Gặp cựu chiến binh suốt 30 năm dựng “thành lũy” bảo vệ dân làng

GD&TĐ -  Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ ông ở Hà Tĩnh vẫn tình nguyện trồng và chăm sóc hơn 10 ha rừng phi lao chắn sóng ven biển, giúp dân làng sống bình yên suốt hơn 30 năm qua.

 Cụ Lán dựng lều nơi cửa biển để bảo vệ rừng phi lao.
Cụ Lán dựng lều nơi cửa biển để bảo vệ rừng phi lao.

Người mà chúng tối nhắc đến là cụ Nguyễn Văn Lán (86 tuổi, trú thôn Hội Thành, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân Hà Tĩnh). Cụ Lán chính là chủ nhân của 10 ha rừng phi lao chắn cát ven biển, giúp dân làng sống an toàn trước sóng gió và biển xâm thực.

30 năm dựng “thành lũy”

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp về xã Xuân Hội ghé thăm cụ Lán. Ấn tượng khi lần đầu gặp cụ Lán là mặc dù đã 86 tuổi nhưng trông cụ còn rất khỏe mạnh, hằng ngày cụ vẫn cùng các thanh niên trong làng ra biển kéo lưới.

Theo lời kể của cụ Lán, năm 30 tuổi cụ lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Năm 1954, chàng trai trẻ lúc đó bị thương nặng không thể tiếp tục tham gia chiến đấu nên đành phải trở về quê nhà ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Rời quân ngũ về quê, cụ Lán tham gia vào hợp tác xã ngư nghiệp, rồi đi biển đánh cá mưu sinh theo nghề truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, do di chứng chiến tranh để lại khiến công việc của cụ gặp không ít khó khăn, trở ngại nơi đầu sóng ngọn gió.

Sau nhiều tháng bám biển mưu sinh, chứng kiến cảnh thiên tai, lũ lớn làm vỡ đê, lúa gạo bị cuốn trôi, nhiều người phải dắt díu nhau rời bỏ quê hương tha phương cầu thực. Những người ở lại cũng gặp không ít khó khăn, đất cát lại bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng trọt đã khó lại thêm nạn cát bay, biển xâm lấn đất liền. Hợp tác xã ngư nghiệp của ông cũng phải giải thể, làng xóm tiêu điều hoang vắng.

Chứng kiến thực trạng đó, năm 1986, cụ Lán bàn bạc với vợ con dựng lều ra ngoài biển để ở, với nguyện vọng trồng cây ven biển ngăn chặn thiên tai, giúp đỡ bà con trong vùng sống bình yên. Nói là làm, cuối năm 1986, cụ Lán viết đơn xin chính quyền xã Xuân Hội giao đất, sau đó vay mượn, mua trả góp 2 vạn cây phi lao về trồng trên bãi cát dài hơn 2 km dọc cửa biển Xuân Hội.

“Hồi đó, làm đê chống lũ thì tôi không có đủ tiền để làm nhưng trồng cây, gây rừng thì tôi nghĩ là sẽ làm được. Thế là tôi cùng vợ rời làng ra dựng lều ngoài bãi biển để trồng phi lao chắn sóng”, cụ Lán nói.

Bước đầu do số tiền ít, cụ chỉ trồng được khoảng 1 ha rừng phi lao, rồi dần dần, để dành được ít tiền cụ lại mua cây con để trồng. Nhiều khi khó khăn, không có tiền mua giống, cụ Lán lại mày mò đi nhặt hạt phi lao về ươm cây để trồng.

Lúc đầu, nhiều người ái ngại cho rằng cụ Lán làm cái việc “gàn dở” không giống ai. Thế nhưng, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, cụ lặng lẽ trồng cây. Cứ thế, năm này qua năm khác, ngót nghét cũng đã hơn 30 năm, đến nay diện tích rừng phi lao của cụ đã lên đến 10 hécta, trải dài hơn 2km ven biển.

Quyết tâm giữ rừng đến cùng

Cụ Lán bên rừng phi lao của mình.
  Cụ Lán bên rừng phi lao của mình.

Dẫn chúng tôi đi dọc rặng phi lao của mình, cụ Lán tâm sự: "Lúc mới trồng chưa có kinh nghiệm nên cây con chết nhiều lắm, vừa tiếc, vừa buồn. Cả ngày tôi cứ quanh quẩn bên vườn cây, gánh nước tưới liên tục, ấy thế mà cũng cứu được hơn nửa rừng cây con".

Rồi trồng rừng vốn đã khó, giữ rừng lại càng khó hơn. Đêm xuống, giấc ngủ cụ Lán chập chờn, lo sợ bọn lâm tặc chặt phá cây. Nhiều người biết ơn vì có rừng phi lao chắn sóng, chắn gió nhưng cũng có người ghen tức mà chặt phá.

“Năm 2009, vì ngăn người ta chặt phá cây mà tôi bị đánh gãy 7 chiếc răng và mất một đốt ngón tay út. Lần khác tôi bị đánh ngất đi nhưng tôi vẫn luôn quyết tâm giữ rừng đến cùng ”, cụ Lán kể.

Đến nay, nhìn rặng phi lao bạt ngàn, phủ dài một vùng cát trắng bà con mới thấu hiểu được ý nghĩa việc làm của ông. Dù cây đã lớn, có thể thu hoạch nhưng cụ Lán không nở chặt đi, mỗi khi có bão làm gãy cây, cụ lại cặm cụi ươm cây để trồng thay thế.

Từ khi có rừng phi lao, người dân địa phương ăn nên làm ra, thiên tai, thiệt hại cũng ít đi, đất đai được ngăn chặn cát xâm lấn, được thau chua rửa mặn lại thêm màu mỡ. Giờ đây, rừng cây trải dài ôm trọn cả một vùng quê hiền hòa khiến ai cũng nể phục cụ Lán.

Không những trồng phi lao chắn sóng, chắn gió bảo vệ dân làng mà cụ Lán, tạo công ăn việc làm, nuôi sống nhiều ngư dân và cứu vớt nhiều người bị đuối nước.

Cụ Lán kể, năm 1993 có 2 tàu hải quân bị mắc kẹt vào đầm lầy không đi được, ông liền đốn hai cây phi lao to nhất rồi làm 4 chiếc neo cho 2 chiếc tàu nên mới đi được. Lần khác, cụ cứu được 37 người bị chết máy, trôi dạt lênh đênh ngoài biển.

Ngư dân ở đây, chẳng có ai chưa từng nhận sự giúp đỡ của cụ Lán, hễ tàu, thuyền bị hư hỏng cái gì cụ lại giúp đỡ, sửa sang cho mà chẳng cần tiền hay trả công gì.

Ông Trần Song Hương – Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, việc trồng cây chắn sóng của cụ Lán là việc làm đáng được trân trọng. Từ khi có rừng phi lao của cụ Lán, nhiều thiên tai được hạn chế, dân làng Xuân Hội được sống bình yên hơn.

Suốt hơn 30 năm gắn bó với rừng phi lao, dù con cái đã trưởng thành, mong muốn cụ Lán trở vào làng sống cùng gia đình để được hưởng niềm vui tuổi già nhưng cụ vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Bởi với cụ Lán, rừng cây chắn sóng là tâm huyết cả đời, để giữ được cây, cụ đã phải đổ cả mồ hôi, nước mắt lẫn máu.

Vì thế, ngày ngày người ta vẫn thấy bóng người cựu chiến binh già lụi cụi trong căn chòi lụp xụp để bảo vệ rừng phi lao nơi cửa biển Xuân Hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...