Gấu trúc Ai Hin, 6 tuổi, được nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu giống Thành Đô, tây nam Trung Quốc. Nó có dấu hiệu mang thai từ tháng trước, với các biểu hiện như di chuyển chậm hơn và thèm ăn.
Tuy nhiên, sau khi được đưa vào một căn phòng riêng có điều hòa và được chăm sóc cẩn thận hơn, hành vi và biển hiện sinh lý của Ai Hin bắt đầu trở lại bình thường. Kế hoạch chuẩn bị cho việc Ai Hin sinh con bị hủy bỏ khi nhóm nghiên cứu cho rằng nó đã giả mang thai.
"Trong thời gian mang thai, gấu trúc sẽ được ăn nhiều hơn, do đó một số con gấu trúc thông minh sẽ tận dụng lợi thế này để cải thiện cuộc sống hàng ngày", Telegraph dẫn lời chuyên gia Wu Kongju cho hay.
Nhóm nghiên cứu tin rằng Ai Hin đã có cảm giác được chú ý và chăm sóc chu đáo, trước khi nhân viên của trung tâm nhận ra nó không thực sự mang thai.
Theo Xinhua, nhiều con gấu trúc khác cũng có biểu hiện mang thai sau khi nhận thấy sự khác biệt trong cách đối xử và chăm sóc dành cho chúng.
Môi trường sống tự nhiên của gấu trúc là ở các dãy núi ở khu vực tây nam Trung Quốc. Số lượng loài và tỷ lệ sinh sản của chúng đang ngày càng giảm dần vì nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có sự thu hẹp về môi trường sống.
Trung Quốc hiện có khoảng 1.600 con gấu trúc sống trong tự nhiên và 300 cá thể trong môi trường nuôi nhốt.