(GD&TĐ) - Sáng nay 25/2, tại Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2011-2012 vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Giao ban lần thứ hai năm học 2011-2012 vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ |
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bằng việc thực tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả và sáng tạo các cuộc vận động và phong trào thi đua; thực hiện đề án chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang loại hình trường MN công lập và chuyển biên chế cho giáo viên MN. Đẩy mạnh triển khai, rà soát điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông theo hướng giảm tải phù hợp với mục tiêu giáo dục. Đồng thời, tăng cường các thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, giảm tỉ lệ học sinh yếu kém, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi. Nâng cao chất lượng thanh tra có chiều sâu các hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành ở các cấp học, cấp trình độ và tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra của các cơ sở GD&ĐT…
Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – Trưởng vùng thi đua cho biết: Với những kết quả đạt được của học kỳ 1 năm học 2011-2012 đã khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học kỳ I cũng như cả toàn năm học của ngành GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Cụ thể, ở bậc học MN các tỉnh trong khu vực đã tập trung củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục MN phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi tỉnh, từng vùng miền, tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ, đảm bảo các điều kiện cho bậc học MN phát triển bền vững, nhiều mô hình mới xuất hiện. Tiếp sau tỉnh Nghệ An thì các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã có chủ trương và lộ trình triển khai thực hiện chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang loại hình trường MN công lập và chuyển biên chế cho giáo viên MN.
Ở giáo dục tiểu học (TH), các tỉnh Bắc Trung bộ đã tập trung chỉ đạo việc quản lý dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá, xếp loại phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh TH. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở những nơi có điều kiện. Các tỉnh đều duy trì và phát triển dạy học 2 buổi/ngày. Chất lượng giáo dục TH đã có những bước phát triển mới và đặt nền móng vững chắc cho chất lượng giáo dục trung học. Hệ thống trường lớp đã mang tính ổn định, các trường chủ động được kế hoạch dạy học.
Trong thời gian vừa qua, 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nội dung hướng dẫn số 5358/BDGĐT-GDTrH, bởi vậy, cấp trung học đang trên đà có chuyển biến và tạo được những dấu ấn tích cực. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia được tăng lên nhiều hơn so với năm trước, đồng thời đã ổn định về quy mô phát triển trường. Theo đó, giáo dục thường xuyên đã được ngành GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ tập trung thực hiện có hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở có nhiều nhiệm vụ. Đối với giáo dục chuyên nghiệp các tỉnh đều hướng tới thực hiện tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các loại hình đào tạo, các hệ đào tạo và loại hình trường TCCN theo nhu cầu xã hội; thực hiện các giải pháp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học TCCN.
Đến nay, 100% trường học đã tham gia thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC", có khoảng 68% số trường tham gia thực hiện đầy đủ 5 nội dung. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng HS bỏ học, ngay từ đầu năm học, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức xã hội, hội cha mẹ HS và đề ra kế hoạch giúp đỡ HS thuộc đối tượng khó khăn có nguy cơ bỏ học. Bởi vậy, số lượng HS bỏ học đã được khắc phục, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng cao có nhiều chuyển biến tốt.
Bên cạnh những kết quả đó, GD&ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ đang gặp phải không ít khó khăn về CSVC, thiết bị trường học, nhất là thiếu diện tích đất xây dựng, thiếu phòng học bộ môn, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đời sống CBGV gặp nhiều khó khăn, chất lượng GD toàn diện của các cấp học, trình độ đào tạo chưa được đồng đều giữa các vùng miền. Mạng lưới trường lớp ở một số địa phương vẫn còn bất hợp lý, hệ thống trường, lớp bán trú dân nuôi ở các vùng khó, vùng đồng bào dân tộc phát triển chậm, công trình nhà ở cho GV miền núi còn thiếu thốn, lạc hậu…
Tại Hội nghị, các đại biểu đề xuất: Bộ GD&ĐT cần có văn bản gửi UBND các tỉnh để thực hiện thống nhất công tác phân cấp quản lý giáo dục trên toàn quốc căn cứ trên cơ sở Nghị định 115 của Chính phủ và Thông tư số 47. Sớm ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 để các Sở chủ động xây dựng phương án tổ chức thi; đề nghị tăng biên chế và số lượng phòng, ban trong cơ quan Sở, nhất là ở những tỉnh có dân số đông, địa bàn rộng, nhiều vùng miền trong tỉnh; cần có chính sách thu hút học sinh có học lực giỏi vào học các trường sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; ưu tiên kinh phí cho chương trinh mục tiêu ngành học MN; nên có chương mục tiêu quốc gia về phát triển CNTT; tiếp tục nghiên cứu và đề xuất chế độ thâm niên cho CBQLGD tại các phòng và sở GD&ĐT.
Theo đó, trong phần thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở cũng đã nêu ra nhiều ý kiến vướng mắc và trao đổi những kinh nghiệm thực hiện của đơn vị mình. Các đề xuất, kiến nghị nêu ra đã được đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT) giải đáp ngay tại Hội nghị; đồng thời, cung cấp thêm những thông tin mới trong quá trình triển khai hoạt động.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Với một vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả đạt được đã thể hiện được sự nỗ lực, quyết tâm của từng địa phương; đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, đề án mang lại hiệu quả cao, nhất là đề án chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang loại hình trường MN công lập, đồng thời sắp xếp lại và chuyển biên chế cho giáo viên MN.
Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm đến việc phát triển mạng lưới trường học, tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng hệ thống CSVC, tránh tình trạng quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ gây lãng phí. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại như, chất lượng GD giữa các vùng, đơn vị chưa đồng đều; kết quả của công tác phổ cập GD ở vùng núi, vùng dân tộc chưa vững chắc, nhiều vùng đồng bằng chưa đạt chuẩn phổ cập THCS; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dương còn cao hơn mức trung bình so với cả nước…
Thứ trưởng đề nghị, các Sở tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục để nâng cao và phát triển chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý giáo dục địa phương. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu kém, ngăn chặn và hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học. Siết chặt kỷ cương, nề nếp trường học, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS.
Đại Thắng