“Gậy ông đập lưng ông” vì sính ngoại

GD&TĐ - Người tiêu dùng “mê” hàng Nhật, Hàn tới độ thấy cửa hàng treo chữ “Japan”, “Korea”... là ào vào mua. Dù hàng chất lượng kém, giá rẻ, in tiếng Nhật, Hàn tràn bao bì sản phẩm và khéo léo in chữ “made in China” (nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc) nhỏ xíu, khó đọc, còn nội dung tiếng Việt trên sản phẩm mập mờ, khó hiểu.  

Một cửa hàng Minigood (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào dịp cuối tuần khá đông khách. Nhiều sản phẩm bán tại đây được nhân viên giới thiệu là sản xuất ở Trung Quốc nhưng công nghệ và thiết kế của công ty Hàn Quốc (ảnh: Thanh Tuấn)
Một cửa hàng Minigood (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào dịp cuối tuần khá đông khách. Nhiều sản phẩm bán tại đây được nhân viên giới thiệu là sản xuất ở Trung Quốc nhưng công nghệ và thiết kế của công ty Hàn Quốc (ảnh: Thanh Tuấn)

“Tiết kiệm” tiếng Việt cho dễ bán hàng?

Chị Nguyễn Ngọc Phương (ngõ Hòa Bình 6, Minh Khai, Hà Nội) cho chúng tôi xem chiếc quạt mini đang được nhiều trẻ em thành thị ở Việt Nam yêu thích (sử dụng khi đi chơi, đi học). “Người họ hàng mua tặng con trai mình nhân dịp Trung thu. Bác ấy nói quạt này mua ở cửa hàng lớn, hình như của Hàn Quốc”- chị Phương kể.

Quan sát chiếc quạt nhựa có kích thước nhỉnh hơn bàn tay người lớn một chút, chúng tôi thấy rõ bao bì đề giá “179.000 VND”. Toàn bộ phần bao bì được in tiếng Anh, một phần tiếng Hàn, còn tờ hướng dẫn sử dụng bên trong hộp đựng in tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Dòng chữ quen thuộc “Designed by Korea” (thiết kế bởi Hàn Quốc) lại xuất hiện, tương tự những sản phẩm bán ra từ những cửa hàng Hàn Quốc kiểu “Mumuso”, “Minigood” mà người tiêu dùng và cơ quan chức năng phản ánh trong thời gian qua.

Theo quan sát của chúng tôi tại cửa hàng Minigood và trên thực tế sản phẩm mà khách hàng đã mua, rõ rằng, sản phẩm của Minigood rất “tiết kiệm” in tiếng Việt để người tiêu dùng như chị Phương hiểu rõ chủng loại, cách sử dụng.

Bao bì in chủ yếu tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, chỉ có 1, 2 dòng tiếng Việt rất khiêm tốn giới thiệu tên sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ viết tắt khó hiểu (như đã nêu trong bài). (ảnh: Thanh Tuấn).
  • Bao bì in chủ yếu tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, chỉ có 1, 2 dòng tiếng Việt rất khiêm tốn giới thiệu tên sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ viết tắt khó hiểu (như đã nêu trong bài). (ảnh: Thanh Tuấn).

Với các sản phẩm tương tự chiếc quạt mini của con chị Phương (mà chúng tôi bắt gặp rất nhiều trong các cửa hàng “mang danh” Hàn Quốc như Minigood), hầu hết đều phủ bao bì bằng tiếng nước ngoài (Anh, Nhật, Hàn) và chỉ đề rất khiêm tốn dòng chữ tên sản phẩm bằng tiếng Việt trên tem dán phía sau bao bì. Ví dụ: “Quạt đầu gấu” bằng tiếng Việt. Còn thì ngay nguồn gốc sản phẩm cũng chỉ đề một dòng tiếng Việt duy nhất: “NK&PP: Công ty TNHH Minigood 132/56 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22.Q.Bình Thạch, TPHCM. XX:TQ”. Quả là kiểu ghi nhãn mác đánh đố những khách hàng.

Kết luật kiểm tra từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, Mumuso có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Mumuso sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty này không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Người tiêu dùngViệt quá dễ dãi?

Doanh nghiệp nếu có ý định đánh lận con đen (nhập nhằng nhãn mác, thông tin, in trên bao bì sản phẩm) thì cũng chỉ một thời gian sau là không qua mắt được người tiêu dùng tinh ý. Thực tế sau một thời gian rất hút khách, hệ thống những cửa hàng kiểu Mumuso, Minigood, Daiso… dù vẫn đề chữ Korea, Japan trên biển hiệu và sản phẩm, song nhiều khách hàng đến xem đã cân nhắc hơn quyết định mua hàng, hoặc nếu mua cũng chấp nhận chất lượng có thấp cũng đành.

Sau khi dạo quanh cửa hàng Minigood và Daiso, chị Quỳnh Anh (Hoàng Tích Trí, Hà Nội) quyết định không mua gì. Gặp chị tại cửa hàng Minigood khi chúng tôi đi tìm hiểu thông tin viết bài này, chị thẳng thắn nhận xét: “Rõ ràng ở đây toàn hàng sản xuất ở Trung Quốc. Tôi vẫn order hàng Hàn Quốc nội địa để dùng, từ mỹ phẩm đến đồ gia dụng đều có chất lượng và giá cả tốt hơn ở đây”.

Người tiêu dùng “thông thái” sẽ “quay lưng” với các sản phẩm nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ. (ảnh: An Nhiên)
  • Người tiêu dùng “thông thái” sẽ “quay lưng” với các sản phẩm nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ. (ảnh: An Nhiên)

Chỉ cho chúng tôi biển đề “giá chỉ từ 39.000 đồng” bên ngoài cửa hàng, chị Quỳnh Anh phân trần: “Đây bạn xem, không thể có một sản phẩm Hàn Quốc thứ thiệt giá vài trăm nghìn đồng lại có thể bán ở đây với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ vài chục nghìn. Khi cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, hay bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vào cuộc, điều tra, xác minh, xử lý các vi phạm, liệu những hình thức bán hàng nhập nhèm nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ liệu còn đất để tồn tại? Và nhất là những doanh nghiệp đặt doanh số và lợi ích lên quá cao so với quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bị người tiêu dùng tẩy chay, liệu họ có còn dễ dàng tiếp tục thu lợi nhuận từ thị trường Việt Nam, thu lợi từ người tiêu dùng Việt?

Kết luận của cơ quan chức năng cũng đã chỉ rõ Mumuso có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh). Quá trình kiểm tra cho thấy, việc công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; Giá chỉ từ 22.000; KOREA”; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc).

Công ty có chuỗi cửa hàng Mumuso cũng “có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu”- kết luận của cơ quan chức năng nêu rõ.

Một số người tiêu dùng tinh ý thấy rằng ở cửa hàng Daiso tại Việt Nam cũng có sản phẩm đề “made in Japan” hẳn hoi (bên cạnh phần lớn sản phẩm “made in China”. Tuy nhiên, với giá đổ đồng 40.000 đồng/sản phẩm (quy đổi khoảng 200 yên Nhật) thì những người đã trực tiếp mua đồ gia dụng nội địa tại Nhật sẽ hiểu rõ không thể đòi hỏi “hàng chất lượng” ở những sản phẩm như thế.

Ông Nguyễn Thanh Hải (Văn Cao, Hà Nội) có con trai đang học tập và làm việc tại Nhật Bản cho chúng tôi biết: “Tại Nhật Bản hàng nội địa rất đắt đỏ so với khả năng chi tiêu của phần đông người Việt. Con trai tôi dù sống trên đất Nhật nhưng vẫn phải hết sức tiết kiệm chi tiêu, mua sắm hàng tiêu dùng. Chỉ mua những gì thiết yếu thôi. Mỗi đợt cháu về thăm nhà là lại mua quần áo Việt Nam sản xuất, mang đi để dùng dần. Vào xem những cửa hàng bán đồ Nhật với giá “40.000 đ” một sản phẩm, tôi tin chắc không thể so sánh với chất lượng sản phẩm cùng loại đang được người Nhật dùng ở nước họ. Chung quy cũng tại người Việt quá dễ dãi, sính ngoại nhưng ham rẻ”.

Bài học hàng Trung Quốc chất lượng kém đội lốt hàng “made in Vietnam” đã hiển hiện trong tâm trí và sự cảnh giác của người tiêu dùng. Doanh nghiệp ngoại đừng để người tiêu dùng Việt vốn “dễ tính” rồi có lúc quay lưng lại với những cửa hàng đầy ắp tiếng ngoại, dù có làm đủ chiêu hút khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.