GD chuyên nghiệp đối mặt với nhiều thách thức

GD chuyên nghiệp đối mặt với nhiều thách thức

Kỳ I: MỞ RỘNG QUY MÔ VÀ GẮN VỚI NHU CẦU XÃ HỘI

(GD&TĐ) - Từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã có nhiều cơ chế thuận lợi cho các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và hệ TCCN trong các trường ĐH, CĐ nhưng hệ thống các trường TCCN đã bộc lộ nhiều bất ổn cần sớm khắc phục.

Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng

Theo PGS TS Nguyễn Khang – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai hàng loạt chính sách phát triển giáo dục TCCN. Đó là việc mở rộng quy mô tuyển sinh, khuyến khích các cơ sở mở thêm ngành đào tạo mới, tuyển dụng thêm giáo viên, mở thêm trường TCCN, tổ chức tuyển sinh TCCN thông qua hình thức xét tuyển, đa dạng hóa các đối tượng tuyển sinh vào TCCN, cho phép một số cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đào tạo những ngành mà các trường TCCN trong khu vực không có khả năng đào tạo.

Bên cạnh đó phải kể đến đóng góp rất lớn của công tác xã hội hóa giáo dục. Có thể nói đây là chính sách quan trọng phát triển giáo dục TCCN do nguồn lực đầu tư cho TCCN rất hạn chế trong khi nhu cầu học tập của nhân dân ngày một tăng cao.

Để thực hiện chính sách này, Bộ GD&ĐT đã triển khai các giải pháp như đơn giản hoá các thủ tục thành lập trường TCCN trên cơ sở đảm bảo tiêu chí chất lượng và hiệu quả; khuyến khích thành lập trường TCCN ở các doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích xã hội hóa giáo dục, thực hiện công khai minh bạch về nguồn lực, tài chính giáo dục và mức chất lượng...

Song song với việc ở rộng quy mô thì việc quan tâm nâng cao  chất lượng  đào tạo cũng được chú trọng trong đó có việc chuẩn hóa chương trình đào tạo. Theo đánh giá chung của nhiều doanh nghiệp, hiện nay chương trình đào tạo cấp TCCN đang dần được chuẩn hóa theo yêu cầu của thị trường lao động.

Để thực hiện việc này, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo chuẩn hoá lại chương trình trước hết là xác định lại các mục tiêu đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra của học sinh tốt nghiệp TCCN theo các chuẩn tri thức, kỹ năng, thái độ và hành vi của học sinh tốt nghiệp.

Trên cơ sở đó xây dựng nội dung, định khung thời gian cho dạy lý thuyết và dạy thực hành (tăng nội dung dạy thực hành lên đến 70%), phương pháp dạy học, đo lường đánh giá và điều kiện về cơ sở vật chất để có thể tổ chức đào tạo đạt được mục tiêu đào tạo.

Giá trị của thực hành là thực tiễn nghề nghiệp với học sinh
Giá trị của thực hành là thực tiễn nghề nghiệp với học sinh
 

Gắn nhà trường với xã hội

"Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là một đòi hỏi thực tế. Nhà trường muốn tồn tại và lớn mạnh thì không thể tách rời khỏi doanh nghiệp, vì nhà trường phải đào tạo sao cho doanh nghiệp chấp nhận lao động qua đào tạo của mình" - Đây là khẳng định của TS Hoàng Ngọc Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp, Kinh tế kỹ thuật.

TS Trí hết sức tán đồng với chủ trương đào tạo gắn với doanh nghiệp và xã hội được Bộ GD&ĐT đưa ra và quan điểm này cũng đã được ông triển khai mạnh mẽ ở các trường thành viên của Hiệp hội. Theo ông, thời gian qua, một trong những nguyên nhân để các trường TCCN vượt qua khó khăn trong đào tạo chính là việc những trường này đào tạo được theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng.

Các nhà trường đã mạnh dạn chuyển đổi linh hoạt hình thức từ đào tạo cái mình cần sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Việc nhiều trường TCCN tư thục được hình thành và lớn mạnh cùng với các khu công nghiệp trên cả nước là minh chứng cho việc này. Rõ ràng, trong điều kiện làm giáo dục với nguồn lực hạn chế thì phương cách trên đã cho thấy hiệu quả cao. 

Và những thách thức nảy sinh 

Nhiều chuyên gia giáo dục đều có chung nhận định, các ưu tiên trong việc phát triển quy mô GDCN đã phần nào đem lại hiệu quả tích cực, người dân đã bước đầu có những chuyển biến trong nhận thức về bằng cấp, điều này thể hiện bằng việc các trường TCCN đã tạo được sức hút đối với xã hội.

Tuy nhiên, song song với việc mở rộng quy mô, phát triển hệ thống GDCN thì hệ thống các nhà trường ĐH, CĐ cũng lớn mạnh theo dẫn đến những mâu thuẫn giữa cung và cầu trong đào tạo bậc học này. Việc tìm ra lời giải cho bài toán cân đối giữa quy mô và nhu cầu nguồn nhân lực cho từng khu vực, từng địa phương, từng nhà trường là điều không đơn giản.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012 trên cả nước có hơn 590 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ TCCN, với trên 374.000 chỉ tiêu. Cũng trong năm 2012, đã có 449.626 thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN ở các cơ sở giáo dục (cao gấp 1,14 lần so với chỉ tiêu).

Kết quả xét tuyển có trên 359 nghìn thí sinh trúng tuyển vào TCCN (đạt 90,8%), song số thí sinh đến nhập học chỉ khoảng 60% (trong khi đó năm 2011 là trên 71%). Thực tế tuyển sinh TCCN năm 2012 cho thấy, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, thời gian tuyển sinh phải kéo dài nhưng hiệu quả thấp. Giảm 11% số người nhập học sau 1 năm là con số không lo lắng của nhiều trường. 

Theo TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), việc các trường tuyển sinh khó khăn, trở ngại chính là do những biến động của nền kinh tế, dẫn đến thị trường lao động chao đảo, không ổn định.

Ngoài ra, cũng còn có nguyên nhân là các trường TCCN chưa xây dựng được chương trình riêng, tạo sức hấp dẫn cho trường mình. Cùng với đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường TCCN với nhau và giữa các trường TCCN với tâm lý chung của xã hội khi vẫn lựa chọn hàng đầu là ĐH, CĐ. TS Phạm Như Nghệ cho rằng: Muốn vượt qua khó khăn đó thì cách tốt nhất là các trường phải khẳng định vị thế của mình bằng chính chất lượng đào tạo được doanh nghiệp tín nhiệm. 

Hiên Kiều

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.