ ngơi

Gọi con năm lần bảy lượt để con lên xe không được, chị Mai Thanh (ngõ Cống Tráng - phố Khâm Thiên - Hà Nội) phải chạy lên gác tìm. Vào phòng đã thấy cậu con trai trèo lên giường nằm ngủ lại từ bao giờ… Lay vần mãi chả nổi, chị cáu kỉnh quát mắng vài câu nhưng cậu con trai 11 tuổi cứ ỳ ra. Rồi nó cáu kỉnh gắt gỏng, giọng đầy vẻ ấm ức: “Con không đi học hè đâu. Mùa hè để được nghỉ ngơi sau cả năm học mệt nhọc. Sao mẹ bắt con đi học lắm thứ thế? Con không đi học đâu...”.

Tìm hiểu mãi chị Thanh mới quyết định đăng ký cho con khóa học tiếng Anh ở Trung tâm Apax cùng với khóa luyện tập bóng rổ ở Trung tâm Thể thao Tuổi trẻ. Cả chục triệu đã nộp rồi, hai lớp học đều đã khai giảng mà con trai cứ nằng nặc phản đối không chịu đi.

Tâm lý mong con vừa tích lũy thêm được kiến thức, vừa có khoảng thời gian thư giãn của ngày hè khiến các diễn đàn, trang mạng vẫn như đang “bốc khói”. Bởi nhiều khóa học đã đăng ký chiêu sinh từ tháng 5. Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường Thể thao thiếu niên 10 - 10, các trung tâm văn hóa - thể thao quận, các bể bơi đã đông kín hội viên… Nhiều phụ huynh giờ mới đăng ký đã phải thất vọng vì bị từ chối. Những trại hè quốc tế trong thời gian 1 - 2 tuần giá khủng vài chục triệu thì không thể là lựa chọn của số đông phụ huynh có thu nhập bình thường.

Trải nghiệm và kinh nghiệm

Các chuyên gia tư vấn tâm lý và giáo dục đều đưa ra lời khuyên về việc bố mẹ nên tôn trọng mong muốn, sở thích và nhu cầu của con rồi hãy quyết định lựa chọn học gì trong hè cho bổ ích, chất lượng mà trẻ hào hứng, vui thích, Thế nhưng, trong thực tế, nếu không có ông bà phụ giúp việc trông nom thì chuyện trẻ em bị “nhét vào” các lớp học hè là phổ biến để bố mẹ giải bài toán “thiếu người quản lý, trông coi”.

Đã 3 mùa hè trôi qua, năm nào anh Chu Anh Tuấn (Công ty Thiết kế đồ họa Việt Hoàng) cũng dành hết phép năm để đưa con trai đi trải nghiệm đây đó. Vài ngày về quê vui chơi thăm người thân, họ hàng, rồi lại lên rừng xuống biển, đến khám phá những vùng đất lạ khiến tầm mắt được mở mang và không gian sống tích cực của cậu bé Minh Long mở rộng rất nhiều.

Chị Trần Hương Giang, Trưởng phòng Giáo vụ Cung Thiếu nhi Hà Nội chia sẻ: Ngay từ đầu hè, nhiều phụ huynh đã đến đăng ký liền một lúc 5 - 6 bộ môn cho con. Nhiều con cứ vừa học xong lớp vẽ lại chạy vào lớp nhảy, học xong lớp tiếng Anh lại sang lớp trình diễn thời trang, rồi lớp đàn, lớp bóng đá, bóng rổ. Phụ huynh đăng ký thì giáo vụ phải bố trí lớp cho các con, nhưng học gì thì học mà cứ học liền tù tì mấy tiếng liền như thế thì con có phấn chấn hay tập trung học được không? Liệu những điều thú vị và bổ ích, cần thiết con có còn hưng phấn mà lĩnh hội được không?

Bị bắt buộc chấp hành lịch học và lịch chơi do bố mẹ thiết kế, nhiều đứa trẻ bước ra từ những trung tâm bồi dưỡng kỹ năng với vẻ mặt nhăn nhó, mệt mỏi. Nếu hỏi những đứa trẻ rằng chúng có mùa hè thực sự và đúng nghĩa không thì chắc hẳn bạn sẽ nhận được câu trả lời là không...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.