Gia đình, nền tảng xây dựng xã hội văn minh

GD&TĐ - Giữ được nếp nhà là giữ được then cửa để gia đình hòa thuận, yên vui. Một xã hội chiếm số đông những gia đình giàu truyền thống văn hóa chắc chắn xã hội đó đã và đang hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp nhất. 

Giáo dục trong gia đình phải từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: IT.
Giáo dục trong gia đình phải từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: IT.

Trong xã hội hiện đại, khi mặt trái của công nghệ 4.0 lấy đi không ít những thói quen tốt đẹp thì việc giữ nếp nhà càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Nỗi buồn mang tên gia đình

Thời gian qua, dư luận xã hội hết sức bàng hoàng trước những vụ án chấn động. Đó là vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào ngày 14/9 tại phường Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên). Nghi phạm Phạm Xuân Hồng đã truy sát cả gia đình em gái, lý do được cho là uất ức khi đòi số tiền nợ hơn 3 tỷ đồng (ông này cho vợ chồng cháu gái vay nhưng không đòi được).

Trước đó, vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào sáng 1/9, tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Chỉ vì tranh chấp đất đai, Nguyễn Văn Đông đã mang theo dao đến truy sát cả nhà em ruột là Nguyễn Văn Hải, khiến ông Hải và con gái là chị Nguyễn Thị Bắc tử vong tại chỗ. Bà Doãn Thị Việt (vợ ông Hải) và cháu Nguyễn Huyền My (SN 2018, cháu nội ông Hải) tử vong tại bệnh viện.

Khi nếp nhà không còn, tình cảm gia đình sẽ mai một theo. Những bức xúc giữa các cá nhân bị tích tụ, dồn nén dẫn đến một kết cục bi thảm như trên là điều không khó dự đoán. Tuy nhiên, bức xúc đến mức truy sát tận cùng gia đình em trai đến cả cháu ruột mới 1 tuổi là điều vượt quá suy nghĩ của nhiều người. N

hiều nhà tâm lý học cho rằng, đây là biểu hiện của thói gia trưởng, ích kỷ, hẹp hòi được nuôi dưỡng trong một môi trường thiếu sự yêu thương đùm bọc, chia sẻ khó khăn gian khổ. Chính sự xa cách, hời hợt trong các mối quan hệ gia đình khiến cho tình yêu thương không có chỗ. Khi mâu thuẫn xảy ra, từ chửi bới cho đến hành hung nhau và án mạng xảy ra là điều được các chuyên gia lý giải.

Nếp nhà là một thứ quy ước vô hình không đong đo được. Chỉ đơn giản như giỗ chạp, lễ tết là những ngày anh chị em trong gia đình, dòng họ ngồi lại với nhau.

Thăm hỏi nhau để kết nối tình thân yêu trong gia đình. Gặp nhau, đến chơi với nhau và tụ họp đông đủ vào mỗi ngày lễ không chỉ là để cùng nhau ăn uống. Đây thực chất là sợi dây kết nối gia đình, anh em họ hàng.

Có ngồi lại với nhau, trò chuyện mới hiểu và thông cảm, chia sẻ với nhau vui buồn trong cuộc sống. Thường là ở những gia đình giữ được nếp nhà thì hiếm khi có những xung đột nặng nề giữa các anh em. Lý do rất đơn giản, họ yêu thương và đồng cảm nên sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với nhau.

Giáo dục trẻ giữ nếp nhà

Xã hội hiện đại, sợi dây gắn kết gia đình ngày càng lỏng lẻo. Nhiều gia đình, cha mẹ lao động vất vả mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng đến khi trưởng thành, không ít bạn trẻ hình thành thói quen hưởng thụ, chỉ biết đòi hỏi, dửng dưng trước những bươn chải mưu sinh vất vả của cha mẹ.

Nhiều phụ huynh có con lớn than thở: Bé thì lo cho con ăn học, lớn thì lo việc làm, giờ nó trưởng thành thì có nghe lời mình đâu.

Thật buồn hơn nữa là con cái ngày càng thờ ơ với các mối quan hệ gia đình. Ngày đi làm, về đến nhà là lên phòng riêng chốt cửa, lướt mạng, hẹn hò tụ tập bạn bè. Đến bữa cơm gọi mới xuống, ngon thì ăn, không ngon lại lên phòng nằm, không thì “alo” gọi bạn đi ăn uống bên ngoài.

Những thói quen xấu xí này là do những bạn trẻ đó một thời gian dài được ông bà, bố mẹ chiều chuộng, đáp ứng vô điều kiện. Từ đó hình thành thói quen hưởng thụ, sống rất ích kỷ và vô cảm với những người xung quanh.

Nhiều gia đình ở ngoại tỉnh về sinh sống ở Hà Nội cho biết: Đang cố gắng giữ nếp nhà bằng cách những ngày nghỉ, lễ Tết đưa con về thăm quê nội, ngoại. Tuy nhiên, các cháu quen với thành thị rồi nên chán không khí tẻ nhạt ở quê, chỉ ở hôm trước hôm sau là đòi bố mẹ cho lên Hà Nội.

Câu chuyện dở khóc, dở cười của một ông bố khi đưa con về quê với vườn cây trái xanh tươi và ao ăm ắp cá. Hỏi con, vườn nhà ông bà cây xanh mát rượi, mít, xoài, ổi, nhãn tha hồ ăn. Cậu trai buông câu trả lời như gáo nước lạnh: “Ui, Hà Nội siêu thị thiếu gì; điều hòa nhiệt độ mát lạnh lựa chọn thích hơn!”.

Nếp nhà là thứ mà cần phải giáo dục trẻ từ lúc chập chững bước đi. Người xưa nói “Dạy con từ thuở còn thơ” thực sự có ý nghĩa giáo huấn sâu sắc.

Một đứa trẻ được giáo dục trong một gia đình để các cháu đồng cảm, sẻ chia và hiếu thảo với ông bà cha mẹ là điều ưu tiên đầu tiên. Sau đó là cách dạy con biết và yêu lao động. Khi con trẻ hiểu được những giá trị của lao động, chúng sẽ biết quý trọng, biết ơn cha mẹ đã vất vả, hết lòng vì các con.

Thứ nữa, truyền thống gia đình là điều kiện tiên quyết hình thành tình cảm xã hội của đứa trẻ đó. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, biết sẻ chia gánh vác những lo toan trong cuộc sống với nhau. Cùng động viên khích lệ dìu dắt nhau để đi đến thành công. Những gia đình giữ được nếp nhà đó sẽ là nền tảng xây dựng một xã hội văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ