Gia đình quá bao bọc - con vấp ngã xứ người

Gia đình quá bao bọc - con vấp ngã xứ người

"Sốc" khi phải tự lập

Anh Trần Trung Kiên - một phụ huynh sống tại Đống Đa (Hà Nội) và có con từng đi du học tại Australia chia sẻ, do nhận thấy con có học lực tốt và khả năng tiếng Anh luôn đứng "nhất, nhì" lớp, nên gia đình anh đã khuyến khích con ra nước ngoài học.

"Khi đó, cháu nhà tôi vừa học hết cấp 2 và quyết định trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ để đi du học. Vợ chồng tôi chỉ nghĩ rằng, con có thể sẽ phát huy hết khả năng của mình khi ra nước ngoài và có thêm nhiều kiến thức. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại", nam phụ huynh cho biết.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, con trai anh Kiên bắt đầu cuộc sống tự lập ở "trời Tây". Tuy nhiên, trải qua cú "sốc" văn hoá và luôn cảm thấy nhớ nhà dù theo học tại nước ngoài một thời gian, nam thanh niên xin phép gia đình cho về. Ban đầu, vợ chồng anh Kiên khuyên con trai nên cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và tiếp tục theo đuổi việc học.

Sau 2 năm "xa xứ", anh Kiên dần nhận thấy con trai có những biểu hiện lạ về tâm lý, không hoạt bát như trước và cũng không tâm sự với gia đình. Chỉ đến khi nhận được email từ nhà trường gửi tới phụ huynh, vợ chồng anh Kiên mới bàng hoàng khi biết rằng, con trai đã không đến trường suốt nhiều ngày.

Được bố mẹ thuyết phục tâm sự, con anh Kiên cho biết thường xuyên cảm thấy buồn bực, cô đơn và không còn hứng thú với việc đến trường hay giao lưu với bạn bè. Nhận thấy tinh thần con bất ổn, gia đình anh Kiên vội vã đón con về nhà và để cậu đến gặp chuyên gia tâm lý.

"Khi đó, tôi vô cùng bất ngờ và không thể tin rằng, con mình lại rơi vào hoàn cảnh như vậy. Cháu chia sẻ luôn cảm thấy cô đơn và không thể tự lập khi xa nhà. Đúng là vợ chồng tôi thường bao bọc con khi cháu ở Việt Nam. Đây chắc hẳn là nguyên nhân khiến cháu không thể chịu được áp lực khi đi du học", anh Kiên nói.

Quen với sự bao bọc của gia đình

Nguyễn Minh Trang (24 tuổi), hiện là nhân viên thiết kế đồ họa tại một công ty liên kết nước ngoài ở Tây Hồ (Hà Nội), cho biết: "Tôi từng đi du học Mỹ từ năm lớp 10 và vừa trở về Việt Nam làm việc. Khi bắt đầu cuộc sống mới ở phương Tây, bản thân tôi cũng không quá lo lắng hay áp lực, bởi trước đó, bố mẹ đã "đả thông" tư tưởng cho tôi. Dù có nhớ nhà, nhưng tôi lấy đó làm động lực để nỗ lực học tập hơn. Ngoài giờ học, tôi thường làm công việc bán thời gian để có thêm thu nhập".

Trang chia sẻ, khi còn ở Việt Nam cũng được bố mẹ chăm sóc chu đáo và ít khi phải làm việc nhà. Tuy nhiên, từ khi sống ở nước ngoài, Trang tự học nấu ăn và chăm sóc bản thân.

"Tôi tự nhận thấy bản thân trưởng thành sau một thời gian sống tự lập ở Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều du học sinh tự vượt qua khó khăn, không ít bạn trẻ lựa chọn trở về nhà dù việc học còn dang dở".

Minh Trang cho biết, một người bạn cấp 2 của cô từng bỏ học và trở về nhà chỉ sau một năm du học, bởi không thể chịu được áp lực khi xa gia đình, trong khi công việc làm thêm quá vất vả.

"Tôi từng chứng kiến nhiều bạn học bỏ về vì họ được gia đình quá bao bọc. Hơn nữa, chương trình học đại học tại Mỹ cũng nặng hơn so với Việt Nam". Minh Trang nhận định, nhiều bạn trẻ khó thích nghi với môi trường nước ngoài bởi không có tính tự lập như học sinh các nước khác. Vì thế, Trang cho rằng, trước khi đi du học, các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tự lập. Khi được trang bị những kỹ năng cần thiết, các du học sinh sẽ có thể sống tốt hơn dù phải xa gia đình.

Chuẩn bị tâm lý cho con từ sớm

Chị Lê Thị Minh Hồng - một bà mẹ đang sinh sống và làm việc tại Berlin (Đức) chia sẻ, đi du học là một việc lớn, nên nếu chờ đến lúc 17 - 18 tuổi mới cho con "ra ràng" thì đã khá muộn.

"Vậy tại sao phụ huynh không tập cho mình và cho con luôn từ khi con còn nhỏ. Ví dụ cụ thể là từ bây giờ, mỗi mùa hè cho con đi xa một nơi, mỗi nơi khoảng 2 tuần để con tự trải nghiệm, tự quyết định sau này con sẽ du học ở đâu", chị Hồng nói.

Mặc dù nhiều người cho rằng, kế hoạch này sẽ khó phù hợp với những gia đình không quá khá giả, nhưng chị Hồng cho biết, phụ huynh sẽ thấy nhiều lợi ích nếu thử áp dụng. Nữ phụ huynh này lý giải, nhiều học sinh không được chuẩn bị kỹ lưỡng và mất 1 - 2 năm để thích nghi với cuộc sống du học. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 100 - 300 triệu đồng cho gia đình.

"Vậy số tiền này mình rải ra, đầu tư sớm vào con, cho con đi khoảng 3 lần, mỗi lần hết khoảng 50 triệu. Sau này đi du học thì mình sẽ tốn ít, vì con đã quen và có kinh nghiệm thực tế. Nhờ đó, con có thể tìm hơn 1.000 con đường để có thể tiết kiệm tiền và thời gian", chị Hồng nói.

Tuy nhiên, nữ phụ huynh này cho rằng, cha mẹ cần để con xác định mục tiêu đi du học và tự lập từ sớm, tốt nhất là từ lớp 10. Ngoài ra, phụ huynh không nên đặt áp lực lên con hay yêu cầu trẻ phải thành công khi ra nước ngoài.

"Đừng đòi hỏi con mình ngay lập tức phải thành công thành phượng. Như vậy là không công bằng và vô hình tạo áp lực không cần thiết cho con", chị Hồng nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ