Chúng tôi gặp dũng sĩ Đinh Phươn khi bà đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi rẫy dài ngày, tiếp chúng tôi với nụ cười giòn tan khi được hỏi về câu chuyện bà đã hạ máy bay hơn 40 năm về trước. Dường như với người đàn bà đã bước sang tuổi 60 này, đó là ký ức không thể nào quên được, nên trong câu chuyện của bà mạch lạc như nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua…
Dũng sĩ Đinh Phươn |
Năm 1965, khi vừa tròn 15 tuổi bà tham gia vào du kích hoạt động ở vùng xã Bắc (huyện An Khê, Gia Lai-Kon Tum cũ), cảm nhận về chiến tranh của cô sơn nữ tuổi trăng tròn chỉ mới bắt đầu qua lời kể về những tội ác của quân thù. Nhưng những tháng ngày tham gia du kích, Đinh Phươn đã nhận ra rằng nước mất thì nhà tan, nếu không cầm súng chiến đấu bảo vệ dân làng, bảo vệ quê hương thi không bao giờ có cuộc sống bình yên. Ba năm tham gia du kích, dù phải chịu bao nhiêu vất vả, chứng kiến sự hy sinh của các chàng trai, cô gái trong làng, nhưng chưa bao giờ làm người con gái Bah Nar này nản chí…
Mùa khô năm 1968, khi chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở Miền Nam Việt Nam của Mỹ đi vào giai đoạn cuối ác liệt, quân thù điên cuồng tàn phá khắp Miền Nam, ngôi làng nhỏ bé của bà cũng không có ngày nào bình yên: “Tôi còn nhớ, một buổi trưa của mùa khô năm 1968, khi đang đi tuần cùng 6 du kích trong đội nữ dân quân, chúng tôi gặp 1 chiếc trực thăng chở bộ binh đang tìm địa điểm để đổ bộ xuống gần làng mình. Khi chiếc máy bay đang quần đảo trên bầu trời, tôi lập tức nổ súng về hướng máy bay. Lúc này trong súng của tôi có 20 viên đạn sau loạt đầu không trúng đích, khi ấy trên máy bay quân giặc bắt đầu nhả đạn về hướng chúng tôi, đợi khi máy bay hạ thấp hơn tôi bắn loạt thứ hai. Lúc này thân máy bay bắt đầu bốc khói, chao đảo chỉ bay thêm được một đoạn thì đâm vào núi bốc cháy. Cảm giác của tôi khi đó vui mừng không khác gì đưa trẻ, rồi một mạch chạy về làng báo tin…” Đinh Phươn nhớ lại.
Sau chiến công đầu tiên, cô sơn nữ vừa bước sang tuổi 18 luôn là người dẫn đầu đội du kích trong thành tích chiến đấu. Đến ngày 2-9-1968, Đinh Phươn vinh dự được quân giải phóng Miền Nam Việt Nam phong tặng dũng sĩ hạ máy bay. Sau ngày giải phóng, với những thành tích trong chiến đấu bà được trao tăng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3 (1987) và luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động của địa phương…
Còn với Đinh Ngớp-làng Mơ H’ven, Kbang-Gia Lai tham gia cách mạng khi tròn 18 tuổi, chàng trai Bah Nar được xem như một thiện xạ số 1 của đội du kích xã Trung Nam (huyện An Khê, Gia Lai-Kon Tum cũ) khi chỉ cần 2 phát súng đã hạ 2 chiếc máy bay của quân thù: “Thời gian đó, chiến tranh ác liệt lắm, ngày nào máy bay của Mỹ cũng bay quanh các khu rừng thả bom để tiêu diệt căn cứ của bộ đội ta. Tôi còn nhớ, khoảng 3 giờ chiều mùa mưa năm 1967, khi đó tôi là xã đội trưởng xã Trung Nam, trong một chuyến đi tuần cùng một đồng chí trong đội du kích xã, chúng tôi gặp mấy chiếc máy bay đang đổ bộ quân xuống khu rừng cách làng tôi chừng 3 km.
Lúc này, nếu chạy về điều thêm người sẽ không thể nào kịp, sau khi chọn vị trí bắn thuận lợi, chỉ một phát súng đầu tiên máy bay đã chao đảo rồi bốc cháy, lúc đó những máy bay khác bắt đầu thả bom xung quanh, nên cả hai chúng tôi phải rút sâu vào rừng. Đến khoảng 15 ngày sau, cũng trong lúc đi tuần tôi gặp một máy bay trinh thám, lúc đó vị trí của tôi với máy bay không xa nên cũng chỉ cần một phát súng đã trúng đích… Sau khi hạ hai máy bay, tôi tiếp tục tham gia vào quân chủ lực chiến đấu quanh đường 19. Sau ngày giải phóng, tôi cũng đã được đề nghị phong tặng danh hiệu dũng sĩ hạ máy bay… Nhưng với tôi, bắn được máy bay để bảo vệ quê hương là hạnh phúc lắm rồi…” Đinh Ngớp tâm sự.
Dũng sĩ Đinh Ngơp |
Những ký ức về chiến tranh với họ giờ đây như một kỷ niệm không thể phai mờ, để nhớ lại những tháng ngày oanh liệt. Dù chiến công của họ không được ghi vào sử sách, nhưng với tất cả mọi người trên mảnh đất nghèo này họ là những đại biểu ưu tú cho tin thần chiến đấu và lòng yêu nước của người Bah Nar…
Chiến tranh kết thúc, họ trở về với cuộc sống của những nông dân bình dị và phải mặt với vô vàn khó khăn, nhưng với một quá khứ hào hùng làm điểm tựa họ đã vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê mình: “Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết trong chiến tranh không thể làm tôi nản chí, thì trở về với cuốc sống dù đối mặt với đói nghèo, nhưng bằng ý chí của người lính đã giúp tôi vượt qua tất cả…” bà Đinh Phươn tâm sự với chúng tôi. Đến nay, với hơn 3 ha đất trồng mía cao sản, mì, bắp và chăn nuôi mỗi năm gia đình của dũng sĩ Đinh Phươn thu nhập hơn 30 triệu đồng.
Còn với Đinh Ngớp sau ngày giải phóng ông tiếp tục các công tác xã hội và tìm tòi những mô hình sản xuất mới để vươn lên làm giàu. Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 40 triệu đồng, con cái đều được học hành thành đạt, là tấm gương sáng cho những người trong làng noi theo.
Chia tay họ trong bóng chiều chạng vạng, Đinh Ngớp cười hiền nói với chúng tôi: “Dân tộc Bah Nar còn rất nhiều người anh dũng, mình chỉ là một phần nhỏ trong số đó thôi…”.
Lê Anh