(GD&TĐ) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 292,3 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, XK tôm sang thị trường này bắt đầu giảm trong tháng 1 và tiếp tục giảm sâu trong 5 tháng liên tiếp tính từ tháng 4.
Trong các mặt hàng tôm XK sang Mỹ, tôm sú vẫn là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam với tỷ trọng chiếm đến 56%. Điều đáng chú ý ở đây là từ đầu năm đến nay giá tôm tại thị trường này giảm tới 19% với giá tôm sú HSLO từ 7,4 USD/pao hồi đầu tháng 1 xuống 6,23 USD/pao cuối tháng 9/2012. Trong khi đó, giá tôm sú HSLO cỡ 16/20 của Việt Nam tại New York (Mỹ) lại tăng khi nằm ở mức giá 6,7 USD/pao vào giữa tháng 1 lên 6,85 USD/pao vào cuối tháng 8/2012.
Nếu tôm Việt Nam tiếp tục bán với giá cao, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó đạt như năm 2011. |
Mặt khác, khi so sánh với giá tôm của các nước cung cấp khác như Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia thì giá tôm Việt Nam thường cao hơn từ 10 - 18%. Theo số liệu thống kê, tôm cỡ 16/20 xuất xứ Việt Nam tại Mỹ có giá bán 6,85 USD/pao, trong khi giá tôm cùng cỡ từ Indonesia dao động từ 5 - 6,45 USD/pao và có xu hướng giảm. Tôm Ấn Độ cũng thường được bán với giá thấp hơn tôm Việt Nam. Ngày 31/8/2012, tôm sú HSLO cỡ 16/20 của Ấn Độ được bán với giá 5,8 USD/pao trong khi tôm cùng cỡ của Việt Nam có giá 6,85 USD/pao.
Theo Cơ quan Thống kê Mỹ, số liệu nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2012 trong nhóm 8 nước sản xuất tôm hàng đầu cung cấp 90% lượng tôm nhập khẩu của Mỹ thì lượng tôm nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh nhất với 22%, tiếp đến là Việt Nam giảm 2% và Trung Quốc giảm 1,1%. Lượng nhập khẩu từ các thị trường còn lại tăng, trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ và Mexico tăng mạnh với mức tăng lần lượt 54,3% và 37%.
Trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng đang thực hiện chính sách hạn chế chi tiêu thì tôm giá rẻ sẽ là lựa chọn ưu tiên đối với thị trường nhập khẩu bao hàm cả thị trường Mỹ. Thực tế cho thấy, nhờ giá tôm rẻ hơn các nhà cung cấp khác đã giúp Ấn Độ đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan hay Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu hạ giá bán trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam do giá thành sản xuất trong nước ngày càng tăng.
Lúc này cũng vậy, giá cả luôn là yếu tố cạnh tranh quan trọng, nhất là trong điều kiện khủng hoảng kinh tế giá sản phẩm trở thành yếu tố sống còn bởi phần lớn người tiêu dùng luôn nhìn vào giá để quyết định lựa chọn sản phẩm. Do đó, VASEP cho rằng nếu tôm Việt Nam không hạn được giá bán và có mức giá tương đối so với tôm của Indonesia hay Ấn Độ thì chắc chắn trong thời gian tới, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ sẽ còn giảm và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay khó có thể đạt con số 2,4 tỷ USD như năm 2011.
Thành Công