Giá BĐS của Hà Nội tăng do nhiều nguyên nhân

Giá BĐS của Hà Nội tăng do nhiều nguyên nhân

Giá BĐS tăng từ 30 – 40%

Theo Báo cáo, thị trường BĐS tại Hà Nội trong một vài năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Cùng với sự biến động của các thị trường có liên quan như thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường BĐS có sự sụt giảm mạnh từ nửa cuối năm 2008, đến hết quý I/2009 thị trường BĐS vẫn ở trong tình trạng đóng băng. Sang quý II/2009 thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục trở lại, tới quý III/2009, tại khu vực Hà Nội, có sự tăng giá mạnh ở tất cả các mảng thị trường nhà ở, giá nhà, đất liên tục được điều chỉnh và tăng khoảng từ 15 - 20% so với quý II/2009. Đặc biệt, sang nửa cuối quý I và đầu quý II/2010 giá cả BĐS được đẩy lên cao, tăng bình quân 30%, có khu vực tăng hơn 40% so với quý IV/2009.

Báo cáo dựa trên 4 kênh thông tin: từ các sàn giao dịch BĐS; làm việc trực tiếp với UBND 5 huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh và Thường Tín; Báo cáo của Cục Thuế Hà Nội về thuế BĐS 5 tháng đầu năm 2010; Kết quả công tác của đoàn kiểm tra liên ngành (Văn phòng Chính phủ và các bộ: Xây dựng, Công an, TN-MT và UBND TP. Hà Nội) về đầu tư, kinh doanh tại các khu đô thị mới trên địa bàn.

Biến động về lượng giao dịch và việc tăng giá có sự không đồng đều giữa các khu vực. Khu vực phía Tây, giá BĐS tăng đều đặn từ trước khi có quyết định sáp nhập Thủ đô Hà Nội cho đến nay, trong khi tại các khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Đông chỉ mới tăng trở lại từ đầu quý I/2010. Đặc biệt, lượng giao dịch và giá chuyển nhượng được chào bán trên thị trường tự do các loại đất thổ cư, đất cây lâu năm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại nhiều địa bàn của Hà Nội, trong đó có các địa điểm đang được xem xét quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tăng mạnh trong quý I và đầu quý II/2010.

Giá BĐS của Hà Nội tăng do nhiều nguyên nhân ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm tới quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo khảo sát, giao dịch chủ yếu là việc mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau (có những mảnh đất trong một thời gian ngắn đã thực hiện giao dịch nhiều lần). Số thuế thu được từ chuyển nhượng BĐS tại khu vực ngoại thành không lớn. Theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2010, số thuế thu được tại 4 huyện Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì, Thạch Thất là 7,655 tỷ đồng.

Giá tăng cao bởi nhiều nguyên do

Về nguyên nhân của sự biến động này, Báo cáo cho rằng, trước hết đó là nhu cầu về BĐS nhà ở, các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ thương mại, công trình văn phòng, khách sạn… tại Hà Nội là rất lớn, trong khi đó nguồn cung của thị trường không đủ đáp ứng, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở. Trong khoảng 2 năm trở lại đây có ít khu đô thị mới quy mô lớn được triển khai do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cung không đủ cầu dẫn đến giá BĐS tăng.

Đầu tư vào BĐS vẫn được cho là kênh đầu tư an toàn, có lợi nhuận cao, trong khi các kênh đầu tư khác như đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng bị hạn chế hoặc không ổn định, nhiều ngân hàng không nhận gửi tiết kiệm bằng vàng, vì vậy người dân dồn tiền để đầu tư BĐS.

Cung không đủ cầu dẫn đến giá BĐS tăng cao.
Cung không đủ cầu dẫn đến giá BĐS tăng cao.

Việc triển lãm lấy ý kiến rộng rãi nhân dân theo quy định của pháp luật về quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở định hướng cơ bản của quy hoạch Thủ đô đã được hình thành. Đồng thời các công trình giao thông lớn xung quanh Thủ đô, kết nối trung tâm Thành phố với các vùng xung quanh đã và đang được triển khai mạnh mẽ, thuận lợi cho việc đi lại, từ đó cũng góp phần để thị trường BĐS tại khu vực xa trung tâm thêm sôi động. Việc đầu cơ, kích giá ảo của giới đầu cơ, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân để đẩy giá BĐS lên cao.

Ngoài ra, có thể nói pháp luật về đất đai cho phép đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất vườn có một phần đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tham gia thị trường BĐS, được chuyển nhượng nhưng chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện chuyển nhượng làm cho các loại đất này được chuyển nhượng một cách dễ dàng, số lượng giao dịch nhiều hơn các loại đất nông nghiệp khác và gây khó khăn cho công tác quản lý.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ