GD kỹ năng sống - nội dung quan trọng trong đổi mới chương trình GD phổ thông

Giờ hoạt động ngoại khóa cho các bé tại Trường Mầm non Việt - Anh (TP Vinh, Nghệ An)
Giờ hoạt động ngoại khóa cho các bé tại Trường Mầm non Việt - Anh (TP Vinh, Nghệ An)

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, ông Bùi Văn Linh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GDĐT; đồng chí Nguyễn Thái An, Phó Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS HCM.

Đặc biệt, Hội thảo quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia về giáo dục và đại diện lãnh đạo của các Sở GD&ĐT trong toàn quốc.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Bùi Văn Linh cho biết: Nền kinh tế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển xã hội nói chung, cho công tác giáo dục và đào tạo nói riêng.

Hội thảo thực trạng và giải pháp Giáo dục kỹ năng sống trong trường học
Hội thảo thực trạng và giải pháp Giáo dục kỹ năng sống trong trường học 

Tuy nhiên, các thông tin xấu độc trên Internet, mạng XH ngày càng nhiều đã tác động tiêu cực đến quá trình học tập, rèn luyện của HSSV; quá trình toàn cầu hoá đã đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực cần có những yêu cầu kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp khắt khe hơn...

Từ thực tế này, giáo dục kỹ năng sống là một trong những biện pháp quan trọng để tạo cho HSSV kỹ năng tự bảo vệ mình khi lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, làm việc tốt hơn, có khả năng xử lý hiệu quả, đúng đắn các tình huống căng thẳng, khó khăn trong học tập, cuộc sống...

Giáo dục kỹ năng sống còn là một nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện dần nhân cách cho HSSV.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch/ chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống trong các nhà trường.

Thông qua các nội dung giáo dục trên, một số kỹ năng sống đã được triển khai hiệu quả trong học sinh, sinh viên như: Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống, kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm;

Rèn luyện sức khoẻ và ý thức bảo vệ sức khoẻ, kỹ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích; Rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hoá, chung sống hoà bình, phòng ngừa bạo lực và các tai nạn xã hội....

Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị - Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo
 Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị - Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường vẫn còn một số hạn chế như: Đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông; chưa có sự liên thông giữa các bậc học, vì vậy việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy kỹ năng sống gặp khó khăn; hình thức tổ chức kỹ năng sống chưa phong phú linh hoạt, phương pháp hạn chế, chưa triển khai đồng đều ở các trường học, cấp học, kinh phí hạn chế....

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Đánh giá các kết quả đạt được, nhận diện khó khăn, đề xuất giải pháp cho giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, góp phần giáo dục toàn diện thế hệ trẻ trong các nhà trường, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và hội nhập quốc tế.

Đại biểu thuộc các Sở GD&ĐT, trường đại học, phổ thông cũng đã có nhiều tham luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể, linh hoạt, sáng tạo áp dụng cho từng đặc điểm trường học, đối tượng học sinh.

Đồng thời, để hoạt động giáo dục kỹ năng sống có hiệu quả, các đại biểu cũng cho rằng yếu tố cốt lõi nằm ở tính tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo, công chỉ đạo, quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức..., huy dộng kinh phí. 

Nội dung hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống phải hướng đến giá trị thực, ý nghĩa thực giúp học sinh, sinh viên xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ