Gập ghềnh cái chữ vùng cao

Gập ghềnh cái chữ vùng cao

(GD&TĐ) - Thấp thoáng trong sương mù rừng núi Mường Lát (Thanh Hóa) là những phòng học được lợp bằng lá cọ đã bị mục nát, nhưng từ xa vẫn vang lên tiếng ê a học bài của các em học sinh nơi đây.

Nghèo vẫn ham học

Mường Lát, là huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp Mộc Châu – Sơn La và Lào, một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước, với 7.329 hộ dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59,3%. Thế nhưng, những đứa trẻ nơi đây lại luôn khát khao được đến trường, quyết tâm theo đuổi cái chữ.

Những ngày đầu năm 2013. Dưới xuôi, thời tiết mùa này đã ấm lên, nhưng khi đến đây mọi người vẫn phải rùng mình vì giá lạnh. Vậy mà, từ xa vẫn thấy những em nhỏ cởi trần lang thang bên sườn núi, vách nhà sàn.

Gập ghềnh cái chữ vùng cao ảnh 1
Khu trường mầm non tại bản Sài Khao. Ảnh Nguyễn Quỳnh

Cách trung tâm xã gần 20 km đường rừng, Trường tiểu học Tây Tiến đóng tại bản Xì Lô. Ngôi trường mang tên Tây Tiến bởi vùng đất nơi đây đã một thời gắn bó với kỷ niệm không thể nào quên của đoàn quân Tây Tiến, được nhà thơ Quang Dũng tái hiện lại trong thơ ca.

Thầy Lê Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến, người đã gắn bó với vùng đất này hơn 20 năm, cho biết: Trường tiểu học Tây Tiến có 26 lớp với gần 450 học sinh, 31 cán bộ, giáo viên. Do đường từ bản ra trung tâm xã cách xa nên phải bố trí thành 8 điểm trường. Hiện nay toàn trường còn 2 khu có lớp học tạm, 7/8 khu chưa có nhà ở cho giáo viên. Dù cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn và khó khăn nhưng các em học sinh nơi đây vẫn yêu chữ ham học, những hôm trời mưa lớp học bị dột, thầy trò vẫn cố gắng không nghỉ buổi nào.

Mong lắm một lớp học kiên cố

Cao, xa hơn cả là khu trường điểm lẻ ở Sài Khao, Trung Thắng. Theo lối mòn đường rừng, thầy Lê Văn Viên đưa chúng tôi về thăm hai bản được coi là còn khó khăn nhất của xã Mường Lý này. Thầy Viên vừa dẫn đường, vừa tâm sự: Đời sống của người dân còn rất khó khăn, giao thông đi lại chủ yếu là đường rừng nên việc đi học của các em vô cùng vất vả. Trong khi đó, việc sinh hoạt cũng như giảng dạy của thầy cô giáo cũng thiếu thốn nhiều về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi thường xuyên đến thăm các khu trường để động viên, thăm hỏi, chia sẻ, trao đổi nghiệp vụ với giáo viên, học sinh. Có những em vì gia đình quá nghèo, buộc phải ở nhà đi rẫy làm nương, lên rừng kiếm củi phụ giúp bố mẹ, giáo viên phải đến vận động gia đình cho các em được tới lớp học chữ.

Gập ghềnh cái chữ vùng cao ảnh 2
Khu trường Tiểu học tại bản Trung Thắng

Khi chúng tôi đến nơi, trời đã gần tối. Phía xa là lớp học ọp ẹp được dựng lên từ những thanh gỗ, lợp bằng mái cọ, vẫn còn những khe hở. Ở vùng núi cao, về tối càng lạnh hơn, thỉnh thoảng có những cơn gió rít qua, khiến các em co rúm lại. Vậy mà vẫn vang lên tiếng thầy giảng, trò đọc.

Bản Trung Thắng có 53 học sinh được chia thành 3 lớp (trong đó có 2 lớp ghép) do thầy Tăng Văn Lộ phụ trách. Thầy Lộ cũng tâm sự: Ở đây trời nhanh tối, phòng học không có điện sáng, nên đã hở khắp nơi mà vẫn không đủ ánh sáng cho các em học bài.

Trước đây, cơ quan chức năng cũng hỗ trợ xây dựng cho Sài Khao và Trung Thắng một phòng kiên cố, nhưng đến nay phòng học này đã xuống cấp không thể sử dụng được, nên lớp học mầm non, tiểu học ở đây đều là những lớp học tạm.

Dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi, độ dốc hiểm trở khiến những lớp học tạm càng trở nên chênh vênh hơn trên sườn đồi hút gió. Tan học, trời đã mờ mờ tối, các em lại vội vàng đeo cặp sách rời lớp để sang bên kia ngọn đồi về nhà mình. Em Giàng Thị Khua (lớp 5, của khu trường tại bản Trung Thắng) nói: Nhà em cách trường gần 2 cây số, có bạn còn phải đi xa hơn em. Đi học, các em phải đi bộ từ khi trời còn chưa sáng thì đến trường mới kịp vào giờ học. Những hôm trời mưa, phòng học bị dột, thầy trò phải kê lại bàn ghế, nhưng do nền đất nên lớp học ẩm ướt, nhầy nhụa, khiến cho áo quần, cặp sách của các em bẩn ướt hết.

Ông Giàng A Tống – Trưởng bản Trung Thắng cho biết: Cả bản có 54/76 hộ là hộ nghèo, nên cũng không có khả năng đóng góp xây dựng. Dân bản mong muốn có lớp học kiên cố để việc dạy và học của thầy trò ở các lớp học tiểu học, mầm non nơi đây bớt vất vả.

Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ