(GD&TĐ) - Những dấu hỏi xung quanh công tác điều hành giá bán điện, một lần nữa lại trở thành trọng tâm của buổi họp báo thường kỳ vừa diễn ra của Văn phòng Chính phủ. Chung quy, cũng xuất phát từ những lập lờ của cơ quan chủ quản, nhất là sự “cự tuyệt” với báo chí của lãnh đạo Bộ Công Thương trong buổi họp báo vào tháng 7/2013 (Báo GD&TĐ cũng đã có bài phản ánh).
Không tăng liên tục 2 lần trong 3 tháng
Thực tế giá điện bán lẻ trong nước đã chính thức được điều chỉnh tăng thêm 5% từ ngày 1/8. Non một tháng đã trôi qua, người dân vẫn chưa hết thắc mắc cơ quan chủ quản căn cứ vào đâu để đưa ra điều chỉnh này. Đặc biệt là ngay tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của Văn phòng Chính phủ (diễn ra ngay trước thời điểm Bộ Công Thương đồng ý cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN - điều chỉnh giá điện), thông tin về khả năng điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu này đã được các cơ quan thông tấn đặt ra. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khi đó cũng khẳng định mặt dù giá điện vẫn theo lộ trình tăng giá, nhưng EVN cần phải hỏi ý kiến người dân trước khi tăng. Chỉ một ngày sau, giá điện đã bất ngờ được công bố điều chỉnh mà không một lời giải thích thỏa đáng nào được đưa ra, cho đến tận thời điểm này.
Trước những thắc mắc đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết lộ trình điều chỉnh giá điện là chủ trương chung của Chính phủ và đã nhiều lần được khẳng định công khai. Theo Bộ trưởng, sau những thông tin dư luận về đợt tăng giá điện vừa qua, Bộ Công Thương đã thừa nhận việc tuyên truyền giải thích chưa làm tốt lắm, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam giải thích: Theo lộ trình, với quy định chặt chẽ, trong đó có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trường hợp nào được tăng, trong đó có 2 điều kiện quan trọng: Một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng. Thứ 2, mức tăng 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Tuy vậy, Bộ trưởng Đam cũng thừa nhận sự cần thiết phải tuyên truyền giải thích cụ thể - điều mà Bộ Công Thương đã không làm được trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua.
Tăng cường hỗ trợ các hộ nghèo trong sử dụng điện |
Tăng cường hỗ trợ hộ nghèo
Liên quan đến công tác điều hành giá điện, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2013, vừa diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập và quán triệt, chúng ta theo lộ trình, phải điều chỉnh dần. Nhưng đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo và cho các đối tượng chính sách, phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân.
“Tôi nhớ, hiện nay, nói số tròn là khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, 14% hộ tạm gọi là gần nghèo (không hẳn cận nghèo theo định nghĩa của Bộ LĐ TB&XH) tiêu thụ dưới 100 số điện. Chúng ta cũng có một phần, tổng cộng khoảng 6 - 7% là các đối tượng mà chúng ta hay gọi là nhà thầu điện ở địa phương (những thành phần kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, sau đó mua điện và bán điện cho dân, trong khi ngân sách nhà nước chưa có vốn đầu tư). Ở các KCN cũng như vậy, khu dân cư cũng như vậy. Và còn một đối tượng nữa là các trạm thủy nông. Những đối tượng này trong lần điều chỉnh vừa rồi là vẫn được bán dưới giá thành, hay nói cách khác là vẫn được bao cấp” – ông Đam cho biết.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Đam nhấn mạnh quan điểm chủ Chính phủ là đối với các hộ nghèo cần phải tiếp tục hỗ trợ. “Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất cả các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn, bao cấp ở đây là cho tiền mặt, ai không dùng hết thì giữ lại số tiền mặt. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ”, ông Đam nói.
Trước những lo ngại về khả năng từ sau năm 2015, nhiều địa phương có nguy cơ căng thẳng về nguồn điện, ông Vũ Đức Đam khẳng định không có điều đó, tuy nhiên, đến cuối 2017, 2018, vì một số dự án chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ ở phía Nam. Để tránh nguy cơ này, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đẩy mạnh đầu tư một số dự án theo đề nghị của Bộ Công Thương, để đảm bảo đến 2018, chúng ta sẽ tránh được thiếu điện cục bộ ở phía Nam. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã bàn, lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, bắt đầu xem xét điều chỉnh các quy hoạch dài hạn đến năm 2030. Như nói ở trên, an ninh năng lượng là rất quan trọng, nên Chính phủ không chỉ làm trong nhiệm kỳ, không chỉ làm 10 năm mà tính cả tới 20 - 30 năm. |
Lưu Nguyễn