Giá dầu lao dốc: Kẻ khóc, người cười

GD&TĐ - Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch cho tháng 2/2016 đã giảm xuống 1,11%, còn 36,47 USD/thùng, giá dầu thô WTI giảm 0,85%, còn 35,75 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2004. 

Giá dầu lao dốc: Kẻ khóc, người cười

Giá dầu lao dốc kéo theo sự sụp đổ của đồng tiền quốc gia Azerbaijan. Đồng rub của Nga đang cầm cự, nhưng một câu hỏi đặt ra rằng tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu?

Khi giá dầu không ngừng lao dốc

Năm 2016 đã cận kề, câu chuyện giá dầu lao dốc trở nên nóng hơn bao giờ hết. So với thời kỳ đỉnh cao (6/2014), khi mỗi thùng dầu thô bán được 115 USD, giờ đây giá dầu đã giảm tới 70%. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến giá dầu giảm?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, sản xuất đình trệ, thị trường tiêu thụ dầu lửa thu hẹp nhưng các nước sản xuất dầu lửa (OPEC) và Nga không chịu cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Giá dầu lao dốc là do vào ngày 4/12, tại một hội nghị ở Vienna, OPEC không những không cắt giảm hạn ngạch sản xuất dầu mà lại tăng lên tới mức cao nhất kể từ năm 2008. Ngoài ra, dầu được giao dịch bằng USD, do đó, khi lãi suất đồng USD tăng, giá dầu giảm. Thực tế trong nửa năm qua, giá dầu đã giảm tới gần 2 lần - Chuyên gia Vasili Oleynik từ “IT Invest” nhận định.

Sang năm 2016, giá dầu chắc chắn sẽ bi đát hơn. Đơn giản là sau khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận, Iran sẽ trở lại thị trường dầu mỏ với tư cách của nhà cung cấp hùng mạnh. Thứ nữa, hôm thứ Sáu tuần trước, Barack Obama vừa ký ngân sách cho năm 2016 với trị giá 1.100 tỷ USD. Để đảm bảo ngân sách, Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô có hiệu lực trong 40 năm qua. Ngoài ra, Mỹ đã tăng thêm 17 giàn khoan vào tuần trước, nâng tổng số giàn khoan của nước này lên 541 cũng là yếu tố làm giảm giá dầu.

Theo Goldman Sachs, việc các nhà cung cấp dầu lửa không giảm sản lượng khai thác có thể đưa giá dầu về mức 20 USD/thùng trong năm tới - Bloomberg đưa tin. Đây chỉ là một trong những kịch bản mà Goldman Sachs dự đoán, tuy nhiên, theo số đông các nhà phân tích, tương lai giá dầu là khá ảm đạm.

Và những hệ lụy khó tránh

Điều dễ hiểu rằng, giá dầu giảm mạnh khiến các nước nhập khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… được hưởng lợi. Tuy nhiên, một số nước có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu dầu lửa như Nga, Venezuela, Azerbaijan… sẽ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.

Trong bối cảnh giá dầu giảm tới mức “không thể cưỡng lại”, ngày 21/12, Ngân hàng Trung ương Azerbaijan buộc phải thả nổi đồng tiền quốc gia. Kết quả là đồng USD ở Azerbaijan ngay lập tức tăng tới 47,3%. Với một đất nước mà xuất khẩu dầu, khí chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu và tới 70% thu ngân sách của cả nước như Azerbaijan, khi giá dầu giảm mạnh, không rơi vào khủng hoảng mới là chuyện lạ.

Theo tờ “Vzglyad”, tỷ giá đồng manat của Azerbaijan ổn định kể từ đầu năm 2011 đến ngày 21/2/2015. Chỉ đến lúc đó, chính quyền Azerbaijan mới “thả lỏng, cho tăng từ 0,78 lên 1,05 manat/USD. Tuy nhiên, sau khi thả nổi vào ngày 21/12, giá 1 USD đã lên tới 1,55 manat. Theo các nhà phân tích, với tốc độ giá dầu lao dốc như hiện nay, trong tương lai gần tỷ giá đồng USD có thể lên tới 2 - 3 manat”.

Vào thời điểm hiện tại, Ngân hàng Trung ương Azerbaijan đã tạm thời đình chỉ chuyển tiền, nhiều dịch vụ trao đổi bị đóng cửa. Đất nước này đã bắt đầu rơi vào tình trạng hoảng loạn về tiền tệ và tất nhiên là lạm phát. Theo cổng thông tin Haqqin.az, nhiều cửa hàng quyết định dừng bán hàng nhập khẩu. “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giữ giá thực phẩm, dịch vụ công, giao thông vận tải để không mấy ảnh hưởng đến đời sống của người dân” - Đại biểu Quốc hội Azerbaijan Rufat Guliyev cho biết.

Tương lai nào cho đồng rub của Nga?

Vào thời điểm hiện tại, đồng rub của Nga đang giữ giá khoảng 71 rub/USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với giá dầu xuống dưới 37 USD/thùng, 1 USD phải có giá từ 100 - 105 rub. Chuyên gia kinh tế Anna Kokoreva khẳng định, rất có thể tỷ giá USD/rub phải điều chỉnh trước thềm năm mới. Venezuela vừa đề nghị các ông lớn trong lĩnh vực xuất khẩu dầu lửa phải nhanh chóng ngồi lại với nhau để có những “tác động tích cực” vào giá dầu. Tuy nhiên, đề nghị của Venezuela bị rơi vào quên lãng, bởi với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, các ông lớn ở vùng Vịnh vẫn “bình chân như vại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ