Công tác tuyển sinh, phân luồng còn gặp khó khăn
Theo báo cáo của ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, công tác tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm học trước. Số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo TCCN trong năm 2015 là 143.135 học sinh, đạt 51% so với 280.640 tổng chỉ tiêu được xác định. Nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh TCCN trong năm 2015.
Về tỷ lệ số thí sinh nhập học, các trường TCCN: 79.984 học sinh, chiếm 56%; các trường CĐ: 54.764 học sinh, chiếm 38%; các trường ĐH: 6.082 học sinh, chiếm 4%; các cơ sở khác: 2.305 học sinh, chiếm 2%.
Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp đã được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt; công tác phân luồng đã cho thấy dấu hiệu tốt (số thí sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN là 30.907 học sinh, chiếm 22%, tăng hơn 10.000 so với năm 2014).
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác phân luồng học sinh sau THCS học tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng đúng mức; thiếu các chính sách, cơ chế và thiếu sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và địa phương để khuyến khích người học tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên kết quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp còn rất hạn chế.
Đại diện nhiều địa phương phát biểu tại hội nghị đều thể hiện những trăn trở trong công tác phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh TCCN.
Theo ông Thái Văn Tài – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk – Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2011 – 2020 xác định rõ phải đáp ứng 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Đây là chiến lược vĩ mô tốt, nhưng để thực hiện được cần chế tài mạnh hơn nữa.
“Hiện nay, tâm lý chuộng bằng cấp đã giảm đi nhiều, thể hiện rõ nhất ở kỳ thi THPT quốc gia 2016, tỷ lệ học sinh Đắk Lắk đăng ký thi cụm địa phương tăng lên rõ rệt. Điều đó chứng tỏ học sinh đã có sự phân luồng cho chính mình, ưu tiên cơ hội việc làm và cơ hội nuôi sống bản thân hơn. Đó là tín hiệu chuyển biến từ người dân. Nếu ta có chế tài mạnh hơn nữa, chắc chắn việc phân luồng sau TCCN sẽ có kết quả tốt” – ông Thái Văn Tài nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - cho rằng: Vấn đề nằm ở giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu có chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, thực hiện điều tiết ngay từ chỉ tiêu vào THPT và chỉ tiêu vào ĐH, CĐ sẽ thực hiện được phân luồng và tránh lãng phí trong đào tạo…
Tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng một mặt đề nghị cần kiên quyết thực hiện đến năm 2017, các trường ĐH không đào tạo TCCN, tiến tới dần giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN ở trường CĐ, một mặt nhấn mạnh cần có chính sách mạnh mẽ hơn với phân luồng. “Nếu không có quyết sách lớn, việc phân luồng của chúng ta sẽ dễ bị phá vỡ” – đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội |
Kiến nghị thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, với công tác quản lý nhà nước, năm học vừa qua đã cải thiện đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục chuyên nghiệp.
Sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương về báo cáo, đề xuất, tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các hoạt động giáo dục chuyên nghiệp đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề thống nhất trong quản lý được hầu hết các địa phương đặt ra, trong đó, đại diện của hai địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát biểu đầu tiên tại hội nghị đều nhấn mạnh cần đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Đồng tình với kiến nghị này, ông Ngô Văn Hợi – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh - chia sẻ: Việc quản lý trong các nhà trường, các cơ sở đào tạo TCCN ngày càng phức tạp hơn vì cơ sở không chỉ đào tạo TCCN mà đào tạo các cấp độ khác. Sự chồng chéo trong quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho các đơn vị. Đây là điểm cần phải được cải tiến trong thời gian tới.
“Trên thực tế, do chưa thống nhất về quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cả nước nên UBND huyện không biết giao phòng nào giúp mình theo dõi trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX. Đề nghị sớm có chỉ đạo thống nhất về quản lý với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX sau khi chuyển giao về cấp huyện” – ông Ngô Văn Hợi kiến nghị.
Nhấn mạnh giáo dục chuyên nghiệp hay giáo dục CĐ, ĐH, dạy nghề đều là giáo dục nghề nghiệp, ông Vũ Văn Trà – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - thể hiện quan điểm cần tránh xé lẻ mà nên hướng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục chuyên nghiệp về một đầu mối và Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý. Đây cũng là ý kiến, kiến nghị chung của các địa phương.
Giải pháp, phương hướng cho giáo dục chuyên nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Quan điểm của Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là cấp bậc học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh cần phải cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Đơn cử, một số chương trình được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực tổ chức Pháp ngữ hỗ trợ các trường nên được học tập, nhân rộng.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, người sử dụng lao động là không thể thiếu trong đào tạo TCCN.
Về vấn đề phân luồng, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện quy hoạch toàn hệ thống, cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Không thể buộc học sinh học TCCN, học nghề khi nếu muốn học THPT các cháu đều có chỗ học.
“Bộ GD&ĐT đang đặc biệt quan tâm đến quy hoạch và đây là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm cho Ngành mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt ra. Có như vậy mới xử lý được về cơ bản vấn đề phân luồng, cơ cấu nhân lực…” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, theo Thứ trưởng, hiện nay, khi xây dựng khung trình độ quốc gia, chúng ta sẽ bàn lại cơ cấu hệ thống, để làm sao hệ thống TCCN phát triển và đào tạo đúng lực lượng lao động có kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động hiện nay. Khi đó, tên bằng cấp không mang nhiều nội hàm về ý nghĩa giá trị
Trả lời vấn đề được quan tâm nhất tại hội nghị là quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định quan điểm: Cần thống nhất quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu không có sự thống nhất này, việc quy hoạch, điều tiết hệ thống giáo dục quốc dân để phân luồng, tạo cơ cấu nhân lực hài hòa theo yêu cầu phát triển đất nước sẽ khó thực hiện được. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, không nhầm lẫn giữa khái niệm quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản.
“Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức trình Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng về việc này và đang chờ ý kiến trả lời chính thức sau khi Chính phủ quyết định. Trước mắt, trong khi chờ đợi, việc quản lý vẫn tiến hành như cũ” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.
Đổi mới chương trình đào tạo, gắn chặt chẽ nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực; nâng cao hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý; rà soát quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch chung của ngành, địa phương; dự báo cơ hội việc làm; tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình...