(GD&TĐ) - Ở miền ven biển xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có một gia đình không chỉ nổi tiếng... nghèo mà còn được biết đến nhiều bởi những người trong gia đình này có hình dáng “khổng lồ” khác thường.
Từng được công tử bạc liêu “để ý”
Bà Trần Thị Láng |
Về miền ven biển Bạc Liêu, hỏi đến nhà của bà Trần Thị Láng (62 tuổi, ngụ ấp 12) thì hầu như ai cũng biết, bởi gia đình bà Láng được mệnh danh là gia đình “khổng lồ” ở xứ này.
Những ai lần đầu tiên gặp bà Láng sẽ không khỏi giật mình vì độ cao khác thường cũng như “dung nhan” của bà. Đó là một người phụ nữ to lớn, cao trên 2m, có khuôn mặt khắc khổ với đôi mắt xếch, mũi tẹt, giọng nói như “sấm”.
Theo bà Láng cho biết, khi mới sinh ra bà đã có hình dáng khác người nhưng bà chẳng biết tại sao như thế cũng như không rành lắm gốc gác của mình. Bà chỉ biết rằng bà sinh ra và lớn lên rồi lấy chồng sinh con ở vùng ven biển này từ hàng chục năm nay. Những người họ hàng của bà, bà chỉ còn biết đến một người em trai cũng cao lớn như bà mà thôi, còn những người khác thì biệt tăm tích. Bà Láng kể, bà có đến 8 anh chị em, ai cũng cao lớn khác người thường, dù bà cao trên 2m nhưng lại được cho là “nhỏ” nhất nhà.
Có một câu chuyện khá thú vị mà bà Láng kể cho chúng tôi nghe liên quan đến chiều cao của dòng họ bà, đó là Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy từng “để mắt” đến một người trong dòng họ của bà là ông Trần Là Hên - cha của bà. Theo bà Láng kể lại, hồi đó, khi biết được có một người “khổng lồ” sống ở quê mình, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã đích thân xuống tận nơi để xem cho tường tận.
Thấy ông Hên cao lớn hơn người bình thường (trên 2,2m) nên Công tử Bạc Liêu đã đưa ông này lên Sài Gòn tham gia một cuộc đấu xảo người “khổng lồ” trong một hội chợ. Ông Hên dự thi với những người “khổng lồ” khác mà chủ yếu là dân Tây.
Tuy nhiên, lần đấu xảo đó ông Hên thua cuộc. Theo bà Láng cho biết, do ông Hên sống lam lũ, thường xuyên phải khom người xuống để mò cua, bắt ốc nên dù ông cao lớn song thân hình không được thẳng như người ta mà có phần bị cong lại. Do đó, khi đứng trên sân khấu để đấu xảo với những người “khổng lồ” khác, ông Hên đứng không thẳng nên bị hạn chế phần nào chiều cao và bị thua thiệt.
Người đặc biệt, gia cảnh cũng đặc biệt
Bà Láng và con gái út (bìa phải) cao hơn rất nhiều so với chồng và mẹ của bà |
Sau câu chuyện thú vị kể trên, trò chuyện với chúng tôi, nét mặt bà Láng lộ ra sự khổ não thấy rõ khi bà nói đến cuộc sống của mình. Bà cho biết, bà sinh ra đúng “con nhà nghèo” nên cuộc sống lận đận quanh năm suốt tháng. Mới tí tuổi đầu, bà phải lặn lội mưu sinh, kiếm cái ăn, cái mặc hàng ngày. Cuộc sống hồi đó chỉ biết thui thủi vì thời con gái cũng mặc cảm với thân hình to lớn của mình nên ít tiếp xúc với ai.
Đến khi mười mấy đôi mươi, bà may mắn được người quen mai mối xe duyên cho một anh chàng cũng nghèo như bà, chỉ mỗi cái là anh này cao có 1,6m, thấp hơn bà đến 40cm. Thế là bà Láng và ông Lê Văn Sụa cũng nên vợ nên chồng, dựng mái lá ở ven biển làm nơi che mưa nắng cùng nhau làm mướn mưu sinh. Ở với nhau, bà Láng sinh cho ông Sụa đến 8 người con, 4 trai, 4 gái. Khổ nổi lại có 4 người “khổng lồ” giống mẹ, 4 người “tí hon” giống cha.
Bà Láng kể lại, hồi mới sinh đứa con gái đầu lòng, bà đặt tên Lê Thị Ánh Vàng, cô gái này lớn lên bình thường nên vợ chồng bà hết sức mừng. Vậy mà đến đứa con gái thứ hai, bà đặt tên Lê Thị Ánh Hồng lại giống mẹ.
Bà Láng cho biết, lúc đó người ta cũng nói này nói nọ dữ lắm nên bà cho người khác nuôi. Nào ngờ mới được mấy tuổi thì bé Ánh Hồng bỏ nhà cha mẹ nuôi về ở với cha mẹ ruột trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Rồi bà sinh tiếp đứa con gái thứ ba, đặt tên Lê Thị Ánh Đại, bé Đại bình thường như con gái đầu. Sau đó, hai đứa con trai theo nhau ra đời, bà đặt tên Lê Văn Lắm và Lê Văn Lem, hai người con này giống bà Láng.
Rồi bà sinh tiếp hai người con trai lại giống cha nên đặt tên Lê Văn Sáu, Lê Văn Bảy và thêm đứa con gái út giống mẹ tên Lê Thị Tám. “Nhớ lại thời đó, mới sinh con ra chừng 20 ngày, tui đã phải đi làm rồi, làm đủ thứ việc thì mới có tiền nuôi con, chứ hồi đó khổ dữ lắm”, bà Láng bùi ngùi kể lại.
Những người con của bà Láng hầu như không ai được học hành gì. Mấy người con gái đầu rồi cũng lấy chồng. Trong đó có chị Ánh Hồng cao lớn giống mẹ được người ta mai mối ở tận Cà Mau. Một đứa con gái của chị này cũng “khổng lồ” giống mẹ và bà ngoại. Còn 4 người con trai đã trưởng thành nhưng chưa có ai lấy vợ.
Các con trai của bà cũng chẳng khi nào nhắc đến chuyện này bởi quá nghèo. Từng có một câu chuyện cứ như trong phim ảnh, số là anh Lê Văn Lem (con trai thứ năm của bà Láng) đi làm thuê làm mướn ở miệt vùng Vĩnh Hưng có yêu một cô gái ở chỗ làm. Nhà cô này thấy anh Lem to khỏe làm được nhiều việc nên cũng có ý muốn cho anh làm rễ.
Nghe con về báo tin, bà Láng mừng khôn xiết, liền đi vay mượn tiền để mua lễ vật sang hỏi cưới. Thế nhưng, khi gia đình bà Láng mang lễ sang hỏi thì gia đình nhà gái lại từ chối bởi lúc này mới biết nhà anh Lem đã nghèo mà còn thêm khác người thường.
Một người con trai “khổng lồ” khác của bà Láng là anh Lê Văn Lắm cũng lận đận, lao đao. Hồi đó, anh Lắm rất siêng năng, làm được nhiều việc phụ giúp gia đình kiếm cơm, kiếm áo, nhưng anh Lắm tính tình lại bất thường nên thường hay bỏ nhà đi. Một lần có đoàn hát về hát ở gần nhà, không hiểu chuyện gì xảy ra mà anh Lắm tại bỏ theo đoàn gánh hát lên tận Cần Thơ.
Tại đây, với thân hình khác thường của mình, anh Lắm làm quản trò đã thu hút rất đông khán giả đến xem, giúp cho chủ gánh hát kiếm được bộn tiền. Nhưng rồi một lần anh bị khán giả chế giễu là người không bình thường nên tự ái giận dỗi bỏ gánh hát, lội bộ từ Cần Thơ về đến nhà ở Bạc Liêu mất cả tháng trời.
Từ ngày đó, anh Lắm thường hay đi lang thang hết chỗ này, chỗ kia. Lúc đói, người ta thương tình thì cho ăn, không cho thì nhịn. Mấy lần gia đình bà Láng phải đến tận nơi để đưa về nhưng rồi được mấy ngày, anh Lắm cũng bỏ đi tiếp. Bà Láng cho biết, việc bỏ đi của anh Lắm riết rồi gia đình cũng quen nên giờ cũng không lo nữa. Còn cô con gái út Lê Thị Tám (23 tuổi) giống bà Láng cao cũng trên 2m lại trầm tính, chỉ quanh quẩn ở nhà chứ ít khi ra ngoài. Bà Láng cho biết, con gái của bà bị mặc cảm vẻ ngoài của mình nên ít nói chuyện với ai.
Cuộc sống mưu sinh của gia đình “khổng lồ” này rất khó khăn, nếu không nói là quá túng bấn. Bà Láng cho biết, nói đến cái ở cũng đã khó bởi căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình nằm phía dưới con đê quốc phòng, mấy năm nay chính quyền địa phương yêu cầu di dời nhưng cái nghèo đeo bám, bà Láng chưa biết đi đâu cứ đành phải ở tạm đến nay. Rồi đến cái ăn phụ thuộc vào mò cua bắt ốc, ai mướn gì làm đó nhưng không phải lúc nào cũng có việc.
Trong khi đó, mấy người con “khổng lồ” của bà ăn nhiều, lúc đói, lúc no nên thường bị bệnh tật liên miên. Bản thân bà Láng thì bị bệnh đau nhức, ai thương cho tiền thì mua thuốc, không có thì nhịn, chịu đau. Với cuộc sống tiếp diễn như thế này, không biết gia đình “khổng lồ” ở vùng ven biển Bạc Liêu này bao giờ mới thoát khỏi cái nghèo khi mà miếng ăn, chỗ ở của họ còn chưa biết ngày mai ra sao.
Hồng Liên