GD Hàn Quốc: Quán triệt nguyên tắc bình đẳng

GD&TĐ - Ở Hàn Quốc, để vào học trường tư thục học sinh phải thi để cạnh tranh quyết liệt bởi chỉ tiêu ít mà nhu cầu người học quá cao. Không đỗ vào trường đại học sau tốt nghiệp phổ thông, thanh niên sẽ vào làm việc trong các nhà máy. Vì sức ép này, HS các lớp cuối cấp phổ thông có thể học đến 11 giờ mỗi ngày, nhiều hơn thời gian làm việc của bố mẹ.

Học sinh trung học Hàn Quốc
Học sinh trung học Hàn Quốc

Nguyên tắc phát triển sớm

Hàn Quốc, nguyên tắc phát triển sớm được ủng hộ khắp nơi, các trung tâm phát triển được thành lập, sách và đồ chơi dạy học dành cho trẻ nhỏ được bày bán nhan nhản. Để được phát triển sớm người Hàn Quốc không gửi con vào nhà trẻ, mà vào hài nhi viện, thậm chí khi đứa bé mới được 3 ngày tuổi. Ba năm đầu tiên, trẻ em sẽ tiếp thu các kỹ năng xã hội, chuẩn bị cho việc học tập, còn từ ba tuổi trở lên các em đã học đọc, viết, tính, học “các khoa học” và tiếng Anh.

Trẻ em Hàn Quốc vào học lớp 1 lúc 6 tuổi. Tuy nhiên, mong muốn tạo điều kiện tối đa cho con vào đại học của các bố mẹ bị nhà nước hạn chế. Ở Hàn Quốc, không có các trường phổ thông “mạnh” và “yếu”, cơ sở dạy học phải bình đẳng ở khắp mọi nơi. Để thực hiện nguyên tắc bình đẳng, giáo viên thường được chuyển từ trường này sang trường khác và nếu tỷ lệ học sinh vào đại học ở đâu đấy tăng lên thì một bộ phận giáo viên ngay lập tức được điều động tới giúp đỡ các đồng nghiệp ”yếu” hơn.

Ba năm học đầu tiên ở trường tiểu học do một giáo viên phụ trách. Giáo viên này có thể được trợ giúp bởi một “giáo viên - người máy”. Công nghệ thông tin ở đây phát triển hết sức mạnh mẽ. Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới đã phủ sóng Internet tốc độ cao ở tất cả các trường học, từ tiểu học tới đại học.

Trong sáu năm đầu của giai đoạn tiểu học, học sinh học tiếng Hàn và tiếng Anh (từ lớp ba), số học, giáo dục công dân kết hợp với lịch sử và địa lý, nhạc, phát triển thể chất - môn này được đặc biệt chú ý ngay từ hài nhi viện.

Người Hàn Quốc học tiếng Anh không dễ. Tiếng Anh bắt đầu được giảng dạy ở nhà trẻ, còn ở trường phổ thông, học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3 thay cho lớp 7 trước đây. Để con học tốt tiếng Anh, phụ huynh thường thuê thầy giáo nước ngoài dạy thêm hoặc gửi con vào học các trường tư chuyên dạy thêm cho HS về các môn khác nhau.

Những phụ huynh có điều kiện sẽ tìm cách gửi con vào học trường tư thay cho trường công. Mặc dù học phí khá cao, gần 130 USD/tháng (so với mức chi phí không đáng kể tại các trường công), các trường tư luôn luôn quá tải. Mấy năm trước đây, nhu cầu tăng lên đến mức sĩ số lớp học lên tới 90 học sinh/lớp, các em phải học 2 - 3 ca (trong khi ở trường phổ thông bình thường, mỗi lớp chỉ có 60 học sinh). Hiện nay, xuất hiện nhiều trường tư hơn, nhưng dù sao vẫn không đáp ứng nhu cầu.

Còn một đổi mới nữa trong thập niên gần đây là giáo viên không được trừng phạt thân thể học sinh. Trước năm 2000, giáo viên được đánh học sinh (bằng roi), thường là do hạnh kiểm xấu hay không làm bài tập về nhà. Giáo viên cũng có thể phạt bằng cách bắt cả lớp đứng dậy giơ tay lên vì khuyết điểm của một học sinh nào đấy. Ngoài ra, hiện nay việc chia lớp theo giới tính học sinh cũng đã được bãi bỏ.

Hệ thống 6-3-3

Một ngôi trường phổ thông ở Hàn Quốc
Một ngôi trường phổ thông ở Hàn Quốc

Sau 6 năm ở trường tiểu học, tất cả học sinh đều được vào học trường trung học bình thường tại nơi cư trú mà không phải thi. Có các trường học chuyên sâu các môn khác nhau, nhưng muốn vào học các trường này học sinh phải thi.

Giai đoạn trung học chia thành hai cấp: Ba năm bậc một bắt buộc đối với tất cả học sinh. Ba năm bậc hai dành cho những học sinh chuẩn bị học tiếp đại học.

Hàn Quốc có đến 99% học sinh có nhu cầu học bậc hai trung học. Còn xét về số lượng thí sinh dự thi đại học, Hàn Quốc nằm trong top 10 nước đứng đầu thế giới, thậm chí vượt cả Nhật Bản và Anh.

Nếu như ở tiểu học không có những yêu cầu đặc biệt về hạnh kiểm, học sinh không phải mặc đồng phục, thì ở trung học xuất hiện các nội quy về trang phục, đầu tóc, hình thức kỷ luật. Tiết học kéo dài 45 phút, mỗi tuần học 5 ngày, mỗi ngày học 6 tiết, ngoài ra, học sinh có thể học thêm tiết học số 0 và số 7.

Sau giờ học là bài tập về nhà và các lớp học thêm, vào thứ 7, học sinh tham gia các tổ, nhóm trong trường. Các lớp học thêm phổ biến nhất “để phát triển chung” ở Hàn Quốc là nhạc, vẽ, thư pháp và ba-lê.

Ngoài những môn học sẵn có từ thời tiểu học, danh mục các môn học được bổ sung thêm môn Lịch sử, Đạo đức, Công nghệ thông tin và một môn học đặc biệt là “Kinh tế gia đình”. Mặc dù, cũng như tiếng Anh, môn này đã được học sinh làm quen từ thời còn ở nhà trẻ.

Bậc hai của giáo dục trung học bắt đầu, theo cách nói của các bậc phụ huynh học sinh Hàn Quốc, bằng một “địa ngục thi cử”. Ngoài kết quả đánh giá hằng năm ở mỗi trường phổ thông, học sinh cần phải thường xuyên chứng minh khả năng học tập của mình, nếu không phải vào học các trường trung cấp kỹ thuật để lựa chọn các ngành thương mại, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp.

Tuy nhiên, các trường trung cấp kỹ thuật Hàn Quốc không chỉ giới hạn trong việc đào tạo nghề: Sau khi tốt nghiệp loại trường này, học sinh vẫn có quyền thi vào đại học, vì tại đây chương trình đại cương vẫn được giữ nguyên, chỉ thêm các môn chuyên ngành. Bên trong các trường phổ thông bình thường cũng có sự phân chia thành các ban khoa học tự nhiên và xã hội.

Ở bậc hai, học sinh cũng có thể chọn các trường theo chuyên môn hóa: Các trường khoa học tự nhiên, các trường chuyên ngoại ngữ, các trường nghệ thuật, hoặc là học ở trường bình thường vốn chiếm đại đa số.

Khi vào học, nhà trường tiến hành các cuộc thi và kiểm tra khác nhau, tuy nhiên tất cả những học sinh có nguyện vọng và chứng minh được quyền học tập bằng điểm số ở bậc học trước đều được tiếp nhận, còn việc kiểm tra chỉ nhằm mục đích xác định trình độ của học sinh.

Năm học ở tất cả các trường phổ thông và đại học Hàn Quốc được chia thành hai học kỳ: Từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 2 và từ tháng 3 đến giữa tháng 7 năm sau. Ở các lớp cuối của trường phổ thông, số tiết học phụ thuộc vào nhà trường: Dưới 6 tiết/ngày, nhưng đôi khi học sinh có thể ngồi lại đến tối. Ở Hàn Quốc, giáo dục là quan trọng và được học sinh, phụ huynh cũng như nhà nước hết sức quan tâm. Nếu như vào giữa thế kỷ XX, mức sống và đầu tư cho giáo dục của Hàn Quốc chỉ tương đương Afghanistan, thì hiện nay ở đây đã có người máy dạy học. Trong các trường đại học Hàn Quốc, có nhiều người nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới để tiếp thu kiến thức.

Ở Hàn Quốc, không có các trường phổ thông “mạnh” và “yếu”, cơ sở dạy học phải bình đẳng ở khắp mọi nơi. Để thực hiện nguyên tắc bình đẳng, giáo viên thường được chuyển từ trường này sang trường khác và nếu tỷ lệ học sinh vào đại học ở đâu đấy tăng lên thì một bộ phận giáo viên ngay lập tức được điều động tới giúp đỡ các đồng nghiệp “yếu” hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ