Kể từ những năm đầu tiên sau cuộc cách mạng Hồi giáo, Iran đã nỗ lực mở rộng GD bậc cao. Năm 1982, phát ngôn viên Quốc hội khi đó là ông Ayatollah Hashemi Rafsanjani đã công bố các kế hoạch thiết lập một trường ĐH mới có tên Azad với các chi nhánh có mặt ở khắp nơi ở Iran, bao gồm ở các làng quê.
ĐH Hồi giáo Azad là trường ĐH tuyển lượng SV lớn thứ ba trên thế giới và theo trang web của nhà trường, với hơn 400 chi nhánh ở Iran.
Ngôi trường này đã được xây dựng với một mục tiêu sẵn có. ĐH Azad không cung cấp GD miễn phí và có cách tuyển sinh không giống với các ĐH công khác.
Năm 1988, ĐH Payame Noor được thành lập. Ngôi trường này có các khóa học từ xa và bán thời gian. Trong những năm đầu mới thành lập, trường này hầu như chỉ tuyển viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, cuối cùng, trường cũng mở cửa tuyển thêm SV có nguồn gốc khác nhau và lần đầu tiên, họ tuyển SV mà không yêu cầu họ thi tuyển.
Trong những năm tiếp theo, số trường ĐH tư và trung tâm GD bậc cao tăng lên đã tạo sự tiếp cận dễ dàng hơn cho SV. Theo ông Rouhani, Chính phủ đã cố gắng để xóa bỏ hoàn toàn nỗi sợ của SV trong việc thi tuyển.
Việc tiếp cận dễ dàng hơn với GD ĐH đã khiến cho SV trở nên quan tâm hơn tới GD sau ĐH như các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ với hy vọng tìm được việc làm tốt hơn, địa vị xã hội cao hơn.
Số lượng không đi đôi với chất lượng
Ông Rouhani nói: “Tôi sẽ rất vui khi biết chúng ta có 40.000 nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Iran. Tuy nhiên, hãy nhìn vào các ĐH nổi tiếng trên thế giới và xem họ có bao nhiêu nghiên cứu sinh ở mỗi trường học này?”.
Theo các chuyên gia, tri thức khoa học nhân văn và khoa học xã hội đang ở tình trạng đáng buồn ở Iran. Ông Rouhani tin rằng những “giới hạn đỏ” chính trị đã ngăn cản SV và GV thể hiện ý kiến của mình một cách thẳng thắn là nguyên nhân phía sau vấn đề này.
Dựa trên những quy định của Bộ GD bậc cao, nhiều giáo sư và SV Iran được yêu cầu phải tạo ra và xuất bản các bài viết khoa học và nghiên cứu.
Trước khi có những quy định mới, luận án thạc sĩ được chấm không tới 20 điểm (tổng số điểm trong hệ thống của Iran) mà chỉ là 18, 2 điểm còn lại được chấm dựa trên các bài viết nghiên cứu khoa học của học viên.
Trong tín chỉ mà mỗi học viên cần để được theo học chương trình tiến sĩ cũng bao gồm các bài viết trên. Do đó, các tạp chí nghiên cứu khoa học đã thu phí khi xuất bản các bài viết này.
Kết quả là SV và giáo sư xuất bản các bài viết nhằm mục đích nhận được tín chỉ chứ không phải vì họ cho rằng xã hội cần đến chúng. Ông Rouhani cũng chỉ trích vấn đề này khi nói rằng tạo ra các bài viết mà không quan tâm xem chúng có ích hay không thì thật là vô giá trị.
Nhu cầu tạo ra bài viết để nhận điểm và tín chỉ khiến cho nhiều trung tâm đưa ra dịch vụ giúp SV, giáo sư viết các bài báo và luận án cho họ, thậm chí còn xuất bản luôn trên các tạp chí nghiên cứu khoa học.
Các bài viết, luận án này không phải là thứ duy nhất có thể mua được. Nhiều trường ĐH và trung tâm GD bậc cao tuyển sinh không cần thi tuyển nếu họ trả một khoản tiền.
Theo đó, không ít nơi, GD bậc cao trở thành một ngành kinh doanh kiếm tiền ở Iran. Trong nhiều trường hợp, các trường còn tạo áp lực cho giáo sư không được để SV thi trượt để họ có thể học tiếp và trả học phí.
Việc mua bán các bài viết, luận văn, tuyển sinh bằng tiền mà không cần thi cử, các trường ĐH xa rời mục đích và nhu cầu hàng ngày của xã hội đều cho thấy số lượng của các trường ĐH đã bị đánh đổi bằng sự suy giảm về chất lượng.