GDP cả năm có khả năng đạt 6,5-6,8%

GDP cả năm có khả năng đạt 6,5-6,8%
 Ảnh: Chinhphu.vn
Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là một trong hai phiên họp thường kỳ Chính phủ quan trọng nhất của năm; là dịp Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá nửa chặng đường thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội 2010- năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2001-2010).

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất nhận định, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi khá nhanh và đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,16% (quý I tăng 5,83%, quý II tăng khoảng 6,40%); trong đó khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,31%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,5%; dịch vụ tăng 7,05%.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 242,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán năm, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009. Bội chi ngân sách nhà nước với luỹ kế 6 tháng đầu năm ước 30,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% mức bội chi cả năm.

Công tác huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển có một số chuyển biến tích cực. 6 tháng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 390,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2009.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009; trong khi đó tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2009. Vì vậy, ước nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu.

Về tín dụng, huy động vốn 6 tháng tăng 10,82%; trong đó bằng VND tăng 13,1%. Đáng chú ý, lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 so với tháng 5 chỉ tăng 0,22%- mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ 2004 trở lại đây.

Tuy nhiên so với tháng 12/2009, CPI tháng 6/2010 vẫn tăng 4,78%. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Các lĩnh vực văn hoá xã hội được quan tâm và phát triển tốt...

Đồng thời,  nền kinh tế nước ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn, đó là: nhập siêu vẫn ở mức cao; giá trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng; lãi suất tín dụng còn cao; lạm phát vẫn tiềm ẩn khả năng tăng cao; tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Ngay từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, từ diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã kịp thời chủ động chuyển trọng tâm chỉ đạo, điều hành từ khôi phục đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát sang tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Từ những kết quả đạt được về kinh tế 6 tháng đầu năm, triển vọng phát triển kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo: tốc độ tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt 6,6-7%; quý IV sẽ đạt 7,1-7,5% và cả năm sẽ đạt khoảng 6,5-6,8%, đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội thông qua (GDP khoảng 6,5%).

Với nỗ lực, quyết tâm cao của các Bộ, ngành, địa phương, nền kinh tế nước ta vẫn có nhiều khả năng kiềm chế được mức tăng CPI khoảng 8% (tháng 12/2010 so với tháng 12/2009).

Kết luận phần thảo luận về kinh tế- xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương phải kiên định thực hiện mục tiêu là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ gắn liền với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua. Cùng với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2010, chúng ta phải chuẩn bị tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2011-2020).

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ động phòng chống thiên tai ( bão lụt, hạn hán), cháy rừng và dịch bệnh đối với người, cây trồng, vật nuôi. Thực hiện các biện pháp thiếu hụt nguồn điện hiện nay và trong những năm tới, trong đó huy động tối đa công suất các nhà máy điện, kể cả các nguồn điện nhỏ, sớm đưa các nhà máy điện xây dựng mới vào vận hành. Đẩy mạnh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; chủ động điều chuyển vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách.

Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các khoản chi ngân sách; đồng thời với thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát; trong đó kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xuất khẩu cùng với hạn chế nhập khẩu, giảm mạnh hơn nữa nhập siêu. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7(khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn gắn liền với xây dựng mô hình nông thôn mới. Chỉ đạo và tổ chức ́thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về an sinh xã hội đã ban hành.

Tích cực triển khai công tác CCHC với trọng tâm là hoàn thành giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng lưu ý, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền; trong đó phải chủ động thông tin, định hướng thông tin...

Cũng tại phiên họp, Chính phủ nghe và cho ý kiến về Dự án Luật Khiếu nại; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Đề án Kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cùng với một số nội dung quan trọng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ