Gia đình đơn thân: Dư luận dậy sóng từ phát ngôn của phụ huynh

GD&TĐ - Trong xã hội hiện đại, những gia đình đơn thân đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Trừ những hoàn cảnh đặc biệt như mất chồng, mất vợ, muốn có con vì quá lứa lỡ thì… thì phần lớn, các gia đình đơn thân đều bắt nguồn từ ly hôn. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta có thể đi lo hạnh phúc cho bản thân đã. Phải thật tốt mới lo được cho con mình. Khi người ta chưa hạnh phúc, không bao giờ con được hạnh phúc”.

Chỉ là sự vô tình?

Trong cuộc họp ban phụ huynh tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra mới đây, vị tân Hội trưởng Hội phụ huynh đã phát biểu như sau:

“Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con mình trước đã. Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ.

Hãy để người ta có thể đi lo hạnh phúc cho bản thân người ta đã, phải thật tốt thì mới lo được cho con mình và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con được hạnh phúc... những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia Ban phụ huynh.

Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban Giám hiệu ở đây xem xét về trích lục của bố mẹ, gia đình như thế nào thì hãy để trong Ban phụ huynh được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào”.

Điều đáng nói, người phát ngôn này lại cũng là một cô giáo dạy Ngữ văn, được đánh giá có chuyên môn tốt.

Hiển nhiên, những câu nói này đã khiến dư luận dậy sóng. Hầu hết các ý kiến đều chỉ trích, đánh giá cô giáo đã kỳ thị, thậm chí miệt thị những người cha, người mẹ đơn thân và những người có kinh tế không dư dả.

Ngay trong cuộc họp đó, đã có một phụ huynh đặt câu hỏi: Trẻ không đầy đủ bố mẹ ở cạnh có được đến trường không? Nếu con được đến trường thì sao phụ huynh của con có gia đình không hạnh phúc lại không được tham gia vào Ban phụ huynh lớp - trường?

Mặc dù sau đó, cô giáo này đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng cô không cố ý xúc phạm bất cứ phụ huynh nào. Do cô quá bức xúc trước cách làm việc của Hội phụ huynh nhiệm kỳ trước nên đã có phát ngôn gây hiểu lầm chứ không có ý định coi thường bất cứ phụ huynh hay làm tổn thương những học sinh kém may mắn.

Cô cho rằng “trong phát ngôn có thể không diễn đạt hết điều mình mong muốn là lựa chọn những người gương mẫu và làm tốt trọng trách của nhà trường”. Tuy nhiên, dường như lời xin lỗi này không thể dập tắt được những ý kiến chỉ trích.

Những ý kiến trái chiều

Bức xúc trước phát ngôn này, chị Hà Anh (Quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Tôi không phải là mẹ đơn thân, mà ngược lại, tôi có một gia đình đủ vợ đủ chồng với hai đứa con, nhưng nghe những câu nói đó, tôi không chấp nhận được.

Có thể cô giáo đó đang có một gia đình hạnh phúc đủ đầy, cô hiểu được giá trị của hạnh phúc nhưng không lẽ vì thế mà cô cho rằng mình có tư cách để miệt thị những người không đủ đầy như cô?”.

Theo chị Hà Anh, một người bình thường đều hiểu rằng, không ai muốn có một gia đình tan vỡ. Lựa chọn ly hôn là quyết định cuối cùng khi cuộc sống không như mong muốn và họ phải chấp nhận sự vất vả, thiếu hụt không chỉ tinh thần mà đôi khi cả về tiền bạc và sức khỏe.

Chị tâm sự: “Những ông bố, bà mẹ đơn thân thật sự rất dũng cảm, vì họ đã dám vượt qua cái gọi là “sĩ diện” của bản thân cho dù biết rằng sẽ phải đối mặt với một tương lai rất nhiều khó khăn, thậm chỉ rủi ro.

Nhưng mỗi người đều có một sự lựa chọn của riêng mình, miễn sao họ cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn ấy. Tôi nghĩ rằng không ai có quyền đứng trên người khác để nhận xét hay miệt thị sự lựa chọn của người khác, huống hồ người nói ra những câu đó lại là một cô giáo. Với suy nghĩ lệch lạc như vậy, cô sẽ dạy học sinh được gì?”.

Thầy Trịnh Hào, một giáo viên cấp 3 nghỉ hưu cũng cho rằng, một cô giáo có những lời nói, suy nghĩ như vậy thật sự cần phải xem xét lại tư cách nhà giáo. Không thể dựa vào lý do cô là một phụ huynh học sinh mà cho mình có quyền nói sao cũng được, vì cô là một giáo viên, nghĩa là cô không chỉ có kiến thức chuyên môn, cô còn có năng lực sư phạm, để dạy chữ, dạy người... là tấm gương để học sinh noi theo.

Tuy nhiên, có một cái nhìn khác về câu chuyện này, chị Ngọc Hà, một bà mẹ đơn thân đang làm trưởng ban phụ huynh học sinh trong lớp mầm non của con trai mình cho rằng, lời nói của cô giáo đó không hay chứ không thật sự sai. Vì rõ ràng, cha hoặc mẹ đơn thân là một gia đình khuyết thiếu cho trẻ và không phải cha mẹ đơn thân nào cũng đủ điều kiện mang lại cuộc sống hạnh phúc cho con sau khi ly hôn.

Vẫn có những trường hợp con cái bị mang ra làm “phương tiện” để người cha, người mẹ trút hận, xả tức, vì thế, nên nhìn nhận câu nói đó của cô giáo một cách tích cực hơn, đó là cha mẹ đơn thân cần ưu tiên thời gian, công sức, tiền bạc - cần gấp đôi - cho con cái, cho hạnh phúc của họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ