GĐ quốc gia WB: Hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam có tiếng trên thế giới

Ông Ousmane Dione trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Ông Ousmane Dione trò chuyện cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Ông Ousmane Dione đưa ra đánh giá trên trong bài phát biểu tại Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học diễn ra tại Hà Nội cách đây ít lâu. Phát biểu này được WB đăng công khai trên website www.worldbank.org.

Ông Ousmane Dione cho biết: Ngân hàng Thế giới từ lâu đã tham gia vào quá trình phát triển ngành giáo dục Việt Nam, từ giữa những năm 1990.

"Chúng tôi đã tham gia hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục mầm non tới giáo dục phổ thông và các bậc cao hơn; từ xây dựng năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và năng lực giảng dạy tới đổi mới tiếp cận giáo dục công bằng và nâng cao chất lượng học tập tại tất cả các cấp.

Quá trình xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 là một ví dụ điển hình về mối quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam" - ông nói.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
 Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Theo ông Ousmane Dione, việc tham gia hỗ trợ của WB nhằm đạt 3 mục đích như sau:

Thứ nhất, nếu muốn tăng trưởng kinh tế trong tương lai thì Việt Nam buộc phải có một lực lượng lao động đông đảo hơn nữa có tay nghề và kỹ năng cao. Trên con đường tiến tới thịnh vượng vào năm 2035 Việt Nam cần phải không ngừng nâng cao năng suất một cách mạnh mẽ.

Kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035 gần đây cho thấy rằng trình độ phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam tương đương với Hàn Quốc trước đây 30 năm. Như Hàn Quốc đã từng đi trước 3 thập kỷ trước đây, Việt Nam hiện nay cần thực hiện một chương trình cải cách đầy tham vọng nhằm phát triển một lực lượng lao động có chất lượng cao và phát triển năng lực nghiên cứu và sáng tạo phù hợp với một nền kinh tế hiện đại và năng động.

Thứ hai, thành tích giáo dục phổ thông hiện nay chưa biến thành thành tích giáo dục bậc đại học và cao đẳng. Hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam có tiếng trên thế giới về thành tích cho ra kết quả công bằng và có chất lượng cao. Điểm số PISA 2015 cho thấy rằng học sinh lứa tuổi 15 tại Việt Nam đạt trình độ tương đương hoặc cao hơn trình độ trung bình học sinh các nước OECD.

Việt Nam có thể phát huy tốt số học sinh phổ thông đầy tài năng này nếu biết cách tạo cho các em cơ hội đào tạo đại học trong nước với chất lượng cao, ngành nghề phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.

Thứ ba, lợi ích mà giáo dục đại học mang lại rất lớn, rất đáng để đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy mảng đào tạo đại học hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng sinh viên tốt nghiệp đại học giành được cơ hội tốt nhất trên thị trường lao động nếu xét về lương, chất lượng việc làm và cơ hội được tuyển dụng vào làm trong khu vực chính thống.

Lợi nhuận của giáo dục bậc cao là 17% tại Việt Nam, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đó chính là lý do thuyết phục để Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào mảng này. Chúng ta cần xem xét đa dạng hóa nguồn đầu tư, cải thiện cơ chế phân bổ vốn nhằm phát triển giáo dục đại học bền vững hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn.

Thay mặt WB, ông Ousmane Dione khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ công cuộc thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học của Chính phủ.

“Chúng tôi sẽ sử dụng nguồn kiến thức, kinh nghiệm toàn cầu của mình và đóng góp thông qua công tác tư vấn chính sách và phân tích. Chúng tôi hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ thu hút được nhiều bên liên quan hơn nữa, kể cả trong Chính phủ như các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, các bộ liên quan khác và các đối tác bên ngoài trong đó có khu vực kinh tế tư nhân” - ông Ousmane Dione chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ