Gặp thầy giáo làng luyện thi đỗ ĐH

Gặp thầy giáo làng luyện thi đỗ ĐH

(GD&TĐ) - Một thầy giáo chưa từng tốt nghiệp ĐH, nhưng hơn 10 năm qua có công dạy hơn 500 học sinh thi đỗ ĐH. Đây là chuyện lạ có thật tại Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Phương pháp dạy của thầy là năm sau không lấy lại chương trình của năm trước
Phương pháp dạy của thầy là năm sau không lấy lại chương trình của năm trước

Trò học, thầy cũng học

Lần theo đia chỉ mà ông Võ Công Hàm - Bí thư huyện ủy Đức Thọ giới thiệu tôi tìm về nhà thầy Phạm Thanh Hiền ở  thôn Tân Định (xã Đức Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh) trong một buổi chiều tháng bảy nắng nóng ở miền Trung.

Thời điểm nay, những học sinh của thầy Hiền đang bước vào kỳ thi đại học. Gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp, thầy Hiền đã thuyết phục được tôi từ cái nhìn đầu tiên. Bàn ghế vắng bóng học trò, nhìn lớp học vắng teo thầy cứ đi vào đi ra. Hôm nay các “sỹ tử của thầy” tiếp tục bước “lần thi đại học thứ 2”. Nôn nóng, hồi hộp, vui, buồn, nhớ học trò được hiện rõ trên cử chỉ và trên khuôn mặt của thầy giáo Phạm Thanh Hiền mà tôi cảm nhận được.

Qua tìm hiểu tôi khá bất ngờ biết một mình thầy có thể dạy giỏi cả 3 môn: Toán, Lý, Hóa. Hỏi thầy bí quyết để dạy tốt cả 3 môn khối A, thầy chia sẻ: “Tôi dạy củng cố kiến thức phổ thông, sau đó dạy cho học sinh cách làm cách giải từng loại đề thi. Tôi dạy năm sau không lấy lại chương trình của năm trước. Phương pháp này đã được tôi áp dụng được gần 10 năm nay

Thầy hướng dẫn học sinh làm từ dạng đề tự luận đến trắc nghiệm. Mỗi buổi học kéo dài 3 tiếng đồng hồ và được giải lao giữa giờ, mỗi học sinh  được nhận 100 câu hỏi: 50 câu thầy giải ngay tại lớp, 50 câu học sinh về nhà tự làm, giải đáp án vào buổi học hôm sau. Thầy cũng ra thêm các chương trình nâng cao khuyến khích cho các em học giỏi làm.

Muốn các em đậu đạt hàng ngày mình phải tranh thủ thời gian tìm hiểu trên intenet, sàng lọc lại, soạn giáo án phù hợp với từng năm. Quan điểm của mình là “Trò học thầy cũng học” - thầy Hiền nói.  

Hàng năm có khoảng 30 em học sinh nhà xa xin được đến ở trọ xung quanh nhà thầy để theo học. Các em đến từ nhiều vùng khác nhau: Hương Sơn, Vũ Quang, vùng biển Kỳ Anh, Nghi Xuân....và các ở các tỉnh lân cận như: Thanh  Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, được bà con xóm làng giúp đỡ nơi ăn chốn ở, gia đình yên tâm gửi con học.

Niềm vui thầm lặng

Thầy Lương Sỹ Tuấn - người quản lý lớp học - cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi chỉ nhận 80 -100 học sinh, đa phần là những thí sinh thi trượt đại học năm trước. Có những em có điểm thi đại học năm trước chỉ đạt 3 - 4 điểm.

Lúc đầu chúng tôi không dám nhận học trò vào học, nhưng phụ huynh tha thiết quá, từ chối không đành. Nhưng không phụ công thầy, các em đã chăm chỉ học, điểm số bài thi thử và bài thi thật ĐH của các em đạt 18 - 20 điểm. Những em mà chúng tôi lo lắng khi mới đến cũng đã xuất sắc bước vào giảng đường ĐH.”

Theo thầy Tuấn thống kê, một số học sinh có điểm thi đáng tự hào trong các kỳ thi ĐH sau 12 tháng học ôn luyện thi 3 môn do thầy Hiền dạy như: Em Dương Thị Huyền Trang (xã Trường Sơn) thi năm nhất chỉ được 13,5 điểm, thi năm thứ 2 đã đậu ĐH với 18 điểm; Em Phạn Văn Thắng (Đức Thọ) - hiện đang học Học viện Cảnh sát năm cuối - năm đầu thi 14 điểm, thi lại năm thứ 2 được 26 điểm. Đặc biệt, em Nguyễn Thị Kim Tuyến (Hương Sơn) năm thứ nhất 5,5 điểm, năm sau thi lại đỗ ĐH 18 điểm...

Qua điện thoại, em Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: Mấy năm trước, khi thi rớt đại học năm thứ nhất em đến học Thầy Hiền, tiếp thu được nhiều kiến thức so với năm trước học ôn tại trường. Thầy Hiền dạy rất cẩn thận, chia chúng em thành 3 nhóm: học sinh hơi yếu, khá và giỏi. Những bạn trong nhóm “hơi yếu” được thầy dạy phụ đạo miễn phí vào buổi phụ của lớp. Thầy nghiêm khắc trong giờ học, lịch học nghiêm túc, không có chuyện dùng điện thoại trong giờ học.

Gặp em Thái Thị Thu Huyền (ĐH Kinh tế Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) đang về nghỉ hè tại Đức Hòa, em nhận xét: “Năm trước bọn em học ở trường chưa đủ kiến thức nên nhiều bài em không làm được, năm vừa rồi học lớp thầy Hiền em đã được học đầy đủ kiến thức, được ôn luyện với nhiều đề thi, học xong em tự tin lắm. Qua quá trình dạy, thầy còn tư vấn cho bọn em nên học trường nào hợp với sức học và tính cách, hoàn cảnh gia đình. Năm đầu em thi chỉ được 15 điểm, năm ngoái thi lại lần 2 em được 18 điểm, đúng với ước mơ làm kinh tế của em,

Khóa vừa rồi, có 20 em đậu điểm cao trong đợt “thi thử đại học” tại trường Minh Khai, thầy Hiền đã bỏ tiền riêng thưởng động viên cho học trò trước khi lên đường đi thi ĐH. Thầy cũng hẹn, ngày 25/8, ai thi đỗ ĐH, CĐ hãy cùng về nhà thầy tổ chức liên hoan chúc mừng.

Intenet là nơi cho thầy cập nhật nhiều kiến thức mới để dạy luyện thi đại học đem lại kết quả cao
Intenet là nơi cho thầy cập nhật nhiều kiến thức mới để dạy luyện thi đại học đem lại kết quả cao

Dạy học vì cái tâm

Sinh ra trong một gia đình có 9 người con. Năm 1969, khi học hết cấp 2, thầy Phạm Thanh Hiền là 1 trong số 28 học sinh xuất sắc nhất từ Quảng Bình đến Hà Nội được tuyển chọn vào học Phổ thông chuyên Toán đóng tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An).

Năm 1973, thầy Hiền thi đậu vào khoa Vật lý của Trường ĐH Vinh. Theo học hơn 1 năm, thầy tình nguyện làm đơn đi bộ đội ở Bình Thuận rồi sang chiến trường Camphuchia.

Năm 1976, phục viên trở về quê hương, tưởng rằng khi hoàn thành nhiệm vụ quân sự trở về lại đi tiếp tục theo học ĐH Vinh nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến cho ước mơ học đại học của thầy Hiền lại một lần nữa không thể thực hiện được.

“Tôi là bộ đội phục viên trở về sống ở quê chứng kiến con em trong xã không có một ai theo nghiệp học, được học tử tế. Con trai con gái cứ học đến lớp 6 - 7 là bỏ học đi chăn trâu, chăn bò, thả diều, bắt chim, một số thì chơi bời lêu lổng hoặc lấy vợ lấy chồng chưa đủ 18 tuổi. Thất học nên cái nghèo, cái khổ từ thế hệ này qua thế hệ khác cứ bám riết lấy người dân quê tôi.

Nhiều đêm tôi trăn trở tự hỏi: Mình phải làm gì đây khi điều kiện gia đình khó khăn, cả xã lúc ấy lại không có phong trào học. Điểm lại trong thời gian 25 năm qua, quê tôi chỉ có một người học ĐH, điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều lắm" - Thầy Hiền nhớ lại.

Cho đến khi đứa con gái đầu bước vào  học chương trình lớp 10 cải cách, thầy Hiền đã quyết tâm học cùng con. Hằng ngày tất bật với công việc nuôi sống gia đình, tối về lại chăm chỉ ngồi vào bàn học cùng con gái, ôn tập lại kiến thức theo hệ cải cách để giảng dạy cho con gái mình cũng như con em trong vùng.

Sau thời gian hai bố con cùng học, lực học của cô con gái có sự chuyển biến rõ rệt. Từ một học sinh trung bình của lớp, năm đó con gái thầy Hiền thi đậu vào trường Đại Học Vinh với số điểm khá cao.

Người này kể với người kia, tiếng lành đồn xa, học trò tìm đến thầy ngày càng đông. Và để đón thêm các em, thầy lại tư đóng bàn ghế, dựng lớp học bằng tranh. Cách đây mấy năm, thầy Hiền mới có điều kiện làm được lớp học rộng rãi, ánh sáng, quạt cho các em ngồi học mát mẻ được như bây giờ.

Thầy Hiền cười bảo: Mình tuy chưa được học hết đại học nhưng mình luôn tâm niệm dạy học phải vì “cái tâm là chính. Đa số học sinh đến đây học đều thuộc diện thi trượt đại học, lại là con em gia đình nghèo ở nông thôn và miền núi, nếu không tổ chức dạy thì các em sẽ không có chỗ học. 

Hơn 10 năm mở lớp ôn luyện thi ĐH, đến thời điểm này có 500 học trò của thầy Hiền ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... đỗ ĐH. 

Thầy Phạm Thanh Hiền nhiều lần được UBND huyện Đức Thọ cử làm đại diện tiêu biểu báo cáo điển hình biểu dương gia đình văn hóa xuất sắc toàn tỉnh; được Bộ Trường Bộ VH-TT-DL tặng “Bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”.

                                                                                      Minh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ