Gặp anh hùng diệt Mỹ trong bài hát “Ơi! con suối La La”

GD&TĐ - Tiểu đội 10 chiến sĩ đánh thắng giòn giã 200 quân địch. Một bài hát ca ngợi về tiểu đội anh hùng này được nhạc sĩ Huy Thục cho ra đời sau chiến thắng.

Anh hùng Bùi Ngọc Đủ - Tiểu đội trưởng huyền thoại trong bài hát “Ơi! con suối La La”.
Anh hùng Bùi Ngọc Đủ - Tiểu đội trưởng huyền thoại trong bài hát “Ơi! con suối La La”.

1 chiến sĩ đối đầu với 20 tên địch

Được sự giới thiệu của một số cựu chiến binh huyện Mang Yang (Gia Lai), chúng tôi đến với vùng cao nguyên đất đỏ bazan để tìm gặp một nhân vật lịch sử trong tiểu đội anh hùng, tên tuổi của ông đã được nhạc sĩ Huy Thục đưa vào bài hát nổi tiếng “Ơi! con suối La La”: Anh hùng Lực lượng Vũ trang – Trung tá Bùi Ngọc Đủ.

Tiếp chúng tôi trong trang trại rộng lớn nằm sâu trong thị trấn Kon Dơng, ông Đủ bồi hồi nhớ lại: Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo Thanh Hóa, cũng như lớp lớp thanh niên bấy giờ, năm 1961, ông xung phong lên đường nhập ngũ bảo vệ đất nước. Những năm chiến tranh ác liệt, ông trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên.

Khi địch mở rộng chiến tranh xâm lược, Quảng Trị biến thành vùng đất hủy diệt của Mỹ - Ngụy. Một ngày tháng 2, năm 1967, ông Đủ không thể bao giờ quên, tại đồi Không tên dưới chân núi Cù Đinh (Cam Lộ, Quảng Trị), tiểu đội mang tên Bùi Ngọc Đủ có 10 chiến sĩ do ông làm Tiểu đội trưởng nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa đạn.

Ngày đó tiểu đội ông đã phải chống chọi vợi 1 lực lượng quân địch lên đến 200 tên, có máy bay và pháo binh hỗ trợ. Mười chiến sĩ trong tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ kho đạn, bảo vệ con suối La La và đồi Không tên đến những người cuối cùng.

Ông Đủ nhớ lại, khi đó, mặt trời bắt đầu ló rạng, 200 tên lính địch bắt đầu tiến lên đồi hòng tiêu diệt quân ta đang đóng ở đây để chiếm kho đạn. Biết là có sự không cân xứng trong trận đánh 1 chiến sĩ phải đánh lại 20 tên địch, nhưng anh em trong tiểu đội không hề có một sự nao núng.

Trận địa đã được cả tiểu đội bố trí sẵn chỉ cần địch vào tầm ngắm là bắn. Khi địch từ dưới áp sát gần chúng tôi, tất cả nghe theo hiệu lệnh đồng loạt nổ súng. Địch hết sức bất ngờ, hàng chục tên lính ngã xuống. Hàng trăm tên còn lại hốt hoảng rút lui xuống đồi trong sự sợ hãi. Trận mở màn lúc rạng sáng tiểu đội Bùi Ngọc Đủ không một ai hi sinh.

Khi đó chắc địch nghĩ quân ta trên đồi có hỏa lực mạnh, nên chúng đã cho máy bay và pháo liên tiếp nhả bom và đạn xuống. Đến đợt 2, dưới sự yểm trợ của pháo binh, quân địch tiếp tục tấn công lên đồi, chúng cũng chỉ cầm cự chưa được 1 tiếng đồng hồ đã phải rút. Trong một buổi sáng, chúng điên cuồng mở tới 10 đợt tấn công liên tiếp.

Buổi chiều, chúng tiến đánh 5 lần nữa rồi phải rút lui. Lượt cuối chúng chỉ còn lại khoảng chưa đầy 20 chục tên, chúng tháo chạy khỏi vị trí. Xác quân địch nằm la liệt trên con dốc quanh suối La La.

“Chúng tôi bám trụ trong vòng 1 ngày không có thời gian ăn uống, đi vệ sinh, trên tay cầm chắc tay súng luôn hướng về kẻ địch. Sau mỗi đợt tấn công lực lượng của tiểu đội lại hao mòn dần. 

Các anh em hi sinh, một số người bị thương rất nặng. Mặc dù bị thương nhưng anh em trong tiểu đội không hề có tiếng kêu la cũng chẳng cần băng bó mà vẫn chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Có người trận đầu bị thương đến trận sau tiếp tục dính đạn vẫn chiến đấu cho đến lúc hi sinh” - Ông Đủ kể trong sự thương tiếc.

Chiến thắng hào hùng

Danh hiệu Anh hùng LLVTND được nhà nước phong tặng.
Danh hiệu Anh hùng LLVTND được nhà nước phong tặng. 

7 chiến sĩ trong Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã ngã xuống, 2 chiến sĩ bị thương nặng, kho đạn được bảo vệ nguyên vẹn. Trận chiến đấu diễn ra liên tục sau 1 ngày trời, phần thắng đã thuộc về quân ta. Tiểu đội đã lấy ít địch nhiều, tiêu diệt gần gọn 200 tên. Ngay sau đó quân tiếp viện của ta lên bảo vệ kho đạn.

Để ca ngợi 10 chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu bên con suối La La, nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác ngay bài hát “Ơi! con suối La La”. Bài hát sau đó đã được vang lên khắp các chiến trường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ.

Trong bài hát có những ca từ mà khi nghe không khỏi xúc động và tự hào: “Ơi! con suối La La, nước trong xanh hiền hòa chảy quanh đồi Không tên, nay đồi đã mang tên Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ 10 chiến sĩ diệt Mỹ. Ai qua suối La La mời dừng chân bên đồi mà xem bao lũ giặc lính thủy đánh bộ nó kéo nhau lên rừng, xác chết nằm ngổn ngang trên ngọn đồi Không tên…”.

Ông Đủ rất bất ngờ khi từ trận đánh bên con suối La La mà ông và tiểu đội của mình được nhắc đến trong một bài hát nổi tiếng trong chiến tranh. 

Sau này, ông Đủ đã được gặp nhạc sĩ Huy Thục. Ông Đủ cho biết thêm, lần nào gặp Huy Thục là ôn lại kỷ niệm bên con suối La La, ôn lại những ngày tháng ác liệt như những cố nhân gặp nhau.

Đây chưa phải là trận đánh lớn trong đời cầm súng của ông Đủ, sau này ông còn tham gia nhiều chiến dịch lớn ở Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong gần 15 năm tham gia chiến đấu khắp các chiến tường, ông vinh dự đã được ra thăm Bác Hồ, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đất nước thống nhất, với thương tích trên người ông xin về lại Tây Nguyên công tác. Tưởng chừng chiến tranh đã đi qua ông có thể gác súng chuyên tâm vào các hoạt động xã hội. 

Những năm sau giải phóng, bọn Fulrô hoạt động mạnh ở Tây Nguyên gây nhiều thiệt hại cho người dân, trở thành mầm mống của bè lũ chống đối cách mạng. 

Bùi Ngọc Đủ lại cùng đồng đội xung phong đi truy quét Fulrô. Chỉ đến khi loại trừ được hết mầm mống bọn phản động Fulrô ông mới gác súng hẳn.

Năm 1995, ông về hưu và lập trang trại. Tại mảnh đất của mình, ông trồng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp, cho thu nhập cả trăm triệu đồng. 

Ngoài thú vui phát triển trang trại, ông còn danh thời gian cho các hoạt động xã hội. Ông giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ họ về cây con giống, kỹ thuật để thoát nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ