(GD&TĐ) - Trong 5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ngành GD-ĐT Lai Châu đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến tốt trong việc nâng cao phẩm chất nhà giáo và tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Ngành GD-ĐT Lai Châu dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã từng bước khởi sắc |
Nhiều thầy giáo, cô giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn bó, tâm huyết với nghề, vượt qua những khó khăn về điều kiện địa lý, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, những trở ngại về phong tục tập quán, ngôn ngữ đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh vận động từng học sinh đến trường.
Đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú, ngoài việc thực hiện công tác giảng dạy theo quy định các thầy cô giáo đã giành thời gian tham gia công tác quản lý học sinh bán trú, dạy các em kỹ năng sống, vệ sinh cá nhân, cách nấu ăn.
Cô Vũ Hồng Ánh, giáo viên ở huyện Sìn Hồ tâm sự: Thời gian đầu, cuộc sống thiếu thốn và nỗi nhớ nhà khiến nhiều lúc cô tưởng không trụ nổi. Nhưng vì lòng yêu nghề, yêu trẻ, thêm vào đó là sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp đã tạo động lực giúp cô yên tâm công tác, gắn bó với đất và người nơi đây.
Bà Tẩn Mí Khé, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Tình hình kinh tế xã hội Lai Châu còn nhiều khó khăn, trong đó có giao thông nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, các xã giáp ranh với biên giới, vào mùa mưa không đi lại được có khi ăn cá khô, lạc rang cả tuần, bằng tình yêu nghề, yêu học sinh các thầy cô đã bám trường, bám lớp dạy chữ cho các em.
Sau các kỳ nghỉ được về nhà, có thầy cô giáo không muốn trở lại nơi gian khổ. Nhưng nghĩ đến những ánh mắt trẻ thơ to tròn đang ước ao được học chữ lại hối thúc các thầy, cô khăn gói lên đường. Nhiều thầy cô đã giành trọn tuổi thanh xuân đem văn hóa, tri thức khoa học đến cho các em học sinh và nhân dân các dân tộc vùng cao.
Ngoài việc dạy chữ, với mong muốn chăm lo hơn đến các em học sinh, nhiều đơn vị trường học đã vận động các thầy cô giáo đóng góp tiền mua gạo, quyên góp quần áo, sách vở hỗ trợ các em học sinh bán trú có hoàn cảnh khó khăn.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành đã tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, từng bước đổi mới phương pháp dạy học.
Hiện nay, ngành GD-ĐT Lai Châu có 1592 thầy cô giáo tốt nghiệp các lớp CĐ, ĐH, trên đại học; 99,9% giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn; 99,5% giáo viên tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn; 94% giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn và trên chuẩn; 95% giáo viên THPT- GDTX đạt chuẩn và trên chuẩn.
Trong công tác giảng dạy các thầy cô giáo đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi các cấp. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, số học sinh đoạt huy chương các kỳ thi toàn quốc và khu vực như giải toán bằng máy tính cầm tay, toán tuổi thơ; học sinh thi đỗ các trường CĐ-ĐH hàng năm đều tăng.
Nhiều thầy cô đã tự học tiếng dân tộc để trò chuyện nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em để truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất. 100% đơn vị trường học đã triển khai thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tích cực cải tiến các phương pháp dạy học, quản lý giáo dục. Hầu hết các thầy cô đều soạn bài bằng máy vi tính, biết sử dụng mạng internet khai thác kiến thức, tham khảo tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn.
Thực hiện dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng dạy học theo đúng đối tượng vùng, miền đã đạt được kết quả cao. Các trường đã tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, các thầy cô giáo đã sáng tạo trong việc thiết kế giáo án, sử dụng và làm đồ dùng dạy học. Phương pháp đưa đồ dùng vào dạy học đã tạo sự hứng thú trong học sinh, giúp các em tiếp thu và hiểu bài ngay tại lớp, làm cho giờ học không nhàm chán, các em không bị áp lực mỗi khi tới trường.
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ viên chức Ngành GD-ĐT Lai Châu. Các thầy cô giáo luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục Lai Châu ngày càng phát triển.
L.A