Gặp người “giữ lửa Tây Tiến”

GD&TĐ - Tôi thật may mắn khi tìm gặp được chị Bùi Phương Thảo, người duy nhất trong số 5 người con của nhà thơ Quang Dũng đang sống và làm việc ở Hà Nội, và cũng là người duy nhất trong số các con lưu giữ hầu hết những kỷ vật, di vật về người cha của mình như một báu vật của đời. 

Gia đình nhà thơ Quang Dũng (ảnh tư liệu do chị Bùi Phương Thảo cung cấp)
Gia đình nhà thơ Quang Dũng (ảnh tư liệu do chị Bùi Phương Thảo cung cấp)

Chị hiện là Trưởng ban liên lạc của các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, người “giữ lửa Tây Tiến” cháy mãi cho thế hệ mai sau.

Những hồi ức về cha

Chị Phương Thảo không giấu được những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khi kể về người cha của mình: “Trong ký ức, cha tôi là người hiền lành, vóc dáng cao lớn với mái tóc trắng bồng bềnh và đôi mắt hiền từ. ở bên cha trong suốt tuổi thơ ấu, tôi được đón nhận một tình yêu thương, chiều chuộng từ ông. Cũng có thể do tôi là con gái út trong nhà.

Tôi cảm nhận và ghi nhớ nhiều hình ảnh về cha, mỗi hình ảnh, mỗi cử chỉ, mỗi ngụ ý của ông ngấm vào bản thân mình từ lúc nào không biết. Khác với cách giáo dục các con trai, bố tôi là người cha tinh tế, yêu thương đối với các con gái. Dạy con thì không đao to búa lớn, không nói những điều sách vở mà dạy bằng thực tế, dạy mà như không.

Có những câu chuyện về cha mà cho đến bây giờ tôi không sao quên được. Mỗi lần cha tôi có một khoản tiền nho nhỏ nào đó, chắc là nhuận bút, ông phấn khởi lắm, viết một dòng chữ rất nhỏ rằng: “Sáng mai ngủ dậy bố cho đi ăn phở Tràng Tiền”.

Hàng phở Tràng Tiền lúc đó phải xếp hàng mua, giờ là kem Tràng Tiền. Nghĩ đến đã thấy ngon rồi, mai đi ăn thì viết từ hôm nay để đầu giường hai con gái, mà chỉ con gái thôi, con trai lại không được vậy. Giờ thì có thể ăn bao nhiêu bát phở đặc biệt hơn nhiều nhưng sao vẫn không ngon bằng bát phở ngày ấy!”.

Người chiến sĩ trẻ tài hoa

Nhắc đến cha, người con gái út rưng rưng xúc động xen lẫn tự hào kể lại: “Cha tôi quê làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội. Thuở nhỏ, cha tôi học trường làng, là nơi hiện nay đặt bức tượng đồng bán thân của ông.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nội, năm 20 tuổi, ông thoát ly gia đình sống độc lập bằng nghề dạy học tư, viết báo, dịch thuật ở Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng trước tháng 8/1945. Khi Tổng khởi nghĩa thành công, ông được cử làm phái viên phòng quân vụ Bắc bộ.

Năm 1946, ông làm chính trị viên Đại đội vệ binh Chiến khu II, thuộc khu bộ. Cũng năm đó, ông được cử đi học lớp bổ túc quân sự ở Tông, Sơn Tây (khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn). Cuối xuân năm 1947, ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến với cấp bậc Phó đoàn võ trang tuyên truyền Lào - Việt, biên khu Tây Tiến, Đại đội trưởng Đại đội võ trang Trung đoàn 52, Trưởng ban tuyên truyền Trung đoàn 52. Hòa bình lập lại, ông làm biên tập báo Văn nghệ và nhà xuất bản Văn học. Ông nghỉ hưu năm 1978”.

Cha tôi làm thơ từ rất sớm. Trong những tác phẩm thơ để lại có bài “Chiêu quân” ông sáng tác năm 17 tuổi. Trong số những tác phẩm thơ của mình, ông tâm đắc nhất bài thơ “Tây Tiến”. “Tây Tiến” được ông viết năm 1948 sau khi rời quân ngũ chưa lâu và bài thơ như đứa con tinh thần vạm vỡ nhất của ông. Với những cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng là linh hồn của Trung đoàn, góp phần cho Trung đoàn 52 Tây Tiến được sáng danh và nhiều người biết đến hơn.

Hiếm có bài thơ nào mà không chỉ có chất anh dũng trong chiến đấu, ngay cả khi nói đến cái chết, vẫn hiện lên nét hào hoa của người chiến sĩ như “Tây Tiến”: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời” hay “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Âm hưởng hào sảng và lãng mạn trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng luôn được nhắc đến như một huyền thoại.

Tiếp nối truyền thống đoàn quân Tây Tiến

Năm 1987, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời. Khi ấy, số cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến vẫn còn hơn 200 người. Mỗi lần gặp mặt, lại một lần thêm thưa vắng.

Chị Bùi Phương Thảo nhớ lại, từ khi cha mất, chị tham gia Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến. Lúc đầu chỉ là đưa mẹ đi họp, sau đó các bác cựu chiến binh mời vào, chỉ là để nghe. Sau khi mẹ chị yếu, chị đi họp thay mẹ. Tính đến bây giờ thì đã gần 30 năm chị theo bước chân của Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Từ năm 2012 tới nay, chị Bùi Phương Thảo được các cựu binh Tây Tiến giao trọng trách trưởng ban liên lạc. “Tôi cứ nghĩ đây là cơ duyên, sắp đặt cho mình làm công việc này bởi bản thân trong mơ cũng không bao giờ dám nghĩ mình có thể làm và nắm giữ trọng trách này, dù tôi đã tham gia sinh hoạt cùng các chú, các bác ngay từ những ngày đầu thành lập” - chị Thảo chia sẻ.

Với nhiều nỗ lực trong hoạt động, Ban liên lạc Tây Tiến đã cùng các địa phương nơi Tây Tiến hoạt động năm xưa xây dựng những tượng đài vinh danh bộ đội Tây Tiến như ở Lạc Sơn (Hòa Bình). Đài tưởng niệm Tây Tiến ở Mộc Châu, tháp Tây Tiến ở Mường Lát (Thanh Hóa) và ở mỗi tượng đài, bài thơ “Tây Tiến” được trích, khắc vào bia đá trang trọng như một chứng tích lịch sử của Trung đoàn 52.

Năm năm trôi qua, chị Thảo cùng những thành viên trong ban liên lạc đã làm được rất nhiều công việc ý nghĩa để tiếp nối truyền thống đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Ngoài các hoạt động tri ân, ban liên lạc luôn duy trì công tác khuyến học cho con em ở những vùng đất mà Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đi qua, đã sống và chiến đấu. Hiện tại, đã có 6 trường học từ cấp mẫu giáo, tiểu học, THCS mang tên Tây Tiến ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), Mường Lát (Thanh Hóa) và Mộc Châu (Sơn La).

“Chúng tôi quyết tâm tiếp nối giữ lửa truyền thống khi dòng máu Tây Tiến còn chảy trong huyết quản của mình” - chị Bùi Phương Thảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ