Quá tải diễn ra từ phòng khám, nhà vệ sinh đến phòng bệnh. Với người phải điều trị dài ngày, đây là nỗi khiếp sợ bởi đã bệnh, đã đau còn phải nằm co quắp một góc hoặc nhẹ hơn thì nằm đất, chui gầm giường nhường cho người bệnh nặng… khổ không có từ gì tả nổi.
Nằm chung cho… ấm
Mặc dù Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép và tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện; trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Bản thân nhiều bệnh viện cũng không dám ký cam kết thực hiện hoặc ký cho có phong trào.
Bệnh viện K, cơ sở 1 là điển hình cho tình trạng quá tải. 7 giờ sáng, số người xếp hàng chờ lấy số đã chật cứng. Tại phòng bệnh, tình trạng quá tải còn kinh khủng hơn. Phòng bệnh nhỏ hẹp, bí bách, nhìn vào toàn thấy người là người.
Bác Nguyễn Thị Huê (Nam Định) bị ung thư cổ tử cung, buồng trứng, mổ 4 ngày nhưng vẫn đau, chưa đi lại được nên vệ sinh cá nhân thực hiện tại chỗ được bệnh nhân khác nhường giường là trường hợp hy hữu tại đây. Những giường khác, 2 - 3 người/giường là điều bình thường.
Giường ít, người nhiều nên người khỏe hơn nhường cho người bệnh nặng, còn không nằm theo ca. Đến tối, các bệnh nhân đưa ra sáng kiến ghép giường để có nhiều chỗ nằm hơn.
Cũng theo bác Huê, có người mới vào, chưa quen kiểu nằm này nên đêm rơi bịch xuống đất là chuyện thường. Những lúc này, bệnh nhân chỉ biết an ủi nhau, nằm chung cho tình cảm, nằm chung cho…ấm.
Khảo sát mới đây của Bộ Y tế tại Viện Tim mạch quốc gia và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, quá tải, ghép giường trở thành vấn nạn. Tại Viện Tim mạch, dù đã có riêng khoa khám, điều trị theo yêu cầu nhưng để tăng thu nhập, lãnh đạo khoa, phòng và bệnh viện vẫn tận dụng triệt để phòng bệnh thông thường để kê thêm giường dịch vụ mặc cho tình trạng nằm ghép rất trầm trọng kéo dài nhiều năm qua.
Theo lãnh đạo viện này, viện có 273 giường thực kê trong đó giường dịch vụ chiếm hơn 1/2 (149 giường). Trước thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, giường kế hoạch chỉ có 124 giường bệnh, chưa đạt yêu cầu so với giường kế hoạch được giao là 150.
Lãnh đạo viện cần chấn chỉnh ngay bởi theo quy định chỉ sau khi hoàn thành tối thiểu giường kế hoạch (là khu vực phục vụ chủ yếu bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân thu nhập thấp) thì mới được bố trí thêm giường dịch vụ.
Tại khoa Thần kinh, Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng nằm ghép cũng diễn ra tương tự. Theo phản ánh của nhiều người, bệnh nhân bị tai biến được ghép với người bị co giật nên đạp phải người bên cạnh, bung cả dây truyền dịch.
Thậm chí có bệnh nhân nam còn nằm ghép với bệnh nhân nữ. Chật chội là vậy nhưng số giường dịch vụ ở khoa này vẫn chiếm tới 30% tổng số giường bệnh…
Quá tải do đâu
Trước tình trạng quá tải, lãnh đạo các bệnh viện đều cho rằng số giường thực kê luôn trong tình trạng không đủ để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, có 2.300 giường nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú/ngày. Viện Tim mạch quốc gia có 278 giường nhưng có thời điểm phải phục vụ cùng lúc 525 bệnh nhân.
Bệnh viện tuyến cuối đã vậy, bệnh viện tuyến tỉnh cũng không khá hơn. Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) có quy mô 570 giường bệnh nhưng vào thời điểm thời tiết diễn biến bất thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 700 - 800 bệnh nhân nhập viện, trong đó có tới 180 - 200 bệnh nhi.
Mùa đông còn đỡ chứ ngày nắng nóng, vào viện chăm sóc người ốm nhiều khi khiến người khỏe mạnh ốm thêm chứ nói gì đến người bệnh.
Để giải quyết tình trạng trên, nhiều bệnh viện sau khi điều trị ổn định đã chuyển bệnh nhân về đúng tuyến để điều trị tiếp hoặc cho ra viện sớm với trường hợp bệnh nhẹ để nhường chỗ cho bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân vẫn muốn ở lại thì phải chấp nhận nằm ghép…