Găm phòng, nhích giá
Theo khảo sát của chúng tôi, cứ sau mỗi đợt nghỉ hè, giá phòng trọ đều nhích lên. Tùy vào diện tích và chất lượng phòng, giá cả cũng có sự chênh lệch.
Đơn cử tại các khu vực Trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế... những phòng, khu trọ gần trường học có giá từ 600 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, một phòng trọ diện tích từ 10m2 đến 12m2 hiện tại khoảng 750 nghìn đến 800 nghìn đồng/tháng (tăng 100 nghìn so với năm ngoái). Phòng khoảng 20 đến 23m2 năm ngoái có giá khoảng 900 nghìn đồng thì nay leo lên 1 triệu đồng.
Một số nơi ở gần bến xe, khu ký túc xá 579 của Cty Đức Mạnh, đường Nguyễn Công Hoan (P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ), đường Doãn Uẩn (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn), đường Hà Văn Tĩnh (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), Hà Huy Tập... giá phòng dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/phòng/tháng. Với mức giá khoảng 900 nghìn đồng, SV có thể ở ghép được 2-3 người.
Khi các tân SV nhập học cũng là dịp để nhà trọ “thổi” giá. |
Cùng với việc tăng giá thuê nhà, các chủ trọ cũng tăng giá điện từ 3.000đồng/chữ lên gần 4.000 đồng/chữ, tiền nước từ 30.000 đồng/tháng lên 40.000 đồng/tháng.
Nguyễn Thành Chung (SV năm 2- khoa Quản Trị- Kinh doanh Trường ĐHKT) cho biết: “Việc tăng giá không chỉ xảy ra đối với những ai mới thuê phòng lần đầu mà ngay cả với những SV năm 2, 3 như chúng em, nhưng mọi người cũng đều chịu đựng vì tìm được chỗ trọ bây giờ rất khó. Một số SV chậm trả tiền phòng bị chủ trọ đòi phòng để chuẩn bị cho mùa nhập học này”.
Theo chị Đặng Thị Bích Thủy, người dân khu vực đường Hàm Tử, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn: “Nắm được tâm lý nhiều tân SV muốn tìm chỗ gần trường học, có an ninh đảm bảo nên một số chủ trọ “găm” phòng chờ xem ai đặt cọc cao mới cho thuê”.
Lê Thanh An, tân SV Trường ĐH Kinh tế chia sẻ: “Sợ chủ trọ lên giá nên em nhờ người quen đặt cọc trước 600 nghìn đồng. Vậy mà khi em dọn đến thì chủ nhà lại nói do giá cả tăng nên tiền phòng tăng thêm 200 nghìn đồng. Nếu đồng ý thì làm hợp đồng, dù rất bực nhưng cũng phải thuê”.
Muốn rẻ thì ở xa, ở ghép
Từ khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn các ngành học thì đông đảo tân SV đã bắt đầu hành trình từ quê nhà ra Đà Nẵng để tìm phòng trọ với mong muốn tìm được một nơi an cư có giá thuê hợp lý, thuận tiện đi lại, có an ninh tốt... để mau chóng hòa nhập với môi trường mới.
Tuy nhiên, đối với những SV chân ướt chân ráo, điều này không phải đơn giản. Kiều Trinh, quê Phong Điền (TT-Huế), tân SV Trường ĐHSP Đà Nẵng bộc bạch: “Khi nghe tin trúng tuyển, hai mẹ con đã khăn gói vào Đà Nẵng để tìm phòng trọ. Nhưng đã hơn 2 tuần trôi qua, vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý. Những khu trọ sạch sẽ, gần trường học... hầu như đã “cháy” phòng, chỉ còn một số phòng lớn thì giá lại quá cao từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng”.
Nhiều Tân SV chọn cách ở ghép để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. |
Nhìn chung, vì giá phòng trọ gần trường khá đắt đỏ nên các SV đều chọn cách ở ghép, tuy không thoải mái nhưng tiền thuê, sinh hoạt phí cũng rẻ hơn, lúc đau ốm hay khó khăn có người giúp đỡ. Một số tìm đến các khu vực gần bến xe buýt, bệnh viện...
Ở đây, các khu trọ chất lượng khá tốt, nhưng bởi xa trường học, nên lượng người thuê không đông, giá cả sinh hoạt cũng khá phải chăng, phù hợp với SV ngoại tỉnh, giá từ 450.000-650.000đồng/phòng trọ 1 người, 1 triệu đồng/phòng/4 người...
Thanh Tuân (SV năm 4 ngành Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa) nêu kinh nghiệm: “Theo em, khi thuê phòng trọ điều cần chú ý là giá cả, chất lượng phòng, gần chợ, bệnh viện...
Việc ký kết hợp đồng giữa SV và chủ trọ cần rõ ràng, cụ thể. Cần lưu ý về các điều khoản như giá phòng, điện, nước, Internet... và hỏi một số người thuê xung quanh về an ninh tại chỗ trọ mình tránh tiền mất tật mang.
Với tân SV, để an tâm thuê trọ được chỗ tốt nhất, nên hỏi thăm kỹ và nhờ người quen sống ở thành phố hay anh chị SV trong trường đi cùng...